Liên tiếp các trường hợp trẻ bị bỏng do nước sôi: Bác sĩ nói gì? Cha mẹ cần nhớ gì khi sơ cứu vết bỏng?

Liên tiếp các trường hợp trẻ bị bỏng do nước sôi: Bác sĩ nói gì? Cha mẹ cần nhớ gì khi sơ cứu vết bỏng?
Trong 2 ngày 10 - 11/11, Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận và điều trị cho 4 trẻ bị bỏng nước sôi nguyên nhân xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn.

Trẻ bị bỏng do nước sôi đa phần là trong những tình huống bất ngờ. Mới đây Trong 2 ngày 10 - 11/11, Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận và điều trị cho 4 trẻ bị bỏng nước sôi nguyên nhân xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn. Cha mẹ cần làm gì trong tình huống này?

Bé Q., 12 tháng tuổi, quê Phú Yên, bỏng do với tay vào bát mì tôm mẹ đang ăn dở. Bé H., 12 tháng tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội, bỏng do nhúng chân vào chậu nước tắm chưa kịp hòa nước lạnh. Bé T., 15 tháng, nhà ở quận Long Biên, Hà Nội bỏng do với tay vào ấm siêu tốc đang đun, khiến nước sôi đổ vào người. Bé H., 6 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội, bị bỏng do bất cẩn ngã vào vào chậu nước sôi.

Liên tiếp các trường hợp trẻ bị bỏng do nước sôi: Bác sĩ nói gì? Cha mẹ cần nhớ gì khi sơ cứu vết bỏng? - Ảnh 2.

Trẻ bị bỏng nước gây ra những vùng bỏng nghiêm trọng ở mặt, cổ và tay (Ảnh: Internet)

Trong số đó, nặng nhất là trường hợp bé Q., 12 tháng tuổi, nước nóng từ bát mì tôm đổ vào vùng mặt, cổ, tay khiến cháu bị bỏng 15% độ II. Các bác sĩ đã dùng thuốc xịt bỏng, dùng gạc vô khuẩn băng vị trí bỏng, sử dụng thuốc giảm đau, truyền dịch và kháng sinh thay băng tại chỗ hàng ngày. Đặc biệt, bé đang được theo dõi sát sao do nước nóng bắn cả vào mắt.

Không chỉ riêng 4 trường hợp kể trên, đã có rất nhiều các tai nạn bất ngờ phát sinh khiến trẻ bị bỏng được điều trị trong nhiều năm qua. Dưới đây là một số lời khuyên của các chuyên gia mà cha mẹ cần nhớ liên quan tới vấn đề trẻ bị bỏng nước sôi.

1. Độ tuổi dễ phát sinh tình huống trẻ bị bỏng nước sôi?

Loại trừ sự bất cẩn của người lớn thì các bác sĩ cho biết, trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 2 - 5 tuổi thường dễ bị bỏng do nước sôi từ những tình huống bất ngờ. Nguyên nhân là do ở độ tuổi này trẻ thường hiếu động, có mức độ tò mò nhất định và đặc biệt là chưa thể ý thức được hành vi nào mang đến nguy hiểm cho bản thân.

Do đó khi trông trẻ, cha mẹ cần đặc biệt chú ý. Các bác sĩ khuyên rằng, để tránh gặp phải những tổn thương đáng tiếc do trẻ bị bỏng nước sôi gây ra thì cha mẹ nên:

- Giám sát trẻ, giữ trẻ trong vùng an toàn tránh những khu vực thường xuyên có đồ nóng, nước nóng như bếp ăn. Sau khi nấu xong nhất định phải quay cán xoong hay chảo vào bên trong.

Liên tiếp các trường hợp trẻ bị bỏng do nước sôi: Bác sĩ nói gì? Cha mẹ cần nhớ gì khi sơ cứu vết bỏng? - Ảnh 3.

Cha mẹ cần giữ trẻ trong vùng an toàn tránh những khu vực thường xuyên có đồ nóng, nước nóng như bếp ăn (Ảnh: Internet)

- Để bình đun nước, thức ăn nóng ở những nơi cao, trẻ không với tới được.

- Tuyệt đối không để trẻ tự tắm khi bật bình nóng lạnh. Trong trường hợp trẻ vẫn đang tắm chậu thì cha mẹ cần hòa nước lạnh vào chậu trước sau đó mới pha nước nóng vào. Lưu ý, cần kiểm tra nhiệt độ nước tắm trước khi cho trẻ vào.

- Kiểm tra nhiệt độ thức ăn, canh, súp,.. trước khi cho trẻ ăn

- Tuyệt đối không vừa uống nước nóng hay ăn đồ nóng vừa bế trẻ, tránh cho việc trẻ nghịch ngợm có thể gây đổ và bị bỏng.

2. Làm cách nào để sơ cứu vết bỏng ở trẻ đúng cách?

Thạc sĩ. bác sĩ Quàng Văn Hải, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang hướng dẫn cách sơ cứu khi trẻ bị bỏng nước sôi, cha mẹ cần thực hiện như sau:

- Bước 1: Làm sạch vết bỏng

Điều quan trọng nhất khi sơ cứu vết thường trẻ bị bỏng nước sôi chính là nhanh chóng làm lộ ra vết bỏng của trẻ, xác định vị trí và đưa vết bỏng vào dưới vòi nước mát và sạch để hạ nhiệt độ ở vị trí bỏng.

Nếu như vết bỏng lớn thì cha mẹ nên dùng kéo để cắt quần áo lộ ra vết bỏng, không nên cởi bỏ quần áo thủ công bằng tay vì có thể khiến quần áo dính chặt hơn vào vết bỏng và làm tăng nguy cơ bị đau rát cũng như viêm nhiễm hơn.

Liên tiếp các trường hợp trẻ bị bỏng do nước sôi: Bác sĩ nói gì? Cha mẹ cần nhớ gì khi sơ cứu vết bỏng? - Ảnh 4.

Vết bỏng lớn khiến nhiều trẻ đau đớn, sưng nề (Ảnh: Internet)

Việc này cũng giúp vết bỏng của trẻ giảm bớt phù nề và viêm nhiễm cũng như độ sâu của vét bỏng và hạn chế cho việc nó bị lan rộng ra. Hoặc các bậc phụ huynh cũng có thể dội nước mát lên vị trí bỏng vài lần. 

Bác sĩ nhấn mạnh rằng, ngay cả trong trường hợp da không còn tiếp xúc với tác nhân gây ra bỏng như nước sôi nữa thì nhiệt độ tích tụ ở vết bỏng khi không được hạ bớt sẽ tiếp tục tổn thương sâu hơn vào da bé.

Lưu ý:

+ Tuyệt đối không dùng đá lạnh để làm mát vị trí bỏng do đá lạnh có thể gây tổn thương da do bỏng lạnh - bỏng nóng xung đột

+ Không sơ cứu bằng những cách dân gian truyền miệng như bôi kem đánh răng, phun rượu, dùng lòng trắng trứng,... vì điều này vẫn khiến tổn thương bỏng gia tăng. Thuốc xịt bỏng có thể được xem xét trogn trường hợp này.

- Bước 2: Bảo vệ vết bỏng khỏi nhiễm trùng

Trước khi vết bỏng của bé bị sưng nề thì cha mẹ nên tháo bỏ các vật dụng như lắc chân, lắc tay, đồng hồ, giày dép của trẻ ra.

Sau đó sử dụng băng gạc sạch hay miếng vải mỏng đã tiệt trùn để che/băng lại vết bỏng của bé. Lưu ý không nên băng quá chặt vì có thể khiến vết bỏng bị nặng thêm. Việc bảo vệ vết bỏng khỏi những tác nhân có thể gây nhiễm trùng là điều vô cùng quan trọng mà cha mẹ bắt buộc phải ghi nhớ.

Nếu như trẻ bị bỏng nước sôi đang ở trạng thái hoảng loạn thì cha mẹ nên nhẹ nhàng động viên và trấn an bé. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu như bé quá đau có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau hay không.

- Bước 3: Nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất

Dù đã sơ cứu vết thương nhưng trẻ vẫn cần được thăm khám kĩ lưỡng tại các cơ sở y tế để hạn chế biến chứng do vết bỏng gây ra. Cha mẹ không nên sử dụng thảo dược truyền miệng để chữa bỏng, bó vết bỏng cho trẻ.

Liên tiếp các trường hợp trẻ bị bỏng do nước sôi: Bác sĩ nói gì? Cha mẹ cần nhớ gì khi sơ cứu vết bỏng? - Ảnh 5.

Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị khác nhau khi trẻ bị bỏng nước sôi (Ảnh: Internet)

Với những ca bỏng nặng thì bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ điều trị nội trú. Trẻ bị bỏng nặng cần nhanh chóng xử lý chống sốc, bù điện giải và có thuốc đặc trị bỏng. Nếu nặng hơn, bé có thể bị chỉ định cắt vùng da bị hoại tử và thực hiện phẫu thuật ghép da.

Song song với điều trị, cần thực hiện phục hồi chức năng cho bệnh nhi để hạn chế những di chứng của sẹo.


Tác giả: Kim Phụng