Làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?

Làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?
Bạn không thể tránh được ngộ độc thực phẩm, nhưng vẫn có thể phòng ngừa nó quay lại lần thứ hai. Nguồn bệnh có thể đến từ nước, vì vậy nếu cảm thấy không an toàn, bạn hãy sử dụng nước đóng chai và nên rửa tay thật kỹ sau khi đi vệ sinh.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, ngộ độc thực phẩm với triệu chứng tiêu chảy và nôn mửa ảnh hưởng từ 30 – 70% khách du lịch mỗi năm. Ngộ độc có thể đến từ thực phẩm địa phương hoặc từ nguồn nước bị ô nhiễm bởi vi khuẩn, virus và ký sinh trùng. Bệnh có thể kéo dài từ vài giờ cho đến vài ngày.

Dưới đây là một số cách đơn giản bạn có thể làm để tự chữa trị ngộ độc thực phẩm trong thời gian đi du lịch, nhờ đó giúp bạn nhanh chóng khỏe lại để có thể tận hưởng kỳ nghỉ của mình.

Uống nhiều nước

Tiêu chảy và nôn mửa khiến cơ thể bạn mất rất nhiều nước, do đó, bạn cần phải bổ sung chúng ngay lập tức. Hãy uống thật nhiều nước lọc, hoặc nước điện giải, uống từng ngụm nhỏ và liên tục trong ngày. Uống nước canh cũng là một cách để bạn bù lại nước và dinh dưỡng cho cơ thể, nhưng vì đang bị ngộ độc nên bạn càng phải cẩn thận hơn, nên chọn món canh ít chất béo, ít gia vị.

Ảnh 1.

Trong trường hợp bạn không thể hấp thụ được nước, hãy đến bác sĩ để bổ sung nước qua đường truyền tĩnh mạch.

Bổ sung chất lỏng tăng cường chất điện giải

Tình trạng nôn mửa có thể gây mất cân bằng điện giải trong cơ thể, chính vì vậy, bạn cũng cần phải bổ sung chúng. Nếu không sẵn có Oresol, nước dừa và nước uống thể thao là lựa chọn tốt cho những người đang đi du lịch mà bị ngộ độc thực phẩm. Bạn cũng có thể tự chế Oresol bằng cách pha nửa muỗng cafe muối, nửa muỗng baking soda và 4 muỗng canh đường vào 1 lít nước.

Ảnh 2.

Ăn thức ăn mềm

Theo Mayo Clinic, khi bạn đã giảm tần suất nôn và thấy đói trở lại, hãy ăn những món nhạt, ít chất béo và dễ tiêu hóa như cháo, chuối, bánh mì mềm, cơm và rau củ nấu mềm. Những thực phẩm này dễ tiêu hóa và có rất ít nguy cơ gây kích ứng dạ dày.

Ảnh 3.

Tránh những thức ăn có khả năng gây kích ứng dạ dày

Khi bụng dạ chưa được khỏe, bạn nên tuyệt đối tránh những thực phẩm như sữa, cà phê, trà, bia rượu, món cay nóng và đồ ăn vặt nhiều chất béo. Những loại thực phẩm này dễ gây kích ứng dạ dày trở lại và khiến tình trạng khó chịu, nôn mửa của bạn thêm trầm trọng.

Sử dụng thuốc cầm tiêu chảy

Nếu như bị tiêu chảy nặng, bạn nên tìm kiếm một hiệu thuốc trong khu vực và mua thuốc cầm tiêu chảy như Loperamide. Những loại thuốc này tương đối phổ thông, dễ sử dụng và cũng không cần phải theo đơn của bác sĩ, bạn chỉ cần phải tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì.

Ảnh 4.

Đến bệnh viện

Tiêu chảy có thể tự điều trị, nhưng một khi đã có những triệu chứng như có máu trong phân hoặc chất nôn, tiêu chảy quá ba ngày, bị chuột rút, chóng mặt, khô miệng, choáng váng thì bạn nên đến ngay bệnh viện gần nhất.

Ảnh 5.

Phòng ngừa ngộ độc trở lại

Bạn không thể tránh được ngộ độc thực phẩm, nhưng vẫn có thể phòng ngừa nó quay lại lần thứ hai. Nguồn bệnh có thể đến từ nước, vì vậy nếu cảm thấy không an toàn, bạn hãy sử dụng nước đóng chai và nên rửa tay thật kỹ sau khi đi vệ sinh. Tránh ăn những món chưa được nấu chín, rửa sạch hoa quả trước khi ăn, ăn thức ăn mềm và bổ sung lợi khuẩn Probiotics là những cách giúp đường tiêu hóa của bạn dần dần phục hồi.

Tác giả: Minh Hồng