Lẹo mắt có lây sang người khác không?

Lẹo mắt có lây sang người khác không?
Lẹo mắt là tình trạng viêm mí mắt kèm theo một lượng nhỏ mủ. Lẹo mắt chủ yếu do tụ cầu khuẩn gây nên. Mặc dù khó chịu và cực kỳ phổ biến, nhưng nhìn chung lẹo mắt không đáng lo ngại. Vậy bị lẹo mắt có lây sang người khác không? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc của bạn đọc.

1. Lẹo mắt là gì?

Lẹo mắt là chứng viêm cấp tính thường bị ở dưới mi mắt. Bị lẹo dẫn đến mi mắt sưng, mọc mụn gây đau rát và ngứa, dưới mi mắt sẽ có một khối rắn như hạt gạo và mưng mủ. Lẹo thường bị lây từ mi này sang mi khác, có thể bị sưng phù mắt, gây cản trở việc nhìn ngắm.

2. Triệu chứng khi bị lẹo

Mụn lẹo thường phát triển trong vài ngày, nó thường bắt đầu với đau và đỏ ở rìa mí mắt. Sau khoảng một ngày, vết sưng nhỏ xuất hiện và trở nên rất đau. Mụn to như hạt gạo và có mủ bên trong dẫn đến bị chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng và cảm giác cộm trong mắt. Làm cho mắt bị đỏ và sưng mí mắt.

Lẹo mắt có lây sang người khác không? - Ảnh 1.

Liệu lẹo mắt có lây sang người khác không? (Nguồn: Internet)

Lẹo mắt có rất nhiều loại:

- Lẹo ở bên ngoài : lẹo mắt thường mọc bên ngoài bờ mi, có kích thước và rắn như hạt gạo

- Lẹo ở bên trong: lẹo mắt thường mọc bên trong bờ mi sẽ khó nhìn hơn, nhưng khi lật mắt xem có thể thấy đỏ và nhìn thấy đầu mủ màu trắng.

- Đa lẹo: lẹo mắt bị cả trong và ngoài mắt bờ mi, xuất hiện nhiều lần và bị cả ở hai mắt. Trường hợp đa lẹo rất nặng và lâu khỏi.

Đọc thêm:

Tác hại của việc nối mi và bệnh viêm bờ mi mắt?

10 bài tập thể dục cho mắt đơn giản, dễ thực hiện

3. Nguyên nhân

Staphylococcus aureus là vi khuẩn thường hiện diện trên da. Nó cũng gây ra gần 95% bệnh về da và mắt trong đó có bệnh lẹo mắt. Mặt trong và mặt ngoài của mí mắt có nhiều tuyến dầu. Dầu giúp bôi trơn lông mi và là một phần của chất lỏng nước mắt của chúng ta. Đôi khi, các tuyến dầu có thể bị tắc nghẽn cùng với các tế bào da chết và vi khuẩn. Điều này dẫn đến viêm và nhiễm trùng, tạo ra mụn lẹo.

Một số yếu tố có thể gây ra lẹo mắt bao gồm:

- Chạm vào mắt sau khi lau hoặc làm sạch mũi

- Chạm vào mắt bằng tay chưa rửa

- Đặt kính áp tròng bẩn

- Sử dụng mỹ phẩm cũ

- Có mức cholesterol cao

- Bị viêm bờ mi hoặc sưng mí mắt

- Bị bệnh tiểu đường

- Mắc các bệnh về da như bệnh trứng cá đỏ hoặc viêm da tiết bã

4. Lẹo mắt có lây sang người khác không? 

Lẹo mắt có lây sang người khác không? Có thể khẳng định rằng bị lẹo mắt không lây qua tiếp xúc thông thường, sẽ không bị lây nhiễm nếu nhìn vào mắt hoặc ở gần người bị lẹo.

Nhưng lẹo có thể lây qua nhau bằng cách gián tiếp, ví dụ như dùng khăn tắm trên mặt và sau đó người khác dùng khăn đó đắp lên mặt, dẫn đến mắt có thể tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn sẽ gây lẹo mắt (không chỉ tránh dùng chung khăn tắm mà còn cả đồ trang điểm và vỏ gối). Vì mụn rộp lẹo phát triển do vi khuẩn, do đó việc chạm, bóp hoặc gãi mụn sẽ truyền vi khuẩn đó sang ngón tay hoặc bất kỳ vật dụng nào bạn từng chạm vào mụn lẹo.

Để điều trị mụn lẹo có thể áp dụng cách sau:

• Sử dụng một miếng gạc ấm chườm vào mắt có thể giúp giảm bớt các triệu chứng, nước không được quá nóng và cần đặc biệt cẩn thận khi áp dụng cho trẻ em. Nên chườm ấm trong 5-10 phút, ba đến bốn lần mỗi ngày. Việc chườm không chỉ giúp giảm cảm giác khó chịu mà còn giúp mủ chảy ra ngoài.

Lẹo mắt có lây sang người khác không? - Ảnh 2.

Đắp khăn ấm hoặc miếng gạc ấm lên mắt sẽ giúp nhanh khỏi lẹo (Nguồn: Internet)

• Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) cũng có thể làm dịu cơn đau của mụn lẹo. Thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen có thể làm giảm viêm và do đó có thể giúp giảm đau rát và sưng tấy.

• Ngoài ra, khi lẹo mắt bên ngoài gây đau đớn quá nhiều, bác sĩ hoặc chuyên khoa khoa nhãn có thể cắt bỏ lông mi gần nó nhất và dẫn mủ ra ngoài bằng cách dùng một cây kim mỏng chọc vào. Nếu lẹo mắt vẫn còn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc bôi kháng sinh hoặc thuốc nhỏ mắt kháng sinh.

Khi bị lẹo tốt nhất không nên trang điểm mắt, thoa kem dưỡng hay đeo kính áp tròng cho đến khi lẹo mắt biến mất hoàn toàn, hạn chế thói quen dùng tay dụi mắt, không tự ý chữa lẹo mắt bằng cách nặn mủ, hạn chế ăn các món thủy hải sản để giúp bệnh mau chóng hồi phục đồng thời không ăn những thức ăn có tính nhiệt như thịt dê, thịt chó.

5. Các biến chứng

Các biến chứng mặc dù cực kỳ hiếm gặp tuy nhiên đôi khi chúng có thể xảy ra như:

- U nang tuyến mắt: Một vết lẹo dai dẳng ở bên trong mí mắt có thể phát triển thành u nang Meibomian hoặc mụn nước, đặc biệt nếu tuyến này bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, loại u nang này có thể điều trị dễ dàng theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

- Viêm mô tế bào quanh mắt: Tình trạng này có thể phát triển nếu nhiễm trùng lan đến mô xung quanh mắt. Các lớp da xung quanh mắt bị viêm và tấy đỏ, khiến mí mắt bị đỏ và sưng. Biến chứng này được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Hầu hết người bị lẹo sẽ tự khỏi trong khoảng 1 tuần mà không cần áp dụng biện pháp y tế nào tuy nhiên vẫn không nên quá chủ quan vì tình trạng này có thể lây cho người xung quanh nếu không cẩn thận hoặc gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến tầm nhìn trong thời gian lâu hơn.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.webmd.com/eye-health/get-rid-of-stye

2. https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/best-stye-remedies#removal

3. https://www.medicalnewstoday.com/articles/327418#removal 


Tác giả: Hằng Vũ