Các hạch bạch huyết (hay còn gọi là hạch) bị sưng là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của bạn đang chống lại nhiễm trùng hoặc bệnh tật. Các hạch bạch huyết bị sưng có nhiều khả năng là lành tính hơn ác tính.
Lành tính có nghĩa là các hạch bạch huyết không chứa tế bào ung thư. Ác tính có nghĩa là chúng có chứa tế bào ung thư.
Hệ thống bạch huyết là một phần của hệ thống miễn dịch. Đó là một mạng lưới các mạch bạch huyết và các hạch bạch huyết. Có khoảng 800 hạch bạch huyết nằm rải rác khắp cơ thể bạn, với hơn 1/3 nằm ở đầu và cổ.
Dịch bạch huyết, chứa các tế bào bạch cầu để chống nhiễm trùng, di chuyển qua các mạch bạch huyết. Các hạch bạch huyết hoạt động như bộ lọc cho vi trùng và các chất lạ. Khi bạn bị nhiễm trùng, chấn thương hoặc ung thư, các hạch bạch huyết sẽ sưng lên khi chúng lọc ra các chất có vấn đề.
Khi các hạch bạch huyết của bạn sưng lên có thể cảnh báo rằng sức khoẻ của bạn đang có vấn đề.
Vậy nguyên nhân gây sưng hạch bạch huyết là gì?
Hạch bạch huyết bị sưng có thể vì nhiều lý do, chẳng hạn như viêm họng liên cầu khuẩn, nhiễm trùng tai hoặc bệnh về hệ thống miễn dịch.
Ung thư cũng có thể gây sưng hạch bạch huyết. Ung thư hạch là một loại ung thư bắt đầu ở các hạch bạch huyết. Nhưng các tế bào ung thư cũng có thể lây lan từ một bộ phận khác của cơ thể đến các hạch bạch huyết, thường là những hạch gần khối u nguyên phát nhất.
Đọc thêm:
- Viêm hạch là gì? Viêm hạch có nguy hiểm không?
- Đau họng nổi hạch ở cổ do đâu? Tình trạng này có nguy hiểm không?
Để phân biệt chính xác hạch là lành tính hay ác tính, chúng ta không thể chẩn đoán qua việc nhìn hoặc cảm nhận. Nhưng bạn có thể phán đoán qua một số dấu hiệu sau:
+ Có các triệu chứng khác, chẳng hạn như ho, đau nhức cơ thể hoặc buồn nôn - điều này cho thấy bạn bị nhiễm vi-rút hoặc bệnh khác.
+ Các hạch bạch huyết sưng lên nằm gần bộ phận cơ thể bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như cổ họng, tai hoặc miệng.
+ Vết sưng tấy sẽ giảm dần khi bạn hồi phục sau nhiễm trùng hoặc bệnh tật.
+ Thường có kích thước nhỏ, khi được đánh giá qua siêu âm, hạch nhỏ hơn 5 mm là lành tính.
+ Nằm ở một vùng rõ ràng, di chuyển cùng với các mô xung quanh khi chạm vào.
Các hạch bạch huyết luôn chống lại những "kẻ xâm lược", vì vậy một số tế bào ung thư có thể không đủ để gây sưng tấy rõ rệt. Các dấu hiệu cho thấy hạch bạch huyết bị sưng nên được bác sĩ kiểm tra bao gồm:
+ Không có bệnh hoặc nhiễm trùng rõ ràng.
+ Sốt và đổ mồ hôi vào ban đêm
+ Đã khỏi bệnh nhưng các hạch bạch huyết của bạn vẫn mềm hoặc sưng tấy trong hơn 2 tuần.
+ Các hạch bạch huyết ngày càng lớn hơn hoặc cứng hơn và không thể di chuyển được vì đã xâm lấn các mô xung quanh.
+ Khu vực xung quanh các hạch bạch huyết của bạn có màu đỏ, có cảm giác ấm khi chạm vào hoặc bị rỉ mủ hoặc các chất lỏng khác.
+ Thường có kích thước lớn, khi được đánh giá qua siêu âm, hạch lớn hơn 10 mm được coi là ác tính.
Để chẩn đoán chính xác hạch lành tính hay ác tính, bác sĩ cần thực hiện các xét nghiệm như:
Xét nghiệm chẩn đoán có thể bao gồm:
+ Xét nghiệm máu để kiểm tra nhiễm trùng và các bệnh lý tiềm ẩn
+ Xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang, chụp CT, MRI hoặc siêu âm để có cái nhìn rõ hơn về các hạch bạch huyết.
Cách duy nhất để biết chắc chắn liệu hạch bạch huyết của bạn là lành tính hay ác tính thì cần thực hiện sinh thiết hạch. Bác sĩ của bạn có thể đề nghị điều này nếu:
+ Khám thực thể và xét nghiệm chẩn đoán không thể xác định nguyên nhân.
+ Gần đây bạn đã được điều trị bệnh ung thư hoặc hiện đang điều trị.
Sinh thiết bao gồm việc lấy mẫu mô từ các hạch bạch huyết. Điều này có thể được thực hiện bằng kim hoặc các hạch bạch huyết có thể được cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật. Các mẫu mô sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm, nơi bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ sử dụng kính hiển vi để tìm kiếm các tế bào ung thư.
Sinh thiết thường theo sau chẩn đoán ung thư, ngay cả khi các hạch bạch huyết có vẻ bình thường.
Cách chữa trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Ví dụ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng liên cầu khuẩn hoặc thuốc kháng vi-rút cho trường hợp cúm nghiêm trọng. Nếu đó là do rối loạn miễn dịch, bạn sẽ cần điều trị cho tình trạng cụ thể đó.
Các hạch bạch huyết sưng lên do nhiễm trùng hoặc bệnh tật sẽ trở lại kích thước bình thường khi bạn hồi phục. Trong thời gian chờ đợi, dưới đây là một số cách khác bạn có thể áp dụng để giảm sự khó chịu do hạch gây ra:
- Nghỉ ngơi
- Uống nhiều nước
- Chườm ấm nhiều lần trong ngày
- Tránh bóp hoặc chọc vào các hạch bạch huyết bị sưng
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) hoặc thuốc chống viêm. Tuy nhiên, nên nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng thuốc OTC, đặc biệt là aspirin, cho trẻ bị bệnh.
Nếu sinh thiết xác nhận tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết, bạn có thể cần xét nghiệm thêm. Đó là vì bạn sẽ muốn biết thêm về bệnh ung thư và mức độ lan rộng của nó. Sự tham gia của hạch bạch huyết là yếu tố chính trong việc xác định giai đoạn và điều trị ung thư.
Ung thư đã lan từ vị trí ban đầu đến các hạch bạch huyết có nghĩa là nguy cơ tái phát sau phẫu thuật sẽ cao hơn. Điều này có nghĩa là bạn có thể cần điều trị bổ sung, chẳng hạn như:
- Hóa trị
- Bức xạ
- Liệu pháp miễn dịch
- Liệu pháp nhắm mục tiêu
Việc loại bỏ các hạch bạch huyết đôi khi có thể khiến dịch bạch huyết khó thoát ra ngoài đúng cách, khiến dịch chảy ngược lại. Tình trạng này được gọi là phù bạch huyết và có thể dẫn đến sưng tấy rõ rệt ở vùng bị ảnh hưởng. Càng nhiều hạch bạch huyết bị loại bỏ thì càng có nhiều khả năng trở thành vấn đề. Phù bạch huyết có thể trở thành mãn tính.
Nhìn chung chúng ta không thể phân biệt được hạch lành tính hay ác tính thông qua cảm nhận thông thường. Tuy nhiên, bạn có thể dựa vào một số dấu hiệu khác để có thể đi thăm khám kịp thời, phát hiện ra những dấu hiệu bất thường và có hướng điều trị phù hợp.
Nguồn tham khảo: Benign vs. Malignant Lymph Nodes