Năm 1928, kháng sinh được phát minh giúp điều trị các bệnh nhiễm trùng và chính thức được thương mại hóa vào những năm 40 của thế kỷ XX. Đây là một thành tựu y học có ý nghĩa to lớn trong lịch sử loài người. Trước khi thuốc kháng sinh ra đời, những trường hợp nhiễm trùng chủ yếu được điều trị dựa trên kinh nghiệm dân gian.
Thuốc kháng sinh có vai trò ức chế quá trình tổng hợp vi khuẩn của các nhóm vi khuẩn, giúp giảm khả năng sản sinh các mảng tế bào của vi khuẩn gây bệnh, đồng thời ức chế quá trình tổng hợp protein, acid nucleic của vi khuẩn khiến chúng không thể phát triển. Theo đó, trong suốt gần một thế kỷ qua, đã có rất nhiều những loại kháng sinh được điều chế để điều trị các loại bệnh.
Kháng sinh và tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh là gì? (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh đã làm ảnh hưởng rất nhiều tới hiệu quả điều trị bệnh. Đây là diễn biến tự nhiên khi các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng thích ứng các loại thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn và khiến các loại thuốc này không còn hiệu quả trong điều trị bệnh.
Thực tế, không ít thuốc kháng sinh từ trước đến nay là cứu tinh của người bệnh, nhưng ngày nay đã không còn công hiệu trong việc chữa trị bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 400.000 người trên thế giới tử vong mỗi năm do nhiễm khuẩn nhưng không thể điều trị bằng kháng sinh.
Lạm dụng thuốc kháng sinh đang ngày một trở nên phổ biến (Ảnh: Internet)
Theo kết quả thống kê, có tới 82,5% bệnh nhân ở Mỹ được kê sử dụng kháng sinh và tiêu tốn khoảng 9 tỷ USD để mua thuốc kháng sinh. Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính, có tới 30% số đơn kháng sinh kê cho bệnh nhân ngoại trú là không cần thiết. Chi phí cho các đơn thuốc kháng sinh không cần thiết trên lên tới 3 tỷ USD.
Tác hại của lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài là gây hại cho các loại vi khuẩn có lợi cho cơ thể. Thực tế, kháng sinh có phổ rộng tiêu diệt cả vi khuẩn xấu và tốt. Do đó, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt cả các loại lợi khuẩn, đặc biệt là lợi khuẩn đường ruột, gây ra tình trạng mất cân bằng.
Đây là điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn xấu hoành hành, làm cho các chứng bệnh nghiêm trọng hơn, sinh ra các loại bệnh mãn tính và làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc kháng sinh.
Lạm dụng thuốc kháng sinh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự miễn (Ảnh: Internet)
Khi hệ miễn dịch của cơ thể không làm đúng chức năng, các bệnh tự miễn sẽ xuất hiện. Hệ miễn dịch lại rất dễ bị tổn thương và mất cân bằng khi thường xuyên sử dụng các loại thuốc kháng sinh. Khi đó, hệ miễn dịch sẽ nhắm nhầm mục tiêu, tấn công lại chính cơ thể và gây ra các bệnh tự miễn như như bệnh Crohn, bệnh Celiac.
Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, đặc biệt là trong thời gian đầu đời có thể làm tăng nguy cơ gây bệnh hen suyễn, bệnh viêm mũi màng kết (rhinoconjunctivitis) và eczema ở trẻ nhỏ trong độ tuổi đến trường.
Nhiều loại kháng sinh có khả năng gây tổn hại đến mô gan và làm cho các chỉ số xét nghiệm chức năng gan như AST và ALT tăng vọt. Tiêu biểu là Azithromycin - loại thuốc kháng sinh được dùng phổ biến nhưng lại là "kẻ thù" của gan.
Tổn thương gan là tác hại của việc lạm dụng thuốc kháng sinh (Ảnh: Internet)
Các chuyên gia khuyến cáo, sau khi điều trị bằng kháng sinh 2 tuần, nên tiến hành các xét nghiệm kiểm tra chức năng gan để phát hiện những bất thường.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Phần Lan, lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài có thể làm tăng 1.5 lần nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, buồng trứng, phổi, thận, ruột kết và các bệnh nội tiết, da, tuyến giáp.
Tự ý sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể làm tác hại của việc lạm dụng thuốc kháng sinh ảnh hưởng tới cả cộng đồng. Khi vi khuẩn, virus gây bệnh đã tìm ra cách để tự bảo vệ mình, chúng sẽ biến thể thành các dạng mà kháng sinh thông thường không thể tiêu diệt được và sinh sôi nhanh chóng.
Lạm dụng thuốc kháng sinh có thể tạo ra siêu vi khuẩn (Ảnh: Internet)
Thực tế, nhiều loại vi khuẩn đã không còn đáp ứng điều trị với các loại kháng sinh thông thường như: hiện tượng gia tăng khuẩn MRSA (Methicillin-resistant Staphylococcus aureus, tụ cầu vàng kháng Methicillin), vi khuẩn gây nhiễm trùng "staph", chủng kí sinh trùng sốt rét ở Đông Nam Á,...
Tác hại của việc lạm dụng thuốc kháng sinh là rất lớn, không chỉ đối với cá nhân mà còn ảnh hưởng tới cả cộng đồng. Do đó, để hạn chế tình trạng này và hạn chế các nguy cơ, cần bắt đầu từ việc thay đổi hành vi.