Vùng kín có mùi đặc trưng, mùi này thường là sự kết hợp của dịch tiết âm đạo, nội tiết, mồ hôi và các nguồn bên ngoài như nước tiểu, phân... Nhưng khi một trong các yếu tố trên không bình thường đều có thể khiến vùng kín nặng mùi.
Phụ nữ khi đến tuổi dậy thì sẽ có dịch âm đạo, dịch tiết âm đạo này có vai trò bôi trơn, giữ ẩm, ổn định môi trường sinh dục nhằm hạn chế sự phát triển của các tác nhân gây bệnh.
Đối với những người bình thường, thì dịch tiết âm đạo thường có màu trắng trong như lòng trắng trứng, dai, có thể kéo thành sợi, không có mùi hoặc hơi tanh.
Dịch tiết âm đạo bất thường và vùng kín có mùi hôi - Ảnh: Internet
Đọc thêm:
- Nên nhịn ăn trước khi khám nội tiết, đúng hay sai?
- Nội tiết tố gây nám da - 'cuộc chiến thầm lặng' của phụ nữ tuổi 30
Dịch tiết âm đạo thường xuất hiện nhiều hơn vào thời điểm trước khi rụng trứng, trước kinh nguyệt, trong sinh hoạt tình dục, đó là đối với những người sau tuổi dậy thì. Và dịch âm đạo này ở mỗi người là không giống nhau, dịch ra nhiều hay ít tùy vào từng người, tùy vào chu kỳ kinh nguyệt, có đang mang thai hay không hoặc có dùng viên tránh thai không...
Dù dịch âm đạo có chức năng hạn chế sự phát triển của các tác nhân gây bệnh, nhưng nhiều khi sự tấn công của mầm bệnh vượt quá khả năng bảo vệ của dịch, thì tình trạng vùng kín bị viêm nhiễm và có mùi hôi vẫn có thể xảy ra.
Dịch âm đạo ở trường hợp có bệnh gọi là khí hư, bởi ở thời điểm này khí hư không còn ở trạng thái màu trắng trong như lòng trắng trứng, dai, có thể kéo thành sợi, không có mùi hoặc hơi tanh nữa, mà khí hư đã chuyển sang dạng đặc hay loãng, có nhiều màu sắc khác nhau (vàng, trắng, xám, nâu hoặc đỏ hồng do lẫn máu). Đặc biệt, khí hư bệnh lý ít nhiều đều có mùi hôi rất khó chịu.
Khí hư cũng có thể không phải do viêm nhiễm như trong trường hợp lộ tuyến cổ tử cung, u xơ cổ tử cung… gây ra. Khí hư bệnh lý thường được bài tiết liên tục, hằng ngày, do đó bệnh càng nặng thì khí hư càng nhiều và càng liên tục. Và đương nhiên tình trạng này chỉ hết khi thương tổn bệnh lý đã được điều trị khỏi.
Như đã nói ở trên, dịch âm đạo vốn dĩ có mùi đặc trưng. Nhưng khi nhận thấy vùng kín có mùi khác lạ, có thể đây là những nguyên nhân gây nên tình trạng này.
- Viêm âm đạo do vi khuẩn: Đây là tình trạng xảy ra phổ biển ở nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ ở độ tuổi sinh nở, do đó hầu như phụ nữ nào cũng thường trải qua ít nhất 1 lần bị viêm âm đạo do vi khuẩn gây ra.
Khi bị viêm âm đạo do vi khuẩn, người bệnh có thể cảm nhận được một số dấu hiệu như ngứa rát vùng kín, đau, mùi khó chịu và ra nhiều dịch. Nguyên nhân dẫn đến viêm âm đạo do vi khuẩn có thể được kể đến như, quan hệ tình dục không dùng bao cao su và thụt rửa thường xuyên.
- Viêm do nhiễm nấm: Khác với viêm âm đạo do vi khuẩn, nhiễm nấm âm đạo thường có dịch trắng và đặc hơn đồng thời gây ngứa nhiều hơn, vùng kín cũng có mùi nặng hơn.
- Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục: Chlamydia và bệnh lậu được xem là 2 bệnh phổ biến lây truyền qua đường tình dục. Thế nhưng, hai bệnh này lại thường không được chẩn đoán sớm bởi chúng có thể không có triệu chứng gì cả. Mà dấu hiệu thường thấy nhất chỉ là tiểu buốt, ra dịch nhiều, mùi khó chịu, đau khi quan hệ tình dục…
Hai bệnh này đều dễ điều trị nhưng nếu chủ quan, không phát hiện sớm và nếu không được chữa trị kịp thời lại có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng sau này.
- Bệnh viêm vùng chậu: Viêm vùng chậu được xem là căn bệnh nguy hiểm, bởi đây thường là hệ quả sau cùng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục, mà không được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ như Chlamydia.
Bệnh này do vi khuẩn xâm nhập qua âm đạo vào tử cung. Do viêm vùng chậu thường không gây triệu chứng gì, hoặc dấu hiệu lại dễ lẫn với các bệnh khác như: đau xương chậu, vùng kín có mùi khó chịu, ra nhiều dịch, sốt, mệt mỏi, đau rát khi giao hợp và tiểu buốt… Bệnh viêm vùng chậu sẽ khó được chẩn đoán cho đến khi chị em phải chịu những cơn đau đớn hoặc khó có thai.
Ngoài ra, những yếu tố như đổ mồ hôi quá mức, đặc biệt là những người béo phì; Táo bón mạn tính, đầy hơi và chế độ ăn uống... dẫn đến tình trạng gia tăng mùi trực tràng; Đái dầm, giải phóng amoniac; Đại tiện không kiểm soát; Ung thư âm hộ, khi đó nó là nguyên nhân dẫn đến hoại tử; Mưng mủ hay hoại tử do ung thư một bộ phận sinh dục khác; Hội chứng mùi cá ươn; Dò âm đạo trực tràng hoặc bàng quang có thể là sau sinh đẻ, chấn thương hay do phẫu thuật…cũng là nguyên nhân dẫn đến vùng kín bị nặng mùi.
- Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ: Các yếu tố như xà phòng, dung dịch vệ sinh có mùi thơm, mặc quần quá chật hay quần ẩm ướt, thường xuyên thụt rửa vùng kín...đều không hề tốt cho vùng kín của bạn đâu nhé.
Để hạn chế gây mùi cho vùng kín, chị em không nên lạm dụng dung dịch vệ sinh - Ảnh: Internet
Để hạn chế gây mùi cho vùng kín, chị em không nên lạm dụng dung dịch vệ sinh, bởi âm đạo vốn dĩ đã có cơ chế tự làm sạch, do đó chị em chỉ cần dùng nước sạch vệ sinh vùng kín là đủ.
Ngoài ra, bạn nên chọn quần lót vừa với cơ thể và được thiết kế với chất liệu cotton, để thấm mồ hôi, tránh gây bít tắc mồ hôi ở vùng kín.
Không thụt rửa, xịt nước vào sâu bên trong "cô bé", bởi việc làm này vô tình sẽ lấy đi các vi khuẩn có lợi trong âm đạo, cũng như làm mất độ cân bằng pH trong âm đạo.
Khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường ở vùng kín, chị em không nên tự xử lý mà hãy đến các khám phụ khoa để được phát hiện và chữa trị kịp thời.