Chúng ta biết rằng nếu bị các bệnh như huyết áp cao, nồng độ đường trong máu quá mức cho phép thì sẽ có nguy cơ bị bệnh tim mạch. Tuy nhiên, rất nhiều người không mắc các bệnh này nhưng vẫn bị các cơn đau tim. Điều này khiến các nhà khoa học phải đặt ra câu hỏi: Còn nguyên nhân nào khác gây ra bệnh tim mạch?
Căng thẳng thần kinh là một trong những nguyên nhân gây bệnh tim mạch (nguồn: Internet)
Câu trả lời chính là bệnh tim mạch không chỉ xuất hiện do các yếu tố sinh lý mà còn phải xét đến yếu tố hành vi. Trong 30 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã tiến hành một loạt nghiên cứu và đã chứng mình được việc con người phải đối mặt với những căng thẳng trong cuộc sống ảnh hưởng tiêu cực tới tình trạng tim mạch của họ.
Tình trạng tâm lý căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây bệnh tim mạch, đặc biệt là xơ vữa động mạch. Đối với những người có suy nghĩ tích cực, lối sống lành mạnh và luôn có tâm trạng vui vẻ thì họ dễ dàng đẩy lùi stress và có một cuộc sống hạnh phúc.
Ngược lại, những người có ốm yếu, tâm trạng u ám và có sức khỏe kém sẽ luôn gặp căng thẳng và không thể đối mặt với những cú sốc lớn trong cuộc sống. Thậm chí họ còn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch rất cao.
Khi một người bị căng thẳng thần kinh, sự căng thẳng sẽ không giảm đi mà kéo dài liên tục. Gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người. Căng thẳng thần kinh đòi hỏi lượng hooc môn và nguồn năng lượng ít hơn các căng thẳng về thể chất.
Nhưng cơ thể phản ứng trước cả hai loại căng thẳng này như nhau. Do đó lượng hooc môn và chất béo được huy động trong những căng thẳng thần kinh không được tiêu thụ hết sẽ dẫn đến tình trạng huyết áp, nhịp tim tăng cao quá mức cần thiết.
Tăng huyết áp sẽ làm tăng áp lực thành động mạch, gây tắc nghẽn mạch (nguồn: Internet)
Nhịp tim và huyết áp tăng sẽ gây ra sự rối loạn về huyết động, làm cho áp lực tại thành động mạch tăng lên. Điều này thường xảy ra ở mạch vành - mạch máu vận chuyển máu đến nuôi tim. Đặc biệt việc huyết động tăng và các hooc môn xuất hiện do căng thẳng thần kinh luôn di chuyển liên tục trong máu sẽ tổn thương nội mạc thành mạch, dẫn tới nguy cơ bị bệnh tim mạch rất cao.
Nếu thành mạch bị tổn thương, các tiểu cầu trong máu sẽ được huy động bởi hooc môn, di chuyển và bám dính vào thành mạch để giảm sự thương tổn. Nhưng điều không ngờ là chính quá trình các tiểu cầu bám vào lại làm cho thành mạch dày lên và làm tắc mạch.
Bên cạnh đó, cholesterol cũng được sản xuất ra từ các tế bào mỡ trong quá trình con người bị stress và tăng cao. Theo thời gian, những thay đổi này sẽ dẫn đến xơ vữa động mạch vành.
Động mạch quá hẹp sẽ làm giảm lượng máu lưu thông đến tim, khiến tim không đủ máu để duy trì hoạt động co bóp mặc dù tim càng co bóp nhiều hơn bình thường khi cơ thể đối mặt với sự căng thẳng thần kinh. Hơn nữa, chính những hooc môn do căng thẳng tiết ra cũng làm co nhỏ mạch vành và khiến cho lưu lượng máu qua mạch vành đến tim càng giảm. Hậu quả là cơ tim bị thiếu máu cục bộ, gây đau tim đột ngột. Nếu mạch vành hẹp đến 90% thì hormone sẽ gây co nhỏ mạch ở 10% còn lại, dẫn tới mạch bị tắc nghẽn gần như hoàn toàn và cơn đau tim sẽ xảy ra.
Khi cơ tim bị thiếu máu cục bộ sẽ làm giảm độ co bóp, khiến bạn bị đau thắt ở ngực (Nguồn: Internet)
Sự thiếu máu cục bộ ở cơ tim kết hợp với những hoạt động thể chất khi gắng sức sẽ đưa tới những cơn đau thắt ở ngực. Quá trình thiếu máu cục bộ này cũng có thể diễn ra rất lặng lẽ, khiến bạn không nhận biết được sự nguy hiểm do không có dấu hiệu đau thắt ở ngực hay triệu chứng khác của bệnh tim. Nhiều nhà khoa học cho rằng sự thiếu máu cục bộ cơ tim diễn ra thầm lặng là yếu tố quan trọng gây ra cơn đau ngực dẫn đến tử vong.
Bạn sẽ không còn bị cẳng thẳng thần kinh đày đọa nếu xây dựng cho bản thân những thói quen đơn giản sau:
- Tập thể dục thường xuyên giúp làm giảm lượng hooc môn lưu thông trong máu do căng thẳng sinh ra. Đối với những người làm việc trong văn phòng, phải đối mặt với nhiều áp lực công việc thì việc hình thành thói quen đi bộ nhẹ nhàng sau giờ làm việc là rất cần thiết, đi bộ sẽ làm tiêu tan những hooc môn căng thẳng xuất hiện trong quá trình làm việc.
Ngồi thiền sẽ giúp cơ thể thư giãn, làm giảm sự căng thẳng thần kinh (nguồn: Internet)
- Khi bị căng thẳng thần kinh quá mức do phải chịu những tổn thương, mất mát ngoài ý muốn, bạn nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ tâm lý. Họ sẽ có liệu pháp tư vấn mang lại hiệu quả cao cho bạn.
- Những bài học thư giãn như: ngồi thiền, yoga, tập khí công,…vừa có tác dụng làm giảm mức độ căng thẳng thần kinh vừa làm cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh hơn.
- Bạn cũng nên tự rèn luyện cho bản thân cách kiểm soát sự mệt mỏi, kiềm chế cơn tức giận để tránh nguy cơ bị căng thẳng thần kinh.
Căng thẳng thần kinh vừa không tốt cho sức khỏe vừa là nguyên nhân gây bệnh tim mạch. Hãy luôn giữ cho mình một tinh thần vui vẻ, lành mạnh và lối sống tích cực bạn nhé.
Tổng hợp