Làm thế nào để tự kiểm tra cột sống tại nhà khi phát hiện những cơn đau bất thường?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Làm thế nào để tự kiểm tra cột sống tại nhà khi phát hiện những cơn đau bất thường?
Để có thể kịp thời chẩn đoán và điều trị các bệnh lý cột sống như gai cột sống, người bệnh cần biết về những phương pháp tự kiểm tra cột sống tại nhà khi phát hiện những cơn đau bất thường.

Người bệnh sẽ tự kiểm tra cột sống của mình để xác định vị trí cơn đau tại nhà, sau đó dựa vào những triệu chứng và dấu hiệu của bệnh để có thể kịp thời phát hiện bệnh và có những phương pháp điều trị kịp thời.

1. Những điều cần lưu ý khi tự kiểm tra cột sống tại nhà

Trước tiên, mọi người cần phải tìm hiểu về cấu tạo của cột sống để hiểu về cấu tạo, vị trí các đốt sống, nhằm có sự nhận biết khái quát về cột sống. Sau đó dựa vào các đốt sống để có thể tự kiểm tra cột sống nhằm xác định vị trí đau hoặc dùng đó làm mốc để xác định vị trí đau tiếp theo.

Người bệnh cũng có thể dùng tay ấn vào nhằm tìm kiếm khu vực bị đau và diễn tả lại cho bác sĩ biết vị trí.

2. Lưu ý khi xác định vị trí cơn đau cột sống

Khi tự kiểm tra cột sống nhằm xác định vị trí cơn đau, người bệnh tránh để ý đến các thông tin do các người khác đưa ra. Người bệnh cần dựa trên cảm giác và cảm nhận thực tế của mình về vùng đau và vị trí đau nhằm cung cấp cho bác sĩ những thông tin chính xác nhất về hiện trạng cơn đau thực tế của người bệnh.

Ví dụ khi người bệnh chỉ đau ở vùng mông, chân, tuy lưng hoàn toàn không đau, nhưng bị nhận định sai về hiện trạng bệnh tật mà dẫn đến xử dụng sai phương pháp điều trị hoặc điều dưỡng tập luyện sai lầm nên không khỏi bệnh.

Cách tự kiểm tra cột sống và xác định vị trí cơn đau tại nhà:

Khi tự kiểm tra cột sống để xác định cơn đau, trước tiên người bệnh cần nắm rõ cách xác định vị trí các đốt sống như:

-  C2 – C7 ở cổ gáy,

-  D3 – D7 ở cột sống ngực,

-  L2 – L4 ở cột sống thắt lưng.

-  S2 ở xương cùng.

Sau khi xác định được các mốc này rồi thì sẽ dễ dàng xác định tiếp các mốc còn lại.

- Ở vùng cổ gáy: Người bệnh xác định mốc của đốt C3 và C7, sau đó ấn dần từ C3 lên thì sẽ là C2 – C1, từ C3 xuống thì sẽ là C4 – C5 – C6.

- Ở vùng lưng: Người bệnh xác định đốt C7 hoặc D3 – D7. Dưới C7 là D1 – D2 hoặc trên D3 là D2 – D1. Dưới D3 cho đến D7 là D4 – D5 – D6. Từ D7 đến D12 là D8 – D9 – D10 – D11.

- Ở thắt lưng: thì xác định mốc của đỉnh xương mào chậu ngang qua thì đấy là đốt L4, dưới L4 là L5, trên L4 là L3 – L2 – L1. Cạnh đốt L2 là huyệt Thận du.

Nếu vùng lưng không đau mà đau cạnh cột sống lưng thì dựa vào mốc đốt D3 để ước lượng các đốt còn lại, sau đó diễn tả như: Đau cạnh đốt D3 đến đốt D4, D5… ở cơ lưng bên trái ( hoặc bên phải ). Nếu đau ở xương bả vai thì diễn tả đau trên xương bả vai.

Ở thắt lưng thì lấy mốc đốt L4 làm chuẩn để xác định các đốt còn lại. Khi tự kiểm tra cột sống, ấn vào đốt nào đau thì diễn tả lại điểm đau đó như: Ấn vào đau ở L4, hoặc L5 hoặc đau cả L4 và L5. Trong trường hợp không đau ở cột sống thắt lưng mà đau ở cạnh đốt sống thắt lưng thì diễn tả như: Có cơn đau khi ấn vào ở cạnh đốt L4, hoặc L5, hoặc S1…

Tự kiểm tra cột sống ở vùng xương cùng thì xác định từ L4 tiếp đến là L5, dưới L5 là đốt S1. Từ S1 ấn vào xuống dần để kiểm tra vị trí đau. Nếu đau từ các đốt sống đoạn L tiếp theo các đốt xương cùng thì diễn tả như: Có cơn đau khi ấn vào ở đốt L4, L5; S1, S2, S3…

Nếu ấn vào các đốt sống không đau mà chỉ có cơn đau ở đỉnh chậu xuống mông – chân thì có thể diễn tả như: Có cơn đau từ đỉnh chậu, xuống mông, lan xuống mặt sau chân ( hoặc mặt cạnh ngoài, hoặc mặt trước chân tùy trường hợp ), đau xuống đến đùi, hoặc cẳng chân, hoặc bàn chân.

Nếu chỉ đau ở chân không thôi thì cần mô tả chính xác vị trí đau là ở đùi hay ở bắp chân.

3. Làm thế nào để mô tả cơn đau khi tự kiểm tra cột sống

Nếu khi tự kiểm tra cột sống tại nhà và phát hiện những cơn đau bất thường, người bệnh cần biết cách mô tả chính xác cơn đau của mình để bác sĩ có thể chẩn đoán đúng căn bệnh mắc phải:

- Vị trí đau: Ở chân và tay thì người bệnh mô tả đau ở mặt trong hay mặt ngoài chân – tay khi tự kiểm tra cột sống tại nhà. Đau ở cánh tay trên, hay cẳng tay dưới, hoặc đùi trước – trong – bên, hoặc bắp chân dưới. Nếu đau ở khớp thì diễn tả ở khớp nào, mặt trong – ngoài – trước – sau.

- Cảm giác đau: Người bệnh cần mô tả cảm giác ở vùng bệnh như thế nào. Ví dụ: Đau, nhức, buốt, tê, bại, mỏi, khó chịu… Nếu ở tay thì lúc cầm đồ lâu hoặc cầm tay lái xe đi lâu có tê hay không.

- Mức độ đau: Mô tả mức độ đau lâm râm, đau trung bình, hay đau dữ dội.

- Thời điểm đau: Đau nhiều vào thời điểm nào trong ngày; ban ngày và ban đêm lúc nào đau nhiều hơn; mùa nóng và mùa lạnh mùa nào đau nhiều hơn; khi thời tiết thay đổi cơn đau có tăng hay không.

- Trường hợp đau: Cơn đau sẽ xuất hiện hoặc tăng khi nào: khi đứng lâu, đi lâu, ngồi lâu, làm việc, nghỉ ngơi, ngủ…


Tác giả: Thúy Nga