Làm thế nào để đối phó với các bệnh về da vào mùa mưa?

Làm thế nào để đối phó với các bệnh về da vào mùa mưa?
Vào mùa mưa môi trường thường ẩm thấp, nguồn nước thường bị ô nhiễm, vi khuẩn phát triển mạnh nên dễ mắc các bệnh về da. Vậy làm thế nào để đối phó với tình trạng này?

Vào mùa mưa lũ, độ ẩm cao làm cho không khí luôn ẩm ướt, nguồn nước dễ bị ô nhiễm nên tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus, vi sinh vật phát triển tấn công vào cơ thể. Đặc biệt, mưa lũ dễ gây ra các bệnh về da, mặc dù không quá nguy hiểm đến sức khoẻ nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây khó chịu cho người bệnh, dẫn đến sự tự ti. 

1. Các bệnh về da vào mùa mưa

1.1. Ghẻ

Vào mùa mưa, mọi người không tránh khỏi việc tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm. Điều này làm bệnh ghẻ gia tăng và bùng phát, đây là bệnh truyền nhiễm liên quan đến nước, do bọ ve ký sinh gây ra.

Những con ve này thường không thể nhìn thấy bằng mắt thường, gây khó chịu, ngứa dữ dội và phát ban trên da.

Khi có các triệu chứng như vậy, bạn nên đi khám và điều trị sớm vì bệnh có thể lây lan cho những người xung quanh qua quần áo chung, giường chiếu…

Làm thế nào để đối phó với các bệnh về da vào mùa mưa? - Ảnh 2.

Ghẻ là bệnh phổ biến vào mùa mưa (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

Cách cải thiện, phòng ngừa tái phát bệnh vảy nến 4 mùa

Vì sao đi mưa về hay bị ngứa chân?

1.2. Nấm ngoài da

Nấm ngoài da hay còn gọi là hắc lào, do nhiễm vi nấm thuộc nhóm nấm Dermatophytes gây nên. Nếu các bạn thấy trên cơ thể có những mảng màu đỏ, hình tròn mà bạn quan sát thấy trên cổ, nách hoặc lòng bàn chân khi trời mưa lũ, có thể đây là bệnh hắc lào, nhiễm nấm do khí hậu ẩm ướt.

Căn bệnh này lây lan sang các bộ phận trên cơ thể nhanh chóng và dễ dàng qua tiếp xúc. Vì vậy, điều cần thiết là bạn phải đảm bảo đồ đạc của mình không được dùng chung với bất kỳ ai và giữ cho da của bạn luôn sạch sẽ.

1.3. Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là tình trạng phát ban ngứa do tiếp xúc trực tiếp với một chất hoặc phản ứng dị ứng với chất đó. Phát ban không lây nhưng có thể rất khó chịu.

Nguyên nhân gây ra viêm da tiếp xúc vào mùa mưa thường do tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm, chứa vi sinh vật gây hại …

Làm thế nào để đối phó với các bệnh về da vào mùa mưa? - Ảnh 3.

Viêm da tiếp xúc không lây nhưng rất khó chịu (Ảnh: Internet)

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm da tiếp xúc rất khác nhau và có thể bao gồm:

- Phát ban ngứa

- Các mảng da sẫm màu hơn bình thường (tăng sắc tố), thường trên da nâu hoặc da đen

- Da khô, nứt nẻ, có vảy, thường là da trắng

- Phồng rộp, đôi khi có rỉ nước và đóng vảy

- Sưng tấy, bỏng rát hoặc đau

1.4. Viêm nang lông

Viêm nang lông là một tình trạng da phổ biến xảy ra khi các nang lông bị viêm. Bệnh thường do nhiễm vi khuẩn. Lúc đầu, bệnh có thể trông giống như những mụn nhỏ xung quanh các nang lông.

Tình trạng này có thể ngứa, đau và gây tự ti về ngoại hình. Nhiễm trùng có thể lan rộng và biến thành vết loét đóng vảy.

Viêm nang lông nhẹ có thể sẽ lành mà không để lại sẹo trong vài ngày nếu bạn chăm sóc đúng cách. Nhiễm trùng nghiêm trọng hơn hoặc lặp lại có thể cần thuốc theo toa. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng nặng có thể gây rụng tóc và sẹo vĩnh viễn.

Làm thế nào để đối phó với các bệnh về da vào mùa mưa? - Ảnh 4.

Viêm nang lông sẽ xuất hiện những mụn nhỏ xung quanh các nang lông (Ảnh: Internet)

2. Làm thế nào để phòng tránh các bệnh về da vào mùa mưa

Mọi người có thể ngăn ngừa các bệnh về da khi thời tiết mưa nhiều, ẩm ướt bằng một số biện pháp như:

- Rửa tay chân thường xuyên: Chú ý vệ sinh cá nhân bằng cách tắm rửa hàng ngày và rửa tay chân khi về đến nhà. Tuy nhiên, không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã được khử trùng thì phải đánh phèn hoặc lọc nước bằng cát.

- Cố gắng giữ cho mình khô ráo vì để ướt quá lâu có thể làm phát sinh một số bệnh nhiễm trùng da. Đặc biệt, không nên lội dưới các vùng ngập lụt, nếu công việc bắt buộc nên bảo hộ kỹ lưỡng bằng quần áo mưa, ủng, đi thuyền… sau đó cần tắm rửa sạch sẽ, giữ cho da khô thoáng.

- Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân vì hầu hết các bệnh ngoài da đều dễ lây lan.

- Tránh mặc quần áo, tất bằng vải tổng hợp vì chúng có thể gây bí da, bít lỗ chân lông

Khi có các dấu hiệu bệnh ngoài da, mọi người nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra và có hướng điều trị phù hợp. Ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm từ các bệnh ngoài da.

Làm thế nào để đối phó với các bệnh về da vào mùa mưa? - Ảnh 5.

Hướng dẫn phòng bệnh da vào mùa mưa lũ từ Bộ y tế (Ảnh: Bộ Y Tế)

Ngoài các bệnh về da, mùa mưa lũ dễ gây ra các bệnh khác như sốt xuất huyết, bệnh về mắt, bệnh về đường tiêu hoá, hô hấp. Do đó, mọi người nên tuân thủ một số vấn đề sau để phòng ngừa nhiễm bệnh:

- Phòng ngừa sốt xuất huyết: Môi trường ẩm ướt tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Vì vậy để ngăn ngừa bệnh lý này, mọi người nên: 

+ Phun thuốc diệt muỗi, không để các lu nước xung quanh nhà tạo điều kiện cho muỗi phát triển.

+ Mặc quần áo dài, đi ngủ nên mắc màn/mùng

+ Dùng thuốc xịt muỗi lên da, nên chọn những sản phẩm an toàn cho da, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

- Phòng ngừa bệnh về mắt: Việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm, ruồi muỗi, vi khuẩn phát triển dễ xâm nhập vào cơ thể gây ra các bệnh đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ... Do đó, mọi người nên bảo vệ bản thân và gia đình bằng một số biện pháp: 

+ Không rửa mặt, tắm bằng nước bẩn

+ Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên

+ Không dụi tay lên mắt, mũi, miệng

+ Thường xuyên vệ sinh mắt với nước muối sinh lý NaCl (0,9%) hoặc dùng thuốc nhỏ mắt Chloramphenicol 0,4% hoặc Argirol 1%

+ Tiêu diệt ruồi vì đây là sinh vật có thể truyền bệnh đau mắt đỏ

Làm thế nào để đối phó với các bệnh về da vào mùa mưa? - Ảnh 6.

Hướng dẫn phòng bệnh mùa mưa lũ từ Bộ Y tế (Ảnh: Bộ Y Tế)

- Phòng ngừa bệnh tiêu hóa: Mưa lũ là thời tiết thuận lợi để các loại vi khuẩn E. coli, tả, lỵ, thương hàn phát triển. Nếu không có những biện pháp phòng ngừa, mọi người dễ gặp các vấn đề tiêu hoá như đau bụng, tiêu chảy... Vì thế, mọi người nên phòng bệnh bằng những cách sau:

+ Ăn chín, uống sôi và sử dụng nguyên liệu nấu nướng sạch sẽ, an toàn.

+ Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn

+ Xử lý nước thải, rác thải, xác động vật, phân… đúng cách

- Phòng ngừa bệnh hô hấp: Cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang, nhiễm trùng đường hô hấp là các bệnh dễ gặp khi thời tiết mưa lũ, thay đổi thất thường. Biện pháp phòng ngừa như:

+ Giữ ấm cơ thể, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh

+ Đảm bảo đủ dinh dưỡng, tăng cường miễn dịch cho cơ thể

+ Hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi

+ Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý

Để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, phòng tránh những bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, các bạn nên chủ động thực hiện những biện pháp đã được khuyến cáo. 


Tác giả: Vân Anh