Làm gì với chứng rối loạn chức năng tiêu hoá ở trẻ?

Làm gì với chứng rối loạn chức năng tiêu hoá ở trẻ?
Rối loạn chức năng tiêu hoá ở trẻ em là tình trạng xảy ra khá phổ biến và là biểu hiện các triệu chứng ở dạ dày ruột kéo dài hay mãn tính tùy theo lứa tuổi nhưng không có tổn thương thực thể do bệnh lý.

Rối loạn chức năng tiêu hoá ở trẻ thường biểu hiện các triệu chứng: nôn trớ, táo bón, tiêu chảy, đau quặn bụng, đau bụng tái diễn, hội chứng ruột kích thích... 

1. Nguyên nhân chủ yếu gây rối loạn chức năng tiêu hoá ở trẻ

Thực phẩm: Thức ăn trẻ không dung nạp lactose, dị ứng protein, sữa bò gây tiêu chảy, chế độ ăn ít chất xơ gây táo bón,... là nguyên nhân chính gây rối loạn chức năng tiêu hoá ở trẻ.

Thay đổi môi trường đường ruột: Sau khi sử dụng kháng sinh hoặc các đợt tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn đường ruột có thể gây ra một số hội chứng kích thích đường ruột.

Ảnh 1.

Rối loạn chức năng tiêu hoá ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân (Ảnh: Internet)

Tâm lý: các yếu tố tâm lý như căng thẳng, lo âu, hoảng sợ,... có tác động trực tiếp tới các cơ quan thần kinh, não và đường ruột và là cơ sở phát sinh rối loạn chức năng tiêu hoá ở trẻ. Các yếu tố tâm lí ảnh hưởng tới chức năng tiêu hoá trong thời gian dài có thể tác động trở lại gây trầm cảm nặng hơn,...

Yếu tố di truyền: trẻ có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn chức năng tiêu hoá nếu một trong các thành viên gia đình từng bị chứng bệnh tương tự.

2. Các rối loạn chức năng tiêu hoá ở trẻ thường gặp và cách xử lí

Trào ngược dạ dày thực quản: Khi quá trình tiêu hoá diễn ra bình thường, thức ăn từ miệng được đưa xuống thực quản, qua tâm vị để vào dạ dày. Tại đây, dạ dày thực hiện nhiệm vụ nhào trộn thức ăn rồi chuyển xuống ruột xử lí tiếp. 

Khi thức ăn di chuyển ngược lại với con đường trên gọi là hiện tượng trào ngược. Trẻ bị trào ngược thức ăn từ dạ dày lên thực quản thì gọi là trào ngược axit. 

Ảnh 2.

Trào ngược dạ dày ở trẻ (Ảnh: Internet)

Trẻ bú mẹ thì tăng số lần cho bú, chỉnh sửa tư thế cho bú và sau khi bú xong thì bế trẻ đầu cao khoảng 10-15 phút rồi mới đặt nằm.

Sử dụng các sản phẩm sữa bột chứa tinh bột để làm tăng độ đặc và sánh đặc trong môi trường acid dạ dày có tác dụng hạn chế trào ngược.

Trẻ bắt đầu ăn bổ sung thêm tinh bột sẽ giảm dần hiện tượng trào ngược dạ dày .

Lưu ý: khi trẻ bị trớ trào ngược thì đặt trẻ nằm nghiêng một bên để tránh sặc.

Táo bón: Đây là hiện tượng trẻ đi ngoài ít hơn 2 lần 1 tuần; phân chậm thải ra ngoài, rắn và khô. Hiện tượng này xuất hiện khi trẻ bị ảnh hưởng bởi sữa mẹ, chế độ ăn uống không hợp lí hoặc do các yếu tố bên ngoài như: sợ bẩn, sợ mùi,...

Ảnh 3.

Xây dựng chế độ ăn hợp lí để tránh rối loạn chức năng tiêu hoá ở trẻ

Để khắc phục tình trạng táo bón ở trẻ, mẹ cần cải thiện chế độ ăn uống, xây dựng thực đơn lành mạnh và hợp lí, sử dụng các loại thực phẩm nhuận tràng như rau củ, khoai lang,... Việc thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày và uống đủ nước cũng giúp tránh hiện tượng rối loạn chức năng tiêu hoá ở trẻ.

Đau quặn bụng: Khi trẻ dưới 5 tuổi quấy khóc không phải do các nguyên nhân bệnh lí thì đây là biểu hiện của chứng rối loạn chức năng tiêu hoá. Việc quấy khóc có thể diễn ra trong nhiều ngày vào khoảng thời gian nhất định. Ngoài các khung giờ này, bé vẫn ăn ngủ và phát triển bình thường.

Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ - nguồn: Internet

Khi bé gặp phải tình trạng này, mẹ cần kiên nhẫn, đặt bụng bé sát bụng mẹ hoặc xoa bụng cho bé. Nếu hiện tượng quấy khóc không chấm dứt, cần đưa bé tới gặp bác sĩ chuyên khoa.

Theo PGS.BS. Đào Ngọc Diễn

Tác giả: Bùi Thảo Ngân