Làm gì khi bị nhiễm viêm gan siêu vi B và cách tránh lây nhiễm hiệu quả?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Làm gì khi bị nhiễm viêm gan siêu vi B và cách phòng tránh lây nhiễm cho những người xung quanh là một vấn đề hết sức được quan tâm. Viêm gan siêu vi B là căn bệnh rất nguy hiểm nhưng có rất nhiều người vẫn chủ quan với căn bệnh này.

Việt Nam nằm trong vùng có tỷ lệ lây nhiễm Siêu gan vi B cao. Có 10 - 20% người bị viêm gan siêu vi B tiến triển thành xơ gan và ung thư gan nếu không được điều trị sớm. Siêu gan vi B là căn bệnh rất nguy hiểm nhưng có rất nhiều người vẫn chủ quan với căn bệnh này. Dưới đây là một số thông tin về bệnh viêm gan siêu vi B.

1. Tác nhân gây bệnh

Theo bác sĩ Trần Ánh Tuyết, Giám đốc y khoa Phòng khám đa khoa quốc tế Yersin (TP.HCM), "viêm gan siêu vi B do một loại siêu vi nhỏ mang ADN thuộc họ Hepadnaviridae gây ra. Bản thân siêu vi không trực tiếp làm tổn thương tế bào gan mà do hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện các tế bào gan đã bị nhiễm và tấn công phá hủy tế bào này gây tổn thương gan. Khi tiến trình này tiếp diễn trong thời gian dài, mô gan bị tổn thương sẽ thành mô sẹo có thể dẫn đến xơ gan và suy gan, thậm chí ung thư gan".

Bác sĩ Tuyết cũng cho biết siêu vi viêm gan B lưu hành trong máu có thể lây nhiễm qua các đường sau: Mẹ lây truyền cho con trong quá trình chuyển dạ, đây là đường lây truyền quan trọng nhất; đường tình dục: siêu vi viêm gan B có thể lây qua hoạt động tình dục đồng giới hoặc khác giới; đường máu: siêu vi viêm gan B lây nhiễm khi truyền máu hoặc chế phẩm của máu có nhiễm siêu vi; khi tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân viêm gan B; dùng kim tiêm có nhiễm siêu vi; xăm mình, châm cứu, xỏ lỗ tai với dụng cụ không được khử trùng đúng cách.

Viêm gan siêu vi B có nhiều biểu hiện triệu chứng khác nhau, tùy theo tình trạng và giai đoạn bệnh. Viêm gan siêu vi B cấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tiêu diệt siêu vi ồ ạt, cuộc chiến này làm tế bào gan bị hư hại nhiều. 

Người bệnh sẽ có biểu hiện giống như cảm cúm, thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, ói mửa, sụt cân, ăn kém ngon, ngứa khắp người. Có thể nặng hơn với triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, đau bụng, đau khớp, đau cơ, nước tiểu có màu vàng sậm, và nếu rơi vào viêm gan tối cấp có thể bị tử vong.

Viêm gan siêu vi B mãn tính do hệ thống miễn dịch của cơ thể không đủ mạnh nên bệnh sẽ dai dẳng nhiều năm. 

Bệnh nhân mắc viêm gan siêu vi B  hầu như không có triệu chứng, người bệnh luôn cảm thấy sức khỏe bình thường hoặc đôi khi có mệt mỏi, chán ăn thoáng qua và cuối cùng dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như xơ gan, và các biến chứng như có nước trong ổ bụng thường gọi là cổ chướng, chảy máu đường tiêu hóa, ung thư gan.

2. Làm gì khi bị nhiễm?

Khi phát hiện mình bị nhiễm siêu vi viêm gan B, người bị nhiễm siêu vi cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám, theo dõi và điều trị lâu dài nhằm tránh diễn tiến xơ gan và ung thư gan, bác sĩ Ánh Tuyết khuyến cáo.

 Cần lưu ý không phải tất cả các trường hợp nhiễm siêu vi viêm gan B đều cần thiết điều trị với thuốc kháng siêu vi. Việc điều trị cần được đánh giá kỹ lưỡng bởi bác sĩ chuyên khoa về mức độ sao chép của siêu vi, tình trạng tổn thương của tế bào gan, lứa tuổi.

Người bị nhiễm viêm gan siêu vi B có thể thay đổi lối sống để kiểm soát được viêm gan B. Thay đổi lối sống bao gồm thay đổi ăn uống, sinh hoạt, bỏ các thói quen xấu. Chế độ ăn tốt nhất chỉ chứa vừa đủ chất dinh dưỡng và năng lượng thiết yếu. 

Không nên kiêng khem quá mức mà cần cân đối, bữa ăn, đa dạng các nhóm thực phẩm đảm bảo đủ chất đạm, hạn chế chất béo, giảm muối, uống nhiều nước. Duy trì tập thể dục thường xuyên để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Hoạt động nhẹ nhàng vừa sức để đảm bảo cho hệ miễn dịch vẫn hoạt động tốt mà không bị yếu đi. 

Người nhiễm viêm gan siêu vi B có thể đi bộ, tập bơi, yoga hoặc dưỡng sinh để đảm bảo sức khỏe. Uống rượu và hút thuốc lá là 2 việc tối kị với bệnh nhân nhiêm viêm gan siêu vi B, uống rượu và hút thuốc lá làm bệnh nặng hơn, có thễ dẫn đến xơ gan, ung thư gan. 

Bác sĩ Ánh Tuyết khuyến cáo bệnh nhân cần thận trọng khi điều trị với các thuốc và các loại thảo mộc vì một số các chất này được chuyển hóa tại gan, nếu sử dụng sẽ làm tăng gánh nặng cho gan. 

Cần lưu ý các thuốc kháng viêm không chứa steroid, acetaminophen và các thuốc từ thảo mộc có thể gây độc cho gan, vì vậy cần hỏi ý kiến của bác sĩ.

Theo bác sĩ Ánh Tuyết Siêu vi viêm gan B khó có thể loại bỏ hoàn toàn ở người bị viêm gan B mãn tính. Tuy vậy, mục đích điều trị bệnh là kiểm soát được siêu vi nhằm ngăn ngừa các biến chứng, phục hồi tổn thương gan, giảm nguy cơ diễn tiến xơ gan và ung thư gan.

3. Tránh lây nhiễm cho người khác

Trong gia đình nếu phát hiện có người nhiễm viêm gan siêu vi B trước hết những người thân trong gia đình như cha mẹ, anh em ruột, vợ chồng, con cái cần được xét nghiệm để tầm soát có bị nhiễm siêu vi viêm gan B không. Tốt nhất nên được chủng ngừa vắc xin cho những người chưa bị mắc bệnh.  

Người mang mầm bệnh cần có ngay các biện pháp đề phòng như không dùng chung các vật dụng cá nhân có nguy cơ lây nhiễm như: bàn chải đánh răng, dao cạo râu, dụng cụ cắt móng tay...; tránh làm vây máu khi bị vết thương, hay lau sạch máu bằng thuốc sát trùng. Nên sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục.

Phụ nữ mang thai có nhiễm siêu vi viêm gan B với HBe dương tính có nguy cơ lây nhiễm cho trẻ khi sinh là 90%, vì vậy cần phải được xét nghiệm HBsAg khi có thai và nếu bà mẹ bị nhiễm cần được đến bác sĩ chuyên khoa tư vấn điều trị phòng ngừa lây nhiễm và chích ngừa cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.

Khi bị nhiễm siêu vi viêm gan B, bệnh nhân có thể sẽ mang tâm trạng lo lắng nhiều, thường bị áp lực về tâm lý. Vì vậy tốt nhất nên được gặp bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn kế hoạch theo dõi chọn lựa cách điều trị nào tốt nhất để bảo vệ gan, bác sĩ Ánh Tuyết khuyên. 


Tác giả: Trần Thị Mai Hương