Rạng sáng nay (2/12), chất lượng không khí tại nhiều khu vực của Hà Nội ở mức kém và xấu sau 4 ngày chất lượng không khí tương đối tốt. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, điều kiện thời tiết sáng nay không thuận lợi khi bầu trời âm u, nhiều mây, song lưu lượng gió thấp nên khó khuếch tán bụi mịn khiến ô nhiễm gia tăng.
Cụ thể, tại khu vực nội thành, chỉ số AQI đều ở ngưỡng kém, điển hình như: Khu vực Minh Khai (139), khu vực đường Phạm Văn Đồng (137), khu vực Thành Công (136), phố Hàng Đậu (124), khu vực Hoàn Kiếm (114)... Ngoài ra, khu vực Đại sứ quán Pháp có chỉ số AQI chạm ngưỡng 161.
Chất lượng không khí kém không chỉ gây ra các ảnh hướng về sức khỏe mà còn gây hại đến làn da của chính chúng ta. Vậy, làm cách nào để bảo vệ da khi ô nhiễm không khí như hiện nay? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Trịnh Minh Trang – Phó trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Bệnh viện Da liễu Trung ương.
PV: Bác sĩ có thể cho biết nguyên nhân nào khiến số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị gia tăng trong những ngày thời tiết hanh khô và không khí ô nhiễm?
BS Trịnh Minh Trang: Trong nhóm bệnh mề đay, mẩn ngứa về bản chất là nhóm bệnh phản ánh tình trạng dị ứng của cơ thể, nguyên nhân từ môi trường bên ngoài cũng có tác động rất lớn làm tăng số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị.
Tham khảo thêm
- Ô nhiễm không khí trong nhà là gì? Mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí trong nhà và sức khoẻ lá phổi.
PV: Đối với các bệnh nhân có cơ địa dị ứng sẽ gặp phải khó khăn gì trong quá trình điều trị khi gặp môi trường ô nhiễm?
BS Trịnh Minh Trang: Trong không khí ô nhiễm chứa một số thành phần hóa học hay còn gọi là những phân tử ô nhiễm (còn được gọi bằng tên chuyên biệt là các hạt bụi mịn và các bụi siêu mịn) thì bản chất là các chất có thành phần hóa học như nito dioxit, cacbon oxit, sunphua dioxit hoặc một số thành phần oxit kim loại như oxit sắt từ, là cái luôn luôn có mặt trong không khí ô nhiễm.
Tất cả các thành phần này đến từ khói bụi của phương tiện giao thông, nhà máy sản xuất hoặc công trường xây dựng, thậm chí từ sinh hoạt như việc đốt rơm rạ ở các vùng nông thôn. Đây đều là các hóa chất có thể gay hại cho sức khỏe. Các tương tác với các bệnh da thì các thành phần hóa chất, các hạt bụi mịn có thể trực tiếp xâm nhập vào hàng rào bảo vệ da. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây các bệnh viêm da, hoặc một cách gián tiếp các hóa chất tương tác với các tia tử ngoại hoặc các tia UV từ ánh sáng mặt trời để tác động lên da của chúng ta làm thay đổi miễn dịch tại chỗ của da. Từ đó gây ra một số nhóm bệnh như viêm da dị ứng, lão hóa da thậm chí là các bệnh lý ung thư da.
PV: Bác sĩ có khuyến cáo như thế nào đối với người dân trong việc chăm sóc làn da trong điều kiện môi trường ô nhiễm?
BS Trịnh Minh Trang: Bản thân tình trạng ô nhiễm không khí cũng làm cho các bệnh lý vốn có, bệnh lý viêm da vốn có trở nên dai dẳng và khó điều trị hơn. Có thể chúng tôi điều trị xong một đợt nhưng bệnh nhân đáp ứng chậm do tình trạng ô nhiễm vẫn còn và bệnh có tính chất tái phát tương đối nhiều và bệnh nhân thường xuyên phải quay trở lại tái khám và điều trị. Đặc biệt những bệnh nhân có cơ địa viêm da, cơ địa dị ứng, mụn trứng cá thì quá trình điều trị thì yếu tố môi trường rất quan trọng.
Khi ô nhiễm môi trường thì vùng da hở là vùng da bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là vùng da mặt vì nó mỏng và nhạy cảm hơn các vùng da khác, lại là vùng da tiếp túc trực tiếp với không khí cũng như ánh nắng mặt trời.
Để bảo vệ da khi môi trường ô nhiễm chúng ta cần lưu ý như sau:
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm nếu không cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến khu vực có không khí ô nhiễm thì chúng ta phải có bảo hộ tốt. Mục tiêu của bảo hộ là làm sao để che chắn để hạn chế tối đa việc da của chúng ta phải tiếp xúc trực tiếp với không khí và ánh nắng mặt trời. Chúng ta có thể cùng khẩu trang, đeo kính, đội mũ, mặc quần áo dài.
- Rửa mặt, tắm, nhỏ mắt, nhỏ mũi để làm sạch toàn bộ vùng da và niêm mạc tiếp xúc với không khí ô nhiễm để loại bỏ sớm nhất giúp hạn chế cơ chế gây bệnh.
- Đối với các bệnh nhân có làn da nhạy cảm, ví dụ như: trẻ bị viêm da cơ địa, những người vốn có tình trạng da khô thì chúng ta cần bảo vệ da tốt hơn và phải bôi kem chống nắng khi tham gia các hoạt động ngoài trời.
- Bên cạnh đó, cần duy trì một chế độ ăn uống hợp lý và giờ giấc sinh hoạt khoa học.
- Uống nhiều nước (2-3 lít/ngày), tăng cường bổ sung vitamin cho làn da bằng cách ăn nhiều rau xanh, trái cây.
- Những trường hợp có nghi ngờ tổn thương trên da thì cũng không nên tự điều trị mà cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám cho làm xét nghiệm và tư vấn phù hợp.
PV: Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần lưu ý điều gì trong thời điểm thời thời tiết hanh khô thưa bác sĩ?
BS Trịnh Minh Trang: Đối với làn da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì làn da của các cháu rất nhạy cảm. Đặc biệt các cháu hay mắc viêm da cơ địa, nhiều khi chỉ khô da một chút là các cháu sẽ bùng phát đợt viêm da cơ địa, xuất hiện tình trạng đỏ, ngứa, rồi nổi các sẩn, mụn và trẻ sẽ gãi. Từ đó làn da của trẻ sẽ tổn thương rất nhiều và thành vòng xoắn, tức là cứ gãi xong lại càng làm tổn thương hàng rào bảo vệ da, và hàng rào da tổn thương lại càng làm khô da và làm cơ địa nặng lên.
Quá trình chúng ta điều trị viêm da cơ địa, khô da của các bé mà chúng ta còn chữa cả tình trạng khô da. Vì thế việc bôi dưỡng ẩm rất quan trọng. Phụ huynh cần lưu ý bôi đúng cách và duy trì lâu dài. Kể ca khi bệnh lý về da của các cháu đã đỡ hơn thì chúng ta vẫn phải duy trì dưỡng ẩm.
Đối với các bạn này bị viêm da cơ địa thì vốn dĩ đã thiếu các chất ẩm tự nhiên, khi chúng ta ngừng cung cấp thì da sẽ nhanh chóng khô trở lại. Do đó chúng ta phải bôi dưỡng ẩm đúng, đủ và duy trì lâu dài cho trẻ.
PV: Vâng! Xin cảm ơn bác sĩ./.