Hiện nay, bộ môn đạp xe càng ngày càng trở nên phổ biến bởi những lợi ích cho sức khỏe con người mà nó mang lại. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ như thế nào mới là đạp xe đúng cách. Khi thực hiện đúng cách, người tập sẽ không bị đau mỏi, giảm tối đa các chấn thương trong quá trình đạp xe.
Ngoài ra, việc thực hiện đúng kỹ thuật cũng mang lại hiệu quả tập luyện cao hơn rất nhiều. Vậy đạp xe đúng cách là như thế nào?
Trước khi thực hiện việc đạp xe, mọi người đều nên có sự chuẩn bị trước để cơ thể có thể sẵn sàng tối đa. Việc chuẩn bị trước khi luyện tập bao gồm:
– Uống đủ nước trước khi bước vào quá trình đạp xe. Nên ăn nhẹ khoảng từ 1 đến 2 tiếng trước khi luyện tập để bổ sung năng lượng cho cơ thể.
– Khởi động thật kỹ, thực hiện các bài tập khởi động nghiêm túc là một trong những điều vô cùng quan trọng của việc đạp xe đúng cách. Việc này sẽ giúp hạn chế tình trạng căng cơ, sai khớp hay giảm thiểu tối đa những chấn thương không đáng có trong quá trình đạp xe.
– Quần áo khi đạp xe cũng nên được lựa chọn cẩn thận. Hãy chuẩn bị một bộ quần áo thể thao vừa vặn, thấm hút mồ hôi và kiểu dáng đơn giản để mang lại sự thoải mái khi luyện tập. Không nên mặc quần áo quá bó hay quá chật vì sẽ càng làm bạn cảm thấy khó chịu và mau xuống sức. Tuy nhiên, cũng không nên mặc quần áo rộng thùng thình khi đạp xe, tránh mặc quần quá dài sẽ khiến gấu quần dễ bị mắc vào xích xe.
Việc đạp xe đúng tư thế sẽ giúp người tập tránh được các vấn đề về cột sống do ngồi sai tư thế như lệch hông, mông, cong vẹo cột sống hoặc người khom gù về phía trước. Để làm được điều này, người tập cần cố gắng giữ lưng thẳng trong quá trình đạp xe. Không gồng mình hay quá gượng ép.
Tư thế đạp xe đúng cách là cơ thể hơi nghiêng về phía trước, hai cánh tay duỗi thẳng. Người đạp xe cần thở ra bằng miệng và hít vào bằng mũi nhịp nhàng. Trong khi đạp xe, hai chân duỗi gần thẳng hết khi đạp pedal ở vị trí thấp nhất. Tráng cúi đầu, lưng vẹo, chân khuỳnh ra ngoài vì nó ảnh hưởng xấu đến kết quả luyện tập.
Điều chỉnh độ cao thích hợp của yên xe là vô cùng quan trọng khi đạp xe. Độ cao phù hợp nhất là khi bàn chân nằm ở điểm thấp nhất của vòng quay bàn đạp, đầu gối hơi cong 1 chút. Không nên để chân phải vươn tới bàn đạp sẽ dễ dẫn đến mỏi chân hoặc nghiêm trọng hơn là các chấn thương đầu gối.
Độ nghiêng của yên cũng ảnh hưởng đến tư thế người đạp xe. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến bộ phận sinh dục. Nguyên tắc chung về độ nghiêng của yên xe là đặt yên nằm song song với mặt đất.
Khi mới bắt đầu đạp xe, bạn nên bắt đầu một cách từ từ để cơ thể làm quen với quá trình. Nên dành 1/3 thời gian đầu tiên để khởi động bằng cách đạp nhẹ nhàng. 1/3 thời gian tiếp theo nên đạp nhanh hết mức có thể. 1/3 thời gian cuối nên thả lỏng, đạp chậm dần.
Người tập nên có một đồng hồ đo thời gian và tốc độ để so sánh giữa các lần tập với nhau. Từ đó có thể theo dõi được quá trình luyện tập và thay đổi phương thức phù hợp.
Thời gian đạp xe cũng là một lưu ý nên được quan tâm. Việc luyện tập liên tục trong một thời gian dài mà không nghỉ ngơi rất có hại cho sức khỏe. Ngồi đạp xe quá lâu có thể khiến các dây thần kinh ở xương chậu và bộ phận sinh dục bị chèn ép khiến máu sẽ không thể lưu thông, từ đó gây tăng khả năng tắc nghẽn mạch máu, gây những hậu quả nghiêm trọng.