Trong khi các bệnh viện tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để đối phó với làn sóng gia tăng ồ ạt bệnh nhân COVID-19 với nguồn lực đang cạn kiệt, việc tăng cường nguồn cung cấp máy thở đã trở thành trọng tâm của cuộc thảo luận.
Theo kênh ABC News, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ có 1/3 bệnh nhân được đặt máy thở sống sót. Lúc này, một số chuyên gia đang đặt câu hỏi liệu máy thở có liên quan gì đến tỷ lệ sống sót thấp và liệu thiết bị y tế này có đang bị lạm dụng hay không.
Theo Tiến sĩ Scott Kopec, bác sĩ chuyên khoa phổi và là cựu giám đốc chương trình nghiên cứu sinh phổi và chăm sóc đặc biệt tại Đại học Massachusetts (Mỹ), bệnh nhân bị COVID-19 rất khó khăn để có đủ lượng oxy do tổn thương phổi nghiêm trọng. Bác sĩ Kopec giải thích rằng phổi bệnh nhân COVID-19 có thể bị tổn thương nặng đến mức đôi khi ngay cả máy thở cũng không đủ để hỗ trợ.
Mặc dù có khả năng cứu sống bệnh nhân nặng, máy thở cũng đi kèm với các rủi ro cố hữu, trong đó có việc gây thêm tổn thương cho phổi. Điều đó đặt ra thách thức với các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 hiện nay.
Những rủi ro từ sử dụng máy thở
Tiến sĩ Kopec giải thích, để bù đắp cho tổn thương phổi nghiêm trọng do COVID-19, bệnh nhân cần lượng oxy cao và một lượng lớn áp suất không khí được cung cấp bởi máy thở. Nhưng chính mức oxy cực cao này lại có thể gây hại. "Nếu bạn ép quá nhiều áp lực vào, bạn có thể gây tổn thương cho phổi", ông nói.
Một nghiên cứu từ Đại học Washington cho thấy bệnh nhân COVID-19 thường phải thở máy trong một thời gian tương đối dài, trung bình là 10 ngày. Và chính thời gian dài gắn với máy thở cũng gây ra nguy cơ nhiễm trùng phổi. Theo ông Jay Bhatt, bác sĩ nội khoa - cựu Giám đốc y tế của Hiệp hội Bệnh viện Mỹ, ống thông khí của máy thở mang không khí và thêm oxy vào phổi có thể là con đường xâm nhập của vi trùng, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi thứ phát.
Cân bằng lợi ích và rủi ro
Mặc dù có những thách thức trong sử dụng máy thở, nhưng các bác sĩ phải cân bằng giữa lợi ích với rủi ro để có thể giúp những bệnh nhân COVID-19 nặng, không thể tự thở một cách an toàn.
"Đó là một sự cân bằng cẩn trọng giữa việc duy trì mức oxy tối thiểu với các tác dụng phụ có thể xảy ra", Tiến sĩ Kinda Fischkoff, bác sĩ phẫu thuật và chuyên gia về chăm sóc đặc biệt tại Đại học Columbia (Mỹ) cho biết.
Một số bác sĩ và các nhóm y tế đã công khai đặt câu hỏi về giá trị của việc sử dụng máy thở sớm và thường xuyên với các bệnh nhân COVID-19. Liệu chúng ta có đang sử dụng máy thở quá nhiều? Ngay lúc này thì câu trả lời là khá phức tạp.
Một số người lập luận rằng có những cách ít xâm lấn hơn để hỗ trợ hô hấp, có thể cũng tốt tương tự và lại tránh được các biến chứng không mong muốn như khi sử dụng máy thở. Một nghiên cứu trên bệnh nhân COVID-19 nghiêm trọng ở Vũ Hán, Trung Quốc, cho thấy đối với những người bị suy hô hấp nặng, việc sử dụng phương pháp thông khí không xâm lấn, được gọi là "ống thông mũi cao", có hiệu quả giúp các bác sĩ không cần sử dụng máy thở cho phần lớn những bệnh nhân này. Ống thông mũi cao là phương pháp cung cấp oxy trong đó một ngạnh nhựa nhỏ được gắn vào mỗi lỗ mũi và thổi oxy vào ở tốc độ dòng chảy cao.
Một phương pháp khác, được gọi là "mũ thông khí không xâm lấn", dường như cũng giúp tránh sử dụng máy thở. Phương pháp này đã được sử dụng ở Italy trong đại dịch COVID-19, nhưng nó không được áp dụng rộng rãi ở Mỹ.
Mặc dù có nhiều cách khác để cung cấp thêm oxy cho bệnh nhân, các chuyên gia đồng ý rằng khi phổi của bệnh nhân bắt đầu bị suy và oxy xuống thấp nghiêm trọng, máy thở thường là lựa chọn tốt nhất hiện có – và đôi khi là lựa chọn duy nhất còn lại.