Làm thế nào khi bị dị ứng nước hồ bơi?

Làm thế nào khi bị dị ứng nước hồ bơi?
Da bị nổi mề đay, mẩn ngứa, xuất hiện các mụn nhọt dày đặc... sau khi đi bơi về là những biểu hiện thường thấy khi bị dị ứng nước hồ bơi.

Biểu hiện của dị ứng nước hồ bơi thường được thể hiện qua các triệu chứng trên bề mặt xa như nổi mẩn đỏ, nổi mề đay, phát ban lan rộng và dày đặc trên da... Ngoài ra nếu xuất hiện những biểu hiện bên trong như khó thở, choáng váng, mệt mỏi,… cho biết tình trạng dị ứng nước ở mức độ nặng. Chính vì vậy, ngay khi xuất hiện các triệu chứng dị ứng cần được xử lý y tế nhanh và đúng cách kịp thời.

1. Nguyên nhân gây dị ứng nước hồ bơi

Bể bơi có chứa rất nhiều vi sinh vật, đặc biệt là với bể bơi ngoài trời rất dễ bị ô nhiễm. Do thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường nên nước hồ bơi có thể bị nhiễm khuẩn bởi lá cây, bụi, vi trùng hoặc các loại tảo có trong nước mưa... Đối với các bể bơi trong nhà ít gặp tình trạng này hơn nhưng cũng rất dễ ô nhiễm do các vi sinh vật, lượng dầu bài tiết từ da người như mồ hôi, mỹ phẩm, nước tiểu, nước bọt... Đây đều có thể là nguyên nhân gây dị ứng ở một số người.

Làm thế nào khi bị dị ứng nước hồ bơi?  - Ảnh 2.

Dị ứng nước hồ bơi có thể do nguồn nước bị ô nhiễm (Ảnh: Internet)

Để xử lý các loại vi khuẩn, vi sinh vật gây ô nhiễm nguồn nước, các hồ bơi bắt buộc phải dùng hóa chất chuyên dụng như clo, pH... Một số người có làn da nhạy cảm với các thành phần này, khi tiếp xúc da rất dễ bị tổn thương, mẩn đỏ.

Ngoài ra, rất có thể do một số hồ bơi có chứa hàm lượng clo và chất tẩy rửa vượt ngưỡng cho phép. Hàm lượng tiêu chuẩn của các chất này là từ 0,3 đến 0,5 mg/l, vượt mức này có thể gây dị ứng cho người tiếp xúc.

2. Làm thế nào khi bị dị ứng với nước ở hồ bơi?

Xử lý ngay trình trạng dị ứng khi các dấu hiệu đầu tiên xuất hiện là vô cùng cần thiết. Bạn cần đến các cơ sở y tế để bác sĩ xác định tình trạng và cách điều trị thích hợp nhất. Tùy theo mức độ dị ứng là tạm thời hay mạn tính mà thời gian điều trị sẽ kéo dài từ vài ngày hoặc không thể điều trị.

Dưới đây là một số cách điều trị khi bị dị ứng với nước hồ bơi:

2.1. Chăm sóc tại nhà

Nếu chỉ bị dị ứng nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định điều trị tại nhà. Người bệnh cần tránh tiếp xúc với hồ bơi gây ra tình trạng dị ứng và tắm mỗi ngày bằng nước sạch. Chỉ sử dụng các loại xà phòng nhẹ nhàng, không chứa quá nhiều chất tẩy. Ngoài ra cũng cần lưu ý không dùng tay gãi mạnh các vết mề đay vì dễ tạo vết xước, gây viêm nhiễm và để lại sẹo.

Để quá trình chăm sóc tại nhà đạt hiệu quả cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Cơ thể cần ăn đủ chất, bổ sung các loại vitamin từ rau xanh và trái cây tươi để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Nên hạn chế ăn các loại thực phẩm khiến tình trạng dị ứng trở nên nặng hơn như thịt bò, hải sản, thuốc lá, bia, rượu...

2.2. Sử dụng kem bôi ngoài da

Một số trường hợp dị ứng sẽ được bác sĩ chỉ định thuốc bôi ngoài da. Những loại thuốc này chứa chất kháng khuẩn giúp làm giảm ngứa và sưng nhanh chóng.

Làm thế nào khi bị dị ứng nước hồ bơi?  - Ảnh 3.

Kem bôi ngoài da có thể được sử dụng để điều trị triệu chứng dị ứng (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo sử dụng đúng liều lượng, tránh lạm dụng thuốc gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.

2.3. Sử dụng thuốc uống

Khi bị dị ứng, lượng Histamin trong cơ thể sẽ tăng cao hơn mức bình thường gấp nhiều lần. Do vậy bác sĩ có thể sẽ kê đơn các loại thuốc kháng histamin như Dexchlorpheniramine, Hydroxyzine, Chlorpheniramine,… để cải thiện các triệu chứng dị ứng. Tuy nhiên các loại thuốc này có thể có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, vì vậy người bệnh cần xem xét kỹ và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

2.4. Sử dụng các bài thuốc dân gian

Một số các dược liệu từ thiên nhiên như lá khế, lá ổi, lá trầu không, lá tía tô, củ gừng... đều có chứa lượng kháng sinh tự nhiên và an toàn có khả năng diệt khuẩn. Người bệnh có thể giã rồi đắp các loại lá này lên vùng da dị ứng hay nấu nước để tắm cũng đều có hiệu quả. Bên cạnh đó, một số bài thuốc Đông y cũng có thể làm giảm các triệu chứng dị ứng mà ít gặp tác dụng phụ hơn so với thuốc Tây.

2.5. Điều trị bằng quang học

Phương pháp điều trị bằng quang học là sử dụng các loại ánh sáng bức xạ tia cực tím A như PUVA và bức xạ tia cực tím B - PUVA để ức chế các thụ thể histamin hoạt động. Khi chiếu các tia sáng này có kết quả làm giảm các triệu chứng dị ứng trên da nhanh chóng, tuy nhiên chúng chỉ có tác dụng tạm thời và có thể ảnh hưởng đến da về sau.

3. Phòng tránh dị ứng nước hồ bơi

Dị ứng nếu do cơ địa thì chỉ có một cách duy nhất để ngăn chặn tái phát là tránh xa các nguồn nước gây nên tình trạng bệnh. Nếu nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng dị ứng nước hồ bơi là do nước bẩn, hàm lượng chất tẩy rửa vượt ngưỡng cho phép,... thì bạn có thể thực hiện những điều dưới đây để phòng tránh:

- Bôi kem dưỡng ẩm trước khi bơi giúp bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại.

- Lựa chọn những bể bơi trong nhà, sạch sẽ.

- Tránh bơi vào những ngày nghỉ, thời gian đông đúc để hạn chế các bệnh truyền nhiễm do tiếp xúc.

- Tắm kỹ lại bằng nước sạch sau khi bơi. Sử dụng khăn sạch lau người và bôi kem dưỡng ẩm ngay sau đó để bảo vệ da.

- Có thể dùng kem bôi có chứa Corticoid và ngừng đi bơi nếu thấy trên da có các dấu hiệu eczema như rỉ nước, ngứa đỏ... tuy nhiên cần có chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian dùng thích hợp.

- Thường xuyên vệ sinh bể bơi nhằm đảm bảo nước không bị ô nhiễm do các tác nhân từ môi trường và người bơi.


Tác giả: Anh Dũng