Khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với protein có trong thức ăn sẽ khiến cơ thể bị dị ứng. Tình trạng này có thể biểu hiện dưới nhiều triệu chứng và mức độ. Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi cũng dễ bị dị ứng hơn người lớn. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách làm thế để xử lý khi trẻ bị dị ứng thức ăn.
Khi hệ thống miễn dịch của trẻ phản ứng với dị nguyên có trong thức ăn, cơ thể sẽ biểu hiện ra bên ngoài với các triệu chứng đặc trưng. Tuy nhiên vì cần có thời gian để hình thành phản ứng miễn dịch nên ít khi trẻ bị dị ứng thức ăn ở lần đầu tiếp xúc.
Tình trạng này thường hay gặp ở những trẻ có cơ địa dị ứng (atopy). Nồng độ kháng thể IgE trong máu của những trẻ này cao hơn bình thường. Chúng thường xảy ra ở những trẻ có bố, mẹ hoặc anh chị có cơ địa dị ứng. Ngoài ra những trẻ mắc các bệnh viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa và mày đay hay hen phế quản cũng dễ bị dị ứng thức ăn hơn.
Những dị nguyên (allergen) có trong đồ ăn khi được hấp thụ vào máu sẽ gắn kết vào kháng thể IgE. Chúng kích thích tế bào bạch cầu và tế bào mast, từ đó giải phóng các chất như histamin, serotonin... gây các triệu chứng.
Như đã nhắc đến ở trên, các triệu chứng dị ứng có thể xảy ra từ vài phút đến vài giờ sau khi ăn với nhiều biểu hiện ở nhiều cơ quan trên cơ thể như:
- Nổi ban trên da. Các nốt ban đỏ và ngứa ở khu vực trong và quanh miệng hoặc toàn thân.
- Phù nề ở môi, quanh mắt hoặc toàn mặt.
- Buồn nôn, nôn.
- Đau bụng, đi ngoài phân lỏng.
- Ngứa mắt, ngứa mũi.
- Chảy nước mắt, chảy nước mũi, ngạt mũi.
- Một số trường hợp nặng sẽ xuất hiện các triệu chứng như phù thanh môn, co thắt phế quản như khó thở, thở rít, tụt huyết áp. Các triệu chứng tiến triển nhanh và nặng gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Ngoài ra, có một số triệu chứng muộn như viêm da cơ địa, đau bụng, đi ngoài phân lỏng hoặc phân nhầy máu sẽ xuất hiện vài ngày sau khi ăn đồ ăn có chứa dị nguyên.
Nếu trẻ chỉ bị dị ứng nhẹ, các bậc phụ huynh cần ngừng ngay thức ăn gây dị ứng. Bên cạnh đó cũng có thể dùng các loại thuốc kháng histamin để giảm bớt các phản ứng như giảm nổi mề đay, phát ban, ngứa, phù nề,…
Nếu các phản ứng trở nên nghiêm trọng, hãy ngừng ngay thức ăn gây dị ứng và đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời. Bác sĩ có thể sẽ sử dụng epinephrine tiêm tĩnh mạch. Sau đó sử dụng một trong 2 phương pháp: liệu pháp miễn dịch đường uống và Anti - IgE.
Ngoài ra, nguyên tắc điều trị dị ứng là phát hiện ra các dị nguyên, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để làm một số xét nghiệm nhằm xác định chính xác loại thức ăn mà trẻ dị ứng.
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa dị ứng khi bạn nghi ngờ con mình dị ứng với một loại thức ăn nào đó. Các bác sĩ sẽ thăm khám, hỏi bệnh và có thể thực hiện một số xét nghiệm chuyên khoa như làm test dị nguyên trên da của trẻ hoặc làm xét nghiệm máu để xác định một cách chắc chắn thức ăn mà trẻ bị dị ứng. Các bậc phụ huynh cần lưu ý không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần có sự chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa.
Để phòng tránh dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần lưu ý những điều sau đây:
- Thực hiện các xét nghiệm tìm dị nguyên và loại bỏ thức ăn gây dị ứng ra khỏi thực đơn của trẻ.
- Có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia và bác sĩ khi thêm thực đơn mới cho trẻ để tránh các dị ứng chéo có thể xảy ra.
- Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá và luôn giữ nhà cửa sạch sẽ.
- Nếu trẻ bị dị ứng với sữa bò có thể thay thế bằng sữa đậu nành, các loại sữa có nguồn gốc ngũ cốc hoặc sữa công thức dành riêng cho trẻ bị dị ứng.
- Đọc kỹ càng thành phần trước khi cho trẻ sử dụng thực phẩm đóng hộp hoặc thực phẩm được chế biến sẵn.