Một số người sống sót sau đột quỵ có thể bị khuyết tật do những di chứng đột quỵ gây nên. Mức độ nghiêm trọng và vĩnh viễn của tình trạng khuyết tật này sẽ phụ thuộc vào phần nào của não bị tổn thương và mức độ ảnh hưởng của nó.
- Các vấn đề liên quan đến tê liệt vận động,
- Các vấn đề về ngôn ngữ hoặc hiểu ngôn ngữ,
- Khó khăn về suy nghĩ và trí nhớ,
- Rối loạn cảm giác, ví dụ như các vấn đề về thị giác,
- Các vấn đề về cảm xúc.
Chính vì vậy, việc hỗ trợ phục hồi chức năng là cần thiết để có thể giúp bệnh nhân điều chỉnh cuộc sống sau đột quỵ.
Một số chuyên gia có thể giúp bệnh nhân bị đột quỵ phục hồi chức năng như là:
- Bác sĩ,
- Điều dưỡng,
- Chuyên gia vật lý trị liệu
- Chuyên gia ngôn ngữ trị liệu,
- Chuyên gia dinh dưỡng,
- Chuyên gia tâm lý lâm sàng,
- Nhân viên xã hội.
Đột quỵ ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau. Thông thường, mục tiêu của việc phục hồi chức năng là giúp bệnh nhân bị đột quỵ lấy lại sự độc lập trong sinh hoạt nhiều nhất có thể.
Các phương pháp phục hồi có thể là:
- Tăng cường chân tay đã bị tê liệt hoặc suy yếu nghiêm trọng do đột quỵ bằng các bài tập chuyển động.
- Học lại những kỹ năng đã bị mất như: khả năng ngôn ngữ, đọc...
- Học các kỹ năng mới để vượt qua các khó khăn do đột quỵ gây nên, có thể là mặc quần áo bằng một tay hay vượt qua khó khăn về tinh thần.
- Thích nghi với thiết bị có thể được sử dụng để quản lý mọi khuyết tật vĩnh viễn. Ví dụ như: đi bộ bằng nạng, thiết bị hỗ trợ để sử dụng bồn rửa và bồn tắm.
- Đối với nhiều người trong độ tuổi trung niên hoặc người trẻ, việc có thể trở lại làm việc bình thường là một mối quan tâm lớn. Nhưng điều này có xảy ra hay không sẽ phụ thuộc vào mức độ phục hồi của từng cá nhân và loại công việc họ làm.
- Cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể giúp quyết định khi người đó đủ khỏe để trở lại làm việc hay không, và nếu có là khi nào.
- Việc một người có thể lái xe trở lại sau khi bị đột quỵ hay không sẽ tùy thuộc vào mức độ phục hồi của họ và cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để quyết định.
- Bệnh nhân bị đột quỵ cũng không nên tuyệt vọng nếu như tốc độ phục hồi của họ chậm hơn so với họ mong đợi. Hoặc là họ không thể lấy lại khả năng trước đó.
- Mục tiêu của họ là tập trung vào những gì có thể đạt được và tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể sau khi bị đột quỵ.
- Kiên nhẫn trong quá trình tập luyện phục hồi chức năng, không nên vội vàng, hấp tấp.
Sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè là vô giá đối với bệnh nhân bị đột quỵ trong quá trình phục hồi vad cả trong cuộc sống sau này. Người nhà và bệnh nhân cần:
- Đảm bảo bệnh nhân bị đột quỵ giữ thói quen ngủ lành mạnh, chế độ ăn uống và tập thể dục phù hợp.
- Giúp người bị đột quỵ sống tích cực.
- Khuyến khích họ tiếp tục mong đợi vào những gì họ muốn đạt được.
- Đừng để họ chìm đắm trong quá khứ.
- Nếu họ đã được dạy những bài tập, khuyến khích họ thực hành chúng.
- Giảm rủi ro rút lui và tự cô lập bằng cách khuyến khích người bị đột quỵ dành thời gian với người khác
- Điều chỉnh hành vi của người nhà và bạn bè theo nhu cầu của ngời bị đột quỵ, ví dụ: nếu thính giác của họ bị ảnh hưởng, bạn có thể cần nói chậm hơn, nói rõ ràng và điều chỉnh âm lượng theo yêu cầu của bệnh nhân bị đột quỵ.