Theo Sohu đưa tin, mới đây Bệnh viện Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) vừa tiếp nhận một ca bệnh là nữ giới bị huyết áp cao trong nhiều năm và được chỉ định phải sử dụng thuốc hạ huyết áp để kiểm soát. Nữ bệnh nhân này cũng cực kì chú ý tới sức khỏe, không chỉ ăn uống điều độ mà còn có thói quen sử dụng thêm nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe như thuốc bổ sung khác nhau để cải thiện sức khỏe với niềm tin rằng những loại thuốc này có thể giúp kéo dài tuổi thọ.
Tuy nhiên, cách đây một thời gian, cô luôn có các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy và nôn mửa. Đinh ninh rằng hệ tiêu hóa có vấn đề, cô tiếp tục uống thuốc bồi bổ lá lách và dạ dày với mong muốn nhanh chóng cải thiện bệnh.
Nhưng, sau khi uống thuốc không những không giúp giảm nhẹ triệu chứng mà còn nghiêm trọng hơn. Sau khi tới bệnh viện thăm khám, bác sĩ đã chỉ ra rằng, do sử dụng amoxicillin lâu ngày nên bệnh nhân gặp phải các triệu chứng khó chịu tại đường tiêu hóa, đồng thời đề nghị sau khi về nhà cô không nên tự tiện uống thuốc nữa.
Thực tế là rất nhiều người có thói quen lạm dụng thuốc chữa bệnh và các thực phẩm bổ sung tăng cường sức khỏe mà không có hướng dẫn hay yêu cầu từ bác sĩ dẫn tới các tác dụng phụ không mong muốn tới sức khỏe, nghiêm trọng hơn là có thể gây suy giảm hệ miễn dịch. Theo thời gian, điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh và kéo dài thời gian hồi phục.
Đọc thêm:
- Uống thuốc kiêng ăn gì để tránh giảm tác dụng?
- Một số thói quen trước khi ngủ giúp tăng cường khả năng miễn dịch
Dưới đây là 5 loại thuốc không nên lạm dụng dùng trong thời gian dài, trừ khi được bác sĩ cho phép, theo Sohu:
Thuốc an thần và thuốc ngủ thuộc nhóm thuốc kê đơn đều gây ức chế hệ thần kinh trung ương, nhằm tạo ra cảm giác thư giãn.
Trong đó, thuốc an thần thường được chỉ định để hỗ trợ điều trị các vấn đề liên quan tới chức năng hệ thần kinh, hỗ trợ điều hòa tâm trạng (hưng phấn, căng thẳng,...), hỗ trợ điều trị rối loạn giấc ngủ. Còn thuốc ngủ có mục đích chính là đưa cơ thể nhanh chóng chìm vào giấc ngủ nên thường được chỉ định trong các trường hợp gặp vấn đề về rối loạn giấc ngủ, có thể kể đến như: Khó ngủ, mất ngủ, bị mộng du,...
Tuy nhiên nếu sử dụng thuốc này lâu dài có thể gây ảnh hưởng tới chức năng nhận thức, lệ thuộc vào thuốc cả về thể chất và tâm lý. thậm chí còn có thể tương tác với các thuốc khác, dẫn tới các phản ứng bất lợi.
Thuốc kháng khuẩn được sử dụng để ức chế và tiêu diệt vi khuẩn trong các trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn hay được kết hợp trong việc điều trị một số loại bệnh khác. Tuy nhiên, việc uống thuốc kháng khuẩn không đúng đơn, có thể gây mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.
Hơn nữa, lạm dụng uống kéo dài làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh, khiến việc điều trị trong tương lai gặp khó khăn hơn, thời gian hồi phục cũng lâu hơn.
Các loại corticoid thường gặp trong thành phần của thuốc là: hydrocortisone, prednisolone, prednisone, methylprednisolone, triamcinolone, fluticasone, beclomethasone, betamethasone, dexamethasone, clobetasone, budesonide...
Đây là nhóm thuốc được sử dụng trong nhiều bệnh lý khác nhau với mục đích chống viêm, chống dị ứng như bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh viêm ruột, bệnh Lupus, bệnh đa xơ cứng,... bằng cách hoạt động như các hormone steroid tự nhiên trong cơ thể bạn.
Nhưng corticosteroid có thể có tác dụng ức chế miễn dịch. Corticosteroid làm giảm lượng tế bào và enzyme (hóa chất) của hệ thống miễn dịch mà cơ thể bạn tạo ra. Điều này có thể làm cho hệ miễn dịch của bạn kém hoạt động và phản ứng hơn. Điều này hữu ích trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như sau khi được ghép tạng. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là bạn có nhiều khả năng bị nhiễm trùng hơn. Nguy cơ suy giảm miễn dịch dường như tăng lên khi dùng liều cao hơn và trong thời gian dài.
Nếu sử dụng thuốc trong 1 - 2 tuần thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng, những tác dụng đó có thể là: Kích ứng dạ dày, ăn ngon miệng hơn, khó ngủ.
Thuốc corticoid có tác dụng nhanh. Chính vì điều này nên nhiều người có thói quen lạm dụng thuốc corticoid dẫn tới các tác dụng phụ nặng nề vì uống không đúng cách, bao gồm: Loãng xương, tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng huyết áp, tăng đường huyết, tăng nguy cơ bị loét dạ dày - tá tràng, nguy cơ bị đục thủy tinh thể hoặc các bệnh tăng nhãn áp, da mỏng hơn, da dễ bị bầm tím, các vết thương chậm lành hơn, trẻ chậm lớn, hội chứng Cushing,...
Thuốc trị ho với mục đích làm dịu họng, giúp giảm ho trong các bệnh lý đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Có nhiều loại thuốc ho, bao gồm: Thuốc kháng histamin (clemastine, chlorpheniramine và dùng kèm theo thuốc thông mũi pseudoephedrine), thuốc ho long đờm (guaifenesin), thuốc giảm ho (ức chế phản xạ ho như dextromethorphan),...
Lạm dụng thuốc ho kéo dài có thể khiến tình trạng bệnh bị "che giấu" dẫn tới chậm trễ việc chẩn đoán và điều trị đúng bệnh. Hơn nữa, uống thuốc ho khi không cần thiết, không đúng độ tuổi, không đúng liều lượng cũng làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ của thuốc trị ho, chẳng hạn như ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương (gây nghiện), kích ứng dạ dày, khô miệng, chán ăn, táo bón, tăng huyết áp, ứ trệ đờm rãi,...
Các thuốc kháng histamin là chất đối kháng cạnh tranh với histamin tại thụ thể tương ứng. Thuốc kháng histamin được sử dụng trong nhiều trường hợp như dị ứng da, viêm mũi dị ứng, hen suyễn và các bệnh lý khác.
Nhưng thuốc kháng histamin không thể giúp cơ thể loại bỏ chất gây dị ứng. Sử dụng thuốc kháng histamin lâu dài, đặc biệt sử dụng không đúng mục đích có thể dẫn tới giảm tiết dịch nhầy đường hô hấp và các chất tiết này bị ứ đọng lại trong đường hô hấp, khó tống ra ngoài hơn.
Điều này không có nghĩa là bạn không nên sử dụng thuốc thuộc các nhóm kể trên hay tự ý giảm liều lượng thuốc, bỏ thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ - điều này sẽ khiến triệu chứng và tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn, kéo dài thời gian chữa trị. Một lần nữa nhấn mạnhrằng, nguyên tắc quan trọng khi uống thuốc chữa bệnh là dùng thuốc đúng phác đồ điều trị, đúng đơn thuốc được kê.
Với thuốc không kê đơn, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc để tránh sử dụng quá liều. Nếu có bất kì băn khoăn gì về thuốc uống, hãy nói chuyện thêm với bác sĩ để được giải thích cụ thể, bao gồm cả các tác dụng phụ có thể gặp.
Người có hệ miễn dịch suy giảm thường có các dấu hiệu sau:
- Mệt mỏi và suy nhược về thể chất: Công việc của hệ miễn dịch của con người đòi hỏi một lượng lớn năng lượng từ cơ thể. Một khi khả năng miễn dịch suy yếu, cơ thể có thể trở nên mệt mỏi và yếu đuối, thậm chí việc thực hiện các sinh hoạt thường ngày cũng trở nên khó khăn hơn.
- Dễ nhiễm trùng hơn: Khi khả năng miễn dịch của cơ thể yếu đi, mầm bệnh dễ dàng xâm nhập, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng thường xuyên.
- Dễ bị dị ứng: Người có hệ miễn dịch mạnh có khả năng phân biệt tốt hơn giữa những tác nhân tự thân và tác nhân xâm nhập nên có ít nguy cơ bị dị ứng hơn. Ngược lại, những người có khả năng miễn dịch kém cũng dễ bị dị ứng hơn.
Để tăng cường và bảo vệ hệ miễn dịch của cơ thể, Phó giám đốc Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng của Bệnh viện Đại học Liên minh Bắc Kinh cho biết, cơ thể con người có 3 hàng rào phòng thủ tác nhân gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài bao gồm:
- Lớp đầu tiên là da và lớp niêm mạc cơ thể: Có khả năng chống lại sự xâm nhập của hơn 90% vi khuẩn, virus gây bệnh từ bên ngoài.
- Lớp thứ hai là màng nhầy và tế bào đại thực bào (của tế bào bạch cầu): Giúp bao quanh mầm bệnh và tiêu diệt.
- Lớp thứ ba là kháng thể: Khi tế bào lympho B phát hiện ra kháng nguyên, chúng bắt đầu tiết ra kháng thể. Kháng thể là các protein đặc biệt để khóa lại các kháng nguyên để đại thực bào tiêu diệt.
Hệ miễn dịch mạnh mẽ là vũ khí lợi hại nhất để chống lại các mầm bệnh. Để cải thiện và bảo vệ hệ miễn dịch, bạn cần có chế độ ăn giàu protein, ngủ đủ giấc, chú ý đa dạng dinh dưỡng để nhận các vitamin và khoáng chất cần thiết, học cách quản lý căng thẳng và duy trì thói quen vận động thường xuyên. Nếu có ý định bổ sung vitamin và khoáng chất từ thuốc bổ sung, hãy nói chuyện với bác sĩ để kiểm tra trước.
Nguồn dịch tham khảo:
1. 不宜长期服用的5类常用药,或会破坏身体免疫力,很多人都不知道
2. What Types of Medications Can Weaken Your Immune System?