Điều trị tiểu đường trong giai đoạn mang thai nhằm mục đích giữ cho mức đường huyết của người bệnh ở mức tương đương với những phụ nữ mang thai không bị tiểu đường thai kỳ. Phương pháp điều trị tiểu đường thai kỳ sẽ bao gồm chế độ ăn uống, hoạt động thể chất cũng như xét nghiệm đường huyết hàng ngày và bổ sung insulin.
Đối với mức đường huyết cần phải duy trì đối với phụ nữ mang thai mắc tiểu đường thai kỳ, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ đã đề xuất các chỉ số như sau:
- Trước khi ăn: 95 mg/dl (5.3 mmol/L) trở xuống;
- Một giờ sau khi ăn: 140 mg/dl (7.8 mmol/L) hoặc ít hơn;
- Hai giờ sau khi ăn: 120 mg/dl (6.7mmol/L) hoặc ít hơn;
Đây là mức tiêu chuẩn, thông thường các chỉ số này sẽ thay đổi một chút tùy thuộc vào cơ địa và thể trạng của mỗi người.
Đọc thêm:
- Tầm quan trọng xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở mẹ bầu
- Nguyên tắc ăn '1 phần 4' cho bà bầu tiểu đường thai kỳ
Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu sẽ cần được điều trị càng sớm càng tốt. Việc điều trị kịp thời và đúng cách có thể giúp làm giảm nguy cơ sinh mổ lấy thai, nguy cơ dị tật thai nhi và các nguy cơ nghiêm trọng khác.
Mặc dù bệnh tiểu đường thai kỳ là một tình trạng sức khỏe đáng lo ngại, nhưng tin tốt là cả mẹ bầu và các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng có thể kết hợp để giảm mức đường huyết cao của bạn một cách dễ dàng. Do đó, mẹ không cần quá lo lắng và nên dành sự quan tâm của mình để chăm sóc cho một thai kỳ khỏe mạnh.
Bệnh tiểu đường thai kỳ thường khỏi sau khi mang thai. Nhưng một khi bạn đã mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, thì nói có 75% khả năng sẽ quay trở lại trong những lần mang thai sau đó. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ lại phát hiện mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 trong thời gian mang thai. Trên thực tế, rất khó để biết liệu những bệnh nhân này bị tiểu đường thai kỳ hay có biểu hiện tiểu đường xuất hiện khi mang thai, nhưng họ có thể sẽ cần tiếp tục điều trị tiểu đường sau khi sinh em bé.
Nhiều phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ sẽ phát triển thành bệnh tiểu đường type 2 nhiều năm sau đó. Dường như rằng có một mối liên quan nào đó giữa xu hướng mắc bệnh tiểu đường thai kỳ và bệnh tiểu đường type 2 vì cả hai đều liên quan đến tình trạng kháng insulin. Tuy nhiên, một số biện pháp đơn giản như thay đổi lối sống và chế độ ăn cơ bản có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường sau tiểu đường thai kỳ. Vì vậy mẹ bầu không nên quá lo lắng mà hãy giữ vững tinh thần lạc quan, vui vẻ.
Thay đổi chế độ ăn uống một cách lành mạnh hơn có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu của bạn một cách hiệu quả. Bệnh nhân có thể được khuyên thay đổi chế độ dinh dưỡng như sau:
- Ăn đầy đủ 3 bữa một ngày, không bỏ bữa.
- Ăn thực phẩm giàu tinh bột hấp thụ chậm giúp giải phóng đường từ từ chẳng hạn như mì ống làm từ bột mì nguyên cám, gạo lứt, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên cám, đậu....
- Ăn nhiều trái cây và rau.
- Tránh thực phẩm có đường. Mẹ bầu không nhất thiết phải ăn kiêng hoàn toàn không có đường, nhưng hãy đổi các món đồ ăn nhẹ như bánh ngọt và bánh quy thành các thực phẩm lành mạnh hơn như trái cây, quả hạch và hạt.
- Tránh các loại đồ uống có đường. Đồ ăn kiêng hoặc đồ uống không đường sẽ tốt hơn các loại đồ uống có đường. Kể cả nước ép trái cây và sinh tố cũng có thể chứa nhiều đường và một số đồ uống không đường cũng vậy.
- Ăn bổ sung các nguồn protein nạc, chẳng hạn như cá...
Tập thể dục thường xuyên cho phép cơ thể bạn sử dụng glucose mà không cần phải nạp thêm insulin. Hoạt động thể chất cũng tiêu tốn glucose, giúp chống lại sự đề kháng insulin và là điều quan trọng nhất khiến cho việc tập thể dục trở nên hữu ích đối với những người mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé thì điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến của bác sĩ về các bài tập trước bắt đầu một chương trình rèn luyện thể dục.
Nếu đã tuân thủ theo kế hoạch ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên nhưng vẫn không đủ để giữ mức đường huyết trong phạm vi mục tiêu, bạn có thể cần đến sự can thiệp của các biện pháp y tế như:
Sử dụng thuốc điều trị
Mẹ bầu có thể được chỉ định dùng thuốc nếu lượng đường trong máu vẫn không được kiểm soát tốt trong vòng từ 1 đến 2 tuần sau khi thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên, hoặc nếu lượng đường trong máu của mẹ bầu rất cao. Các loại thuốc được sử dụng có thể là thuốc viên, thường là metformin hoặc thuốc tiêm insulin.
Lượng đường trong máu của bạn có thể tăng lên khi quá trình mang thai tiếp diễn. Vì vậy, ngay cả khi chúng được kiểm soát tốt lúc đầu, bạn có thể cần phải dùng thuốc sau đó trong thai kỳ. Bạn thường có thể ngừng dùng những loại thuốc này sau khi sinh.
Một số lưu ý khi sử dụng Metformin bao gồm chúng được dùng dưới dạng viên nén tối đa 3 lần một ngày, thường cùng hoặc sau bữa ăn và các tác dụng phụ của metformin có thể bao gồm:
- Người mệt mỏi, ăn không ngon.
- Co thắt dạ dày.
- Tiêu chảy.
Đôi khi, bác sĩ có thể kê đơn glibenclamide để điều trị tiểu đường thai kỳ. Bên cạnh đó, Insulin cũng có được khuyến nghị sử dụng nếu:
- Mẹ bầu không thể dùng metformin hoặc nó gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Lượng đường trong máu không được kiểm soát bằng metformin.
- Lượng đường trong máu rất cao.
- Em bé rất lớn hoặc mẹ bầu có quá nhiều chất lỏng trong tử cung (đa ối).
Insulin được dùng dưới dạng tiêm, các bác sĩ sẽ hướng dẫn cách tự thực hiện tại nhà. Tùy thuộc vào loại insulin được kê đơn, mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ có thể cần tự tiêm trước bữa ăn, trước khi đi ngủ hoặc sau khi thức dậy. Lượng đường trong máu thường tăng khi quá trình mang thai tiến triển, vì vậy liều insulin được chỉ định dùng có thể cần phải tăng theo thời gian.
Insulin có thể làm cho lượng đường trong máu của bạn xuống quá thấp (hạ đường huyết). Các triệu chứng của lượng đường trong máu thấp bao gồm cảm thấy run rẩy, đổ mồ hôi, đói, tái xanh hoặc khó tập trung. Nếu điều này xảy ra, mẹ bầu nên kiểm tra lượng đường trong máu và tìm cách xử lý ngay lập tức.
Theo dõi thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề ở thai nhi, chẳng hạn như lớn hơn bình thường. Do đó, mẹ bầu sẽ được hẹn khám thai thường xuyên hơn để có thể theo dõi thai nhi. Các cuộc thăm khám sẽ bao gồm:
- Siêu âm vào khoảng tuần 18 đến 20 của thai kỳ để kiểm tra thai nhi xem có bất thường không.
- Siêu âm ở tuần 28, 32 và 36 để theo dõi sự phát triển của thai nhi và lượng nước ối.
- Kiểm tra thường xuyên từ tuần 38 trở đi.
Quá trình sinh nở
Thời điểm sinh con lý tưởng nếu mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ thường là vào khoảng tuần 38 đến 40. Nếu lượng đường trong máu của bạn nằm trong mức bình thường và không có gì đáng lo ngại về sức khỏe của bạn hoặc thai nhi, mẹ bầu có thể đợi quá trình chuyển dạ bắt đầu tự nhiên.
Tuy nhiên, bạn thường được đề nghị kích thích chuyển dạ hoặc sinh mổ nếu chưa sinh sau 40 tuần và 6 ngày. Việc sinh con sớm hơn có thể được khuyến nghị nếu có lo ngại về sức khỏe của mẹ hoặc bé, hoặc nếu lượng đường trong máu của bạn chưa được kiểm soát tốt.
Bạn nên sinh con tại bệnh viện nơi có các chuyên gia chăm sóc sức khỏe được đào tạo đặc biệt để có cách chăm sóc phù hợp cho bé. Khi đến bệnh viện để sinh, hãy mang theo kết quả xét nghiệm đường huyết cùng với bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng.
Thông thường, mẹ bầu nên tiếp tục kiểm tra lượng đường trong máu và uống thuốc cho đến khi chuyển dạ thành công hoặc được yêu cầu ngừng ăn trước khi sinh mổ. Trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, lượng đường trong máu của mẹ bầu sẽ được theo dõi và kiểm soát. Mẹ bầu có thể cần được tiêm insulin qua đường tĩnh mạch để kiểm soát lượng đường trong máu.
Sau khi sinh
Cũng như các bà mẹ khác, mẹ bị tiểu đường thai kỳ thường có thể nhìn thấy, bế và cho em bé bú ngay sau khi sinh xong. Điều quan trọng là phải cho bé bú càng sớm càng tốt sau khi sinh (trong vòng 30 phút) và sau đó cách nhau thường xuyên (2-3 giờ một lần) cho đến khi lượng đường trong máu của bé ổn định.
Mức đường huyết của bé sẽ được kiểm tra bắt đầu từ 2 đến 4 giờ sau khi sinh. Nếu thấp, bé có thể cần được cho ăn tạm thời qua ống hoặc truyền tĩnh mạch. Nếu con bạn không khỏe hoặc cần theo dõi chặt chẽ, chúng có thể được chăm sóc tại một đơn vị sơ sinh chuyên khoa đặc biệt.
Bất kỳ loại thuốc nào đang dùng để kiểm soát lượng đường trong máu của mình thường sẽ được ngừng sử dụng sau khi sinh con. Mẹ mắc tiểu đường thai kỳ thường được khuyên nên tiếp tục kiểm tra lượng đường trong máu trong 1 hoặc 2 ngày sau khi sinh. Nếu cả hai đều khỏe, mẹ và em bé sẽ có thể về nhà sau 24 giờ.
Mẹ cũng nên xét nghiệm máu để tầm soát bệnh tiểu đường từ 6 đến 13 tuần sau khi sinh. Điều này là do một số ít phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ tiếp tục bị tăng lượng đường trong máu sau đó. Nếu kết quả bình thường, họ sẽ được khuyên làm xét nghiệm hàng năm để tầm soát bệnh tiểu đường do họ có nhiều nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 - một loại bệnh tiểu đường suốt đời - nếu bị tiểu đường thai kỳ.
Nguồn tham khảo:
https://www.diabetes.org/diabetes/gestational-diabetes/how-to-treat-gestational-diabetes
https://www.nhs.uk/conditions/gestational-diabetes/treatment/