Trung bình, mỗi người bệnh phải sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) trong khoảng thời gian từ mười năm đến ba mươi năm do đây là một căn bệnh mãn tính. Do đó, để có thể nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi tinh thần tích cực, người bệnh nên tuân thủ theo một số nguyên tắc nhất định.
Những nguyên tắc này về cơ bản bao quanh một số phạm vi sinh hoạt hàng ngày như vệ sinh cá nhân, sinh hoạt trong nhà, sinh hoạt cá nhân, đời sống tinh thần hay quan hệ xã hội.
Việc mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường khiến người bệnh cảm thấy khó thở ngay cả khi thực hiện vệ sinh cá nhân đơn giản. Tuy nhiên, việc tự mình thực hiện vệ sinh cá nhân sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy dễ chịu, thoải mái cũng như có cảm giác tự chủ, không bị lệ thuộc vào người khác.
Do có thể cảm thấy khó thở bất kỳ lúc nào, người bệnh không nên tắm khi trong người không khỏe hoặc đang ở nhà một mình. Bên cạnh đó, nên dùng vòi hoa sen để tắm thay vì dùng gáo nước để tránh bị mệt. Khi tắm, người bệnh cũng nên sử dụng các loại bàn chải có cán dài nhằm hạn chế việc cúi người hay với tay nhiều lần.
Nếu có thể, người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cũng nên tắm ngồi. Lưu ý nên chọn loại ghế chắc chắn, không trơn trượt và có chiều cao thích hợp. Nhà tắm cũng nên lắp thêm những thanh vị để có thể sử dụng khi cần thiết. Các loại xà phòng, dầu gội có mùi hương gay gắt cũng nên tránh sử dụng để hạn chế việc kích thích đường hô hấp làm khó thở.
Nên tắm bằng nước nóng khi thời tiết trở lạnh. Nếu tắm bằng nước nóng không nên đóng kín cửa do không khí ẩm và kém lưu thông rất dễ gây mệt, khó thở. Nên mở rộng cửa sổ hoặc dùng quạt hút ẩm để có thể cung cấp nhiều oxy hơn trong khi tắm.
Tủ quần áo trong nhà nên được thiết kế sao cho vừa tầm tay với giúp dễ lấy hơn, hạn chế việc với tay lên cao. Không nên mặc các loại quần áo chật, bó sát, quần áo quá nhiều lớp, các loại áo cổ kín, cổ cao,... vì chúng có thể làm hạn chế khả năng hô hấp. Đối với phụ nữ, nên dùng áo ngực loại mềm mại, co giãn.
Nên ngồi khi mặc quần áo hay khi trang điểm để tránh khó thở. Nếu phải cúi gập người nhiều sẽ dễ dẫn đến mệt mỏi, do đó có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ. Tránh dùng các loại nước hoa có dạng phun xịt để không gây kích ứng đến đường hô hấp.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD thường có thể gây khó khăn trong quá trình đại tiểu tiện ở người cao tuổi. Hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả, cùng với đó là nhu động ruột giảm do ít vận động thường khiến bệnh nhân lớn tuổi dễ bị táo bón gây mất nhiều sức khi đi vệ sinh và dẫn đến khó thở. Nên chú ý uống nhiều nước và bổ sung chất xơ cũng như vận động thường xuyên để cải thiện tình trạng này.
Với những bệnh nhân bị u xơ tiền liệt tuyến kèm theo, cần đi khám chuyên khoa để được điều trị thích hợp. Lưu ý không dùng quá nhiều thuốc giãn phế quản loại Combivent*, Berodual* có thể làm dễ bí tiểu hơn.
Người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính vẫn có thể tự làm một số việc đơn giản như dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn. Tuy nhiên cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Tránh đi lại nhiều lần. Nên dùng loại xe đẩy nhỏ để không phải mang vác nặng và hạn chế leo cầu thang. Nếu bắt buộc phải đi cầu thang cần nghỉ ngơi ở khoảng giữa và cuối.
- Tránh dùng các loại nước tẩy rửa có mùi gắt như dầu hỏa, long não, thuốc tẩy,…
- Nhà bếp nên thông thoáng, có quạt hút khí hoặc quạt máy. Tránh sử dụng các loại bếp có nhiều khói và các món nướng. Nên sử dụng bếp điện và lo vi sóng để thay thế.
Không chỉ sinh hoạt trong nhà mà những thói quen sinh hoạt cá nhân thường ngày của bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính cũng cần thay đổi để phù hợp với tình hình sức khoẻ.
Tuân thủ việc uống thuốc đều đặn theo đúng hướng dẫn của bác sĩ là rất cần thiết để duy trì tình trạng ổn định của bệnh và phòng tránh các đợt cấp tính. Người bệnh nên ghi chú lại để không quên sử dụng thuốc hàng ngày. Ngoài ra, mọi người cũng nên kiểm tra cẩn thận lượng thuốc còn lại cũng như hạn sử dụng của các loại thuốc xịt hoặc bình hít. Nên có sẵn thuốc dự trữ và dùng thuốc đúng liều được chỉ định.
Nếu bệnh nhân có nhiều bệnh lý khác kèm theo như tim mạch, tiểu đường, thần kinh, khớp… nên sắp xếp hộp thuốc riêng để tránh lẫn lộn và nên ghi lại lịch dùng thuốc hàng ngày.
Nguyên tắc cơ bản nhất của điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính là tuyệt đối bỏ thuốc lá. Điều này còn giúp làm chậm tiến triển của bệnh. Hơn thế nữa, thuốc lá còn là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm khác như bệnh tim mạch, ung thư ... nguy hiểm đến sức khoẻ.
Ngoài ra, cũng nên tránh tiếp xúc khói thuốc lá do người khác hút và vận động người xung quanh bỏ thuốc lá.
Nên đặt phòng ngủ ở tầng 1 để hạn chế việc đi cầu thang nhiều lần. Người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cũng nên để các đồ vật cần thiết như điện thoại, thuốc, đèn, nước.. ở ngay tầm tay. Phòng ngủ cũng nên được bật đèn để có thể dễ dàng di chuyển hay định hướng vào ban đêm.
Ngủ đủ giấc cũng là một yếu tố quan trọng khi sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nếu mất ngủ sẽ khiến người mệt mỏi, mất tập trung. Bạn có thể áp dụng các biện pháp như nghe nhạc thư giãn để dễ ngủ hơn. Nếu muốn sử dụng thuốc an thần cần phải hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng.
Để có thể nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như làm chậm diễn tiến của bệnh, mọi người cần lưu ý những nguyên tắc như sau:
- Nên sắp xếp công việc khi cần đi ra ngoài. Tránh vội vã, hấp tấp gây khó thở.
- Tránh vào xe oto ngay khi xe đỗ lâu ngoài nắng vì dễ bị thiếu oxy. Nên bật máy điều hòa hoặc mở cửa xe từ 5 đến 10 phút trước khi vào.
- Hạn chế đến những nơi đông người, không thoáng khí như tầng hầm, xe buýt, trong nhà kín nơi công cộng vì không khí có nhiều thán khí và dễ bị lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp.
- Nếu đi du lịch cần tìm hiểu kỹ nơi sẽ đến du lịch bao gồm cả khí hậu và các phương tiện y tế địa phương. Hạn chế đi đến những vùng núi cao, nơi có nồng độ oxy trong không khí thấp.