Đánh răng thường không lấy được hết vôi răng (cao răng), do đó để làm sạch cao răng thì phương pháp đến điều trị nha khoa là phương pháp tốt nhất. Tuy nhiên nhiều người lo ngại việc lấy cao răng liệu có ảnh hưởng đến răng miệng hay không.
Lấy cao răng là việc làm sạch các mảng bám trên răng, nướu bằng cách sử dụng độ rung sóng siêu âm đầu từ của dụng cụ cạo vôi. Việc lấy cao răng định kỳ sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm nướu. Đây chính là giai đoạn đầu của bệnh nha chu. Cao răng tồn tại trên răng lâu năm kéo dài sẽ gây ra tình trạng viêm nướu, khi đó các mô bị phân hủy, gây mủ, làm răng lung lay và dẫn đến rụng răng.
Thông thường lấy cao răng sẽ không gây đau mà chỉ có cảm giác ê răng, nếu răng yếu thì cảm giác ê này sẽ kéo dài hơn người bình thường. Lần đầu lấy cao răng thường ê buốt hơn những lần sau.
Tuy nhiên, khi lấy cao răng có thể thấy chảy máu, việc xử lý chảy máu trong quá trình lấy cao răng còn tùy thuộc vào tay nghề, nghiệp vụ của người nha sĩ và mức độ nhạy cảm của từng người.
Sau khi lấy cao răng xong, răng sẽ nhạy cảm và nếu uống nước nóng hoặc lạnh sẽ khiến có cảm giác ê buốt.
Các nha sĩ thường khuyên đi lấy cao răng 6 tháng/1 lần để vệ sinh sạch mảng bám và hạn chế hình thành các ổ viêm nướu.
Đối với trường hợp bệnh nhân bị bệnh nha chu nặng thì có thể cạo 3 tháng một lần, tùy theo chỉ định của nha sĩ. Nếu răng khỏe và chăm sóc răng đều đặn, ít vôi răng thì bạn có thể đi cạo vôi răng một năm một lần.
Việc lấy cao răng không ảnh hưởng đến sức khỏe chung (việc này khác với việc nhổ răng hay trồng răng, tiểu phẫu...), mà còn giúp phòng tránh một số bệnh răng miệng thường gặp. Do đó, nên kiểm tra răng định kỳ và cạo vôi răng 6 tháng/lần để phát hiện sớm bệnh răng miệng và đảm bảo sức khỏe răng miệng.
Sức khỏe răng miệng cũng rất quan trọng, do vậy cần giữ thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng cách thiết lập một lịch trình riêng cho bộ phận này.
- Đánh răng đúng cách: Theo các nha sĩ, bạn nên đánh 2 lần/1 ngày, sáng và tối. Nếu trước đó bạn ăn hoặc uống các loại thực phẩm nhiều axit thì nên chờ ít nhất 30 phút để tránh men răng bị tổn thương.
- Vệ sinh lưỡi đúng cách: Lưỡi là nơi tập trung nhiều vi khuẩn và mảng bám, vệ sinh lưỡi hàng ngày cũng là một cách chống các bệnh về viêm nướu, hôi miệng tốt nhất. Nên chải lưỡi bằng dụng cụ chải lưỡi hoặc mặt sau của bàn chải để dọn đi chất bẩn.
- Súc miệng thường xuyên: Sau khi đánh răng, bạn nên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng để loại bỏ những vi khuẩn còn sót lại trong khoang miệng.
Việc vệ sinh răng miệng đúng cách giúp bạn ngăn ngừa khoang miệng khỏi vi khuẩn và giữ gìn sức khỏe của hàm răng tốt hơn. Ngoài ra, nên thực hiện khám răng và lấy cao răng định kỳ,
Vệ sinh hàng ngày chỉ giúp bạn làm làm chậm quá trình "lão hóa" răng và ngăn ngừa phần nào sự phát triển của vi khuẩn. Do đó, để có nụ cười tươi, bạn nên thực hiện khám răng và nướu định kỳ 6 tháng/ lần. Việc đến nha khoa định kỳ sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ sâu răng, răng bị xỉn màu,viêm nướu, viêm tủy,…và phát hiện sớm các vấn đề trên răng.
Trong quá trình ăn uống, các mảng bám sẽ tụ lại ở chân răng, các kẽ răng gây vôi răng, khiến răng bị hôi. Lấy cao răng đúng cách và an toàn sẽ không gây nguy hiểm đến sức khỏe, do vậy nên lấy cao răng định kỳ mỗi năm.