Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư: Hy vọng mới cho bệnh nhân mắc ung thư

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư: Hy vọng mới cho bệnh nhân mắc ung thư
Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư là phương pháp khá mới nhưng lại mang nhiều dấu hiệu khả quan trong điều trị ung thư.

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư đang là vấn đề các nhà khoa học, bác sĩ và bệnh nhân mắc ung thư đặc biệt quan tâm. Đây là một loại trị liệu sinh học có tác dụng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch nhằm chống lại căn bệnh ung thư. Phương pháp điều trị của liệu pháp miễn dịch này là sử dụng các chất được tạo ra từ các sinh vật sống để điều trị ung thư.

1. Vai trò của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư

Liệu pháp miễn dịch, hay còn được gọi liệu pháp sinh học, là phương pháp điều trị giúp bảo vệ cơ thể chống lại tế bào ung thư. Phương pháp này sử dụng các tế bào từ cơ thể hoặc trong phòng thí nghiệm để cải thiện hoặc khôi phục chức năng của hệ thống miễn dịch. 

Theo đó, liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư có những tác dụng sau:

+  Làm chậm hoặc ngừng sự phát triển của tế bào ung thư.

+  Ngăn ngừa tế bào ung thư di căn, lan rộng sang các cơ quan khác trong cơ thể.

+ Cải thiện hệ thống miễn dịch, hỗ trợ tiêu diệt tế bào ung thư một cách hiệu quả hơn.

Nguyên nhân các tế bào ung thư có thể phát triển trong cơ thể là chúng có khả năng trốn khỏi sự truy tìm của hệ thống miễn dịch. Các liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư  giúp đánh dấu tế bào ung thư, từ đó giúp hệ thống miễn dịch dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm và phá hủy chúng. 

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư: Hy vọng mới cho bệnh nhân mắc ung thư - Ảnh 2.

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư là phương pháp điều trị giúp bảo vệ cơ thể chống lại tế bào ung thư - Ảnh Internet.

Đọc thêm: 

Biến chứng vì hóa trị ung thư như thế nào?

Ăn gì để diệt tế bào ung thư? Những loại "thần dược" có sẵn trong nhà bếp không nên bỏ qua

2. Các liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư

Liệu pháp miễn dịch được phân loại thành các liệu pháp sau: Kháng thể đơn dòng và liệu pháp ức chế khối u; Liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu; Liệu pháp virus oncolytic; Liệu pháp tế bào T và Vắc xin ung thư.

2.1. Kháng thể đơn dòng và liệu pháp ức chế khối u

Kháng thể là một protein giúp cơ thể chống lại các nhiễm trùng nguy hiểm. Trong khi đó, hệ miễn dịch sản xuất kháng thể để bảo vệ cơ thể trước những các yếu tố gây hại. 

Kháng thể đơn dòng là liệu pháp đặc biệt được thực hiện tại phòng thí nghiệm, được thực hiện dưới nhiều phương pháp khác nhau. Ví dụ, kháng thể đơn dòng có thể được sử dụng với mục tiêu chính là tiêu diệt các thành phần protein bất thường trong tế bào ung thư.

Bên cạnh đó, kháng thể đơn dòng cũng có thể được sử dụng như một liệu pháp miễn dịch. Ví dụ như một vài kháng thể tấn công vào các protein đặc biệt trong tế bào ung thư. Đây chính là sự mở đầu để tiếp cận tế bào ung thư, giúp hệ miễn dịch tìm đường tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư.

Các loại kháng thể khác trong liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư hoạt động bằng cách giải phóng các kháng thể ức chế phanh lên hệ thống miễn dịch với mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư. Trong đó, con đường PD-1 / PD-L1 và CTLA-4 rất quan trọng đối với hệ thống miễn dịch, kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư.

Trên thực tế, các thử nghiệm lâm sàng về kháng thể đơn dòng đang được tiến hành đối với một số loại bệnh ung thư. Nhiều chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch được chấp thuận cho các bệnh ung thư cụ thể, hoặc sử dụng để điều trị khối u trong cơ thể bằng cách tập trung vào một thay đổi di truyền cụ thể.

Phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng có tác dụng phụ và tác dụng phụ là gì phụ thuộc vào mục đích của thuốc.

2.2. Liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu

Tương tự như liệu pháp kháng thể đơn dòng, liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu cũng có tác dụng giúp hệ thống miễn dịch tiêu diệt các tế bào ung thư. Phần lớn các liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu được đưa ra sau hoặc cùng lúc với các phương pháp điều trị ung thư khác (hóa trị hoặc xạ trị). Tuy nhiên, một số liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu được đưa ra với tư cách là phương pháp điều trị ung thư chính.

Hai liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu phổ biến là interferon và interleukin. Cả hai liệu pháp này đều giúp hệ thống miễn dịch chống lại ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. 

2.3. Liệu pháp virus oncolytic

Liệu pháp vi rút oncolytic là phương pháp sử dụng virus biến đổi gen để tiêu diệt các tế bào ung thư. Theo đó, các bác sĩ tiêm virus vào khối u, để virus xâm nhập vào các tế bào ung thư và tạo ra các bản sao của chính nó. Điều này khiến các tế bào vỡ ra và chết. 

Khi các tế bào chết, chúng giải phóng ra các kháng nguyên và kích hoạt hệ thống miễn dịch của người bệnh ung thư. Với liệu pháp này, virus chỉ nhằm vào tất cả các tế bào ung thư mà không xâm nhập vào các tế bào khỏe mạnh.

2.4. Liệu pháp tế bào T

Tế bào T được hiểu đơn giản là tế bào miễn dịch chống nhiễm trùng. Trong liệu pháp tế bào T, các tế bào này được lấy ra từ máu của bệnh nhân mắc ung thư. Sau đó, trong phòng thí nghiệm sẽ tiến hành thay đổi cấu trúc của chúng để có các thụ thể (protein). Các thụ thể cho phép tế bào T nhận diện các tế bào ung thư.

 Sau khi được thay đổi trong phòng thí nghiệm, các tế bào T được đưa trở lại cơ thể người bệnh. Khi đó, các tế bào T sẽ thực hiện công việc tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Thực tế cho thấy, liệu pháp tế bào T rất có hiệu quả trong việc điều trị một số bệnh ung thư máu. 

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư: Hy vọng mới cho bệnh nhân mắc ung thư - Ảnh 3.

Liệu pháp tế bào T rất có hiệu quả trong việc điều trị một số bệnh ung thư máu - Ảnh Internet.

2.5. Vắc xin ung thư

Có 2 loại vắc-xin ung thư là vắc-xin phòng ngừa và vắc-xin điều trị. Vắc-xin ung thư là loại vắc-xin có tác dụng làm lộ kháng nguyên. Điều này kích hoạt hệ thống miễn dịch nhận biết và tiêu diệt kháng nguyên hoặc các vật chất lạ có liên quan, từ đó hỗ trợ điều trị ung thư. 

3. Một số câu hỏi liên quan tới liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư

3.1. Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư có tác dụng phụ không?

Liệu pháp miễn dịch có thể gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng đến bệnh nhân theo những cách khác nhau. Mức độ của tác dụng phụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi điều trị, loại ung thư, mức độ tiến triển, loại trị liệu đang dùng và liều lượng.

Trên thực tế, tác dụng phụ phổ biến nhất của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư là phản ứng da tại vị trí tiêm, như tình trạng sưng đau, đỏ, ngứa, phát ban. Cần lưu ý, liệu pháp miễn dịch cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, người bệnh có thể yên tâm vì những phản ứng này rất hiếm xảy ra. 

3.2. Các liệu pháp miễn dịch được đưa vào cơ thể người bệnh như thế nào? 

Các con đường đưa vào cơ thể người bệnh của liệu pháp miễn dịch là khác nhau và phụ thuộc vào liệu pháp điều trị. Cụ thể:

+ Tiêm tĩnh mạch: Liệu pháp miễn dịch trực tiếp đi vào tĩnh mạch.

+ Đường uống: Liệu pháp miễn dịch có trong viên nang hoặc viên thuốc hoặc viên nang và đi vào cơ thể khi người bệnh nuốt vào. 

+ Kem bôi da: Liệu pháp miễn dịch này có thể sử dụng trong ung thư da giai đoạn sớm, có trong một loại kem mà người bệnh chà lên da. 

+ Bơm hóa chất vào bàng quang: Liệu pháp miễn dịch đi trực tiếp vào cơ quan bàng quang.

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư: Hy vọng mới cho bệnh nhân mắc ung thư - Ảnh 3.

Liệu pháp miễn dịch trực tiếp đi vào tĩnh mạch của bệnh nhân - Ảnh Internet.

3.3. Tần suất điều trị bằng liệu pháp miễn dịch ra sao?

Tần suất và thời gian điều trị bằng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố như Loại ung thư và mức độ tiến triển; Loại liệu pháp miễn dịch;  Phản ứng của cơ thể với điều trị.

Theo đó, tần suất điều trị có thể là mỗi ngày, mỗi tuần hoặc mỗi tháng.

3.4. Liệu pháp miễn dịch có thể thay thế các phương pháp điều trị ung thư khác hay không?

Trên thực tế, liệu pháp miễn dịch là phương pháp hiện đại và được nhiều người kỹ vọng. Tuy nhiên, trong ung thư không có phương pháp điều trị duy nhất, vấn đề là chẩn đoán đúng giai đoạn nào để có chỉ định phù hợp.

Dù liệu pháp miễn dịch tác động vào hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư nhưng đây không phải là tất cả khi điều trị ung thư. Hơn nữa, liệu pháp điều trị miễn dịch hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc chẩn đoán có đúng giai đoạn không, sử dụng chỉ định có đúng không, cơ thể người bệnh có đáp ứng thuốc không.

Vì thế, liệu pháp miễn dịch khi điều trị ung thư không phải là phương pháp điều trị duy nhất, không thể thay thế cho các phương pháp điều trị khác. Khi điều trị ung thư,không thể bỏ phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nội tiết.

Tóm lại, liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư là phương pháp cứu cánh cho bệnh nhân ung thư di căn, tái phát, giúp lui bệnh và tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân ung thư bị di căn lên não nhưng được điều trị phối hợp đã khỏi hoàn toàn.

Tuy nhiên, miễn dịch là thuốc mới, khá đắt, bảo hiểm y tế chưa chi trả, nên việc chỉ định điều trị còn phụ thuộc vào khả năng kinh tế của bệnh nhân cũng như liều lượng, quá trình điều trị dài hay ngắn.


Tác giả: Ngọc Điệp