Liệu pháp hormon thay thế: Tác dụng trong điều trị bệnh loãng xương

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Liệu pháp hormon thay thế: Tác dụng trong điều trị bệnh loãng xương
Liệu pháp hormon thay thế (HRT) được biết đến là một biện pháp trong điều trị loãng xương có tác dụng giúp bảo vệ xương và ngăn ngừa gãy xương.

1. Liệu pháp hormon thay thế là gì?

Trong điều trị loãng xương, ngoài các biện pháp như điều trị bằng thuốc Tây y, điều trị không dùng thuốc, áp dụng các bài thuốc Đông y, bổ sung canxi thì liệu pháp hormon thay thế được khá nhiều phụ nữ mắc chứng loãng xương lựa chọn.

Liệu pháp hormon thay thế là biện pháp bổ sung estrogen (hay phối hợp với progesteron) tạo nồng độ các chất nội tiết này tương đương với nồng độ sinh lý, nhằm hạn chế các triệu chứng khó chịu xảy ra ở giai đoạn mãn kinh của phụ nữ như bốc hỏa, khô da, loãng xương, tăng các bệnh tim mạch, trầm cảm, khô âm đạo,...

2. Tác dụng dự phòng và điều trị loãng xương của liệu pháp hormon thay thế

Nhiều nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh rằng, trong khoảng thời gian ngắn (12 - 36 tháng), sử dụng liệu pháp hormon thay thế liều hiệu quả cho phép ổn định, thậm chí làm tăng mật độ khoáng hóa của xương.

Nghiên cứu đã cho thấy liệu pháp hormon thay thế có tác dụng rõ rệt trong dự phòng gãy xương ở tất cả các vị trí như cổ tay, háng, cột sống. Đối với nhóm phụ nữ 50 - 59 tuổi, dự phòng gãy xương đáng kể ở vị trí cột sống. Một nghiên cứu hồi cứu trên 22 nghiên cứu cho thấy giảm đáng kể tỷ lệ gãy xương không cột sống do dùng liệu pháp hormon. Điều trị loãng xương bằng liệu pháp hormon thay thế đã chứng tỏ được hiệu quả làm giảm sự mất xương, làm tăng mật độ xương và giữ cho xương không bị gãy. 

Cho đến gần đây, trên thế giới, nhiều phụ nữ thường dùng liệu pháp hormon thay thế sớm sau khi mãn kinh và ngừng dùng vài năm sau khi điều trị, trong khi đa số trường hợp gãy xương do loãng xương lại xảy ra sau tuổi 65. Do vậy, điều quan trọng là cần phải sử dụng liên tục mới có thể giảm được tỷ lệ gãy xương. Dùng liệu pháp hormon thay thế 2 - 3 năm mới ngăn ngừa được mất xương.

Tùy theo thời gian đã mãn kinh mà thời gian và liều dùng liệu pháp hormon thay thế cũng khác nhau để đạt được hiệu quả mật độ xương cho đến khi tuổi cao. Trong một nghiên cứu theo chiều dọc trên 85 bệnh nhân, biên độ của thay đổi mật độ xương phụ thuộc vào khoảng thời gian mãn kinh và liều thuốc.

Ngoài ra, người ta cũng đánh giá sự tiến triển của mật độ xương khi dừng thuốc liệu pháp hormon thay thế, đang dùng liệu pháp hormon thay thế (nhất là dùng dài hạn), giảm được 30 - 50% gãy cổ xương đùi, đốt sống và cổ tay. Tuy nhiên khi đã ngừng thuốc thì xương không còn được bảo vệ. Khi dừng thuốc, bệnh nhân sẽ lại mất xương tương tự mất xương nhanh của giai đoạn sớm sau mãn kinh, tức là mất xương sẽ lại xảy ra lại trong vòng một năm, và chu chuyển xương tăng trở lại trong vòng 3 - 6 tháng như những phụ nữ không điều trị.

Một số loại thuốc hiện nay có chứa estrogen và bazedoxifene cũng là một loại liệu pháp hormon thay thế có khả năng ngăn ngừa bệnh loãng xương ở những phụ nữ có nguy cơ loãng xương cao đã thử liệu pháp điều trị không bao gồm estrogen.

Tóm lại, người bị bệnh loãng xương cần tới bác sĩ để được thăm khám kỹ tình trạng bệnh tật và làm xét nghiệm. Từ đó mới quyết định có dùng liệu pháp hormon thay thế hay không và luôn kiểm tra tác dụng có lợi cũng như những ảnh hưởng có hại của thuốc vì việc áp dụng liệu pháp hormon thay thế không đúng cách có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm.

Các thông tin trong bài viết này không thay thế quyết định y khoa. 


Tác giả: An Di