Phế quản là một phần của hệ hô hấp được chia thành phế quản chính phải và phế quản chính trái, bắt đầu từ nơi phân chia ngang mức đốt sống ngực 4, 5. Hai phế quản chính tạo với nhau một góc 70 độ.
Phế quản chính phải thường to hơn, ngắn hơn, dốc hơn nên thường dị vật lọt vào phổi phải và dễ bị nhiễm trùng hơn. Sau các phế quản chính là các tiểu phế quản, phế quản tận cùng nối với phế nang.
Phế quản có nhiệm vụ dẫn khí vào phổi vừa là đường ra của khí thải từ phổi tức là đưa không khí lưu thông từ ngoài vào phế nang và ngược lại. Đặc điểm của phế nang là có vô số mao mạch nhỏ li ti tạo thành một mạng lưới dày đặc làm nhiệm vụ trao đổi khí.
Cùng với các mạch máu là các dây thần kinh có chức năng điều khiển các cơ trơn phế quản làm cho phế quản co thắt lại hoặc giãn ra. Toàn bộ mặt trong của phế nang và các phế quản có niêm mạc được bao phủ bằng lớp nhung mao rất mịn luôn rung chuyển nhằm đưa các dị vật lọt vào ra ngoài.
Viêm phế quản mạn tính ở NCT rất đa dạng, thêm vào đó là do sức đề kháng giảm, vì vậy, các tác nhân gây bệnh có cơ hội phát triển dễ dàng hơn.
Thực ra, cho đến nay chưa xác định được nguyên nhân chắc chắn gây viêm hế quản mạn tính, tuy vậy, có những yếu tố nguy cơ đã được xác nhận, đó là, do tuổi tác. Tuổi càng cao, đa số sức đề kháng càng giảm, trong khi đó vai trò gây bệnh của vi sinh vật luôn rình rập.
Đó là những người sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm, nhà ở chật chội, thiếu ánh sáng, đông người, nhất là người có tuổi cao khi mắc bệnh viêm phế quản mạn tính rất dễ tái phát.
Hoặc luôn luôn tiếp xúc với khói, bụi (khói bếp, bụi than, bụi đường, bụi của các khu công nghiệp chế biến...).
Đó là, sự dinh dưỡng không đầy đủ, hút thuốc, nghiện rượu, bia, đang mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên mạn tính (viêm mũi, viêm họng, viêm xoang…) hoặc bệnh mạn tính của đường hô hấp dưới (hen suyễn, giãn phế quản, khí phế thũng…) không được chữa trị đến nơi đến chốn.
Viêm phế quản mạn tính còn liên quan mật thiết đến hút thuốc (thuốc lá, thuốc lào), do tác động của khói thuốc, và các chất độc trong khói thuốc làm cho phế quản luôn luôn bị tổn thương khó hồi phục.
Đặc điểm của viêm phế quản mạn tính
Được gọi là viêm phế quản mạn tính khi người bệnh có biểu hiện ho, khó thở và khạc ra đờm (nhầy, mủ) tối thiểu ba tháng liên tục trong một năm, kéo dài trong hai năm liên tiếp.
Viêm phế quản mạn tính thường có ho, khạc đờm nhầy hoặc mủ và khó thở. Giai đoạn đầu, người bệnh ho và khạc ra đờm vào buổi sáng.
Ho thường xảy ra từng đợt, nhất là khi thời tiết thay đổi (nóng, lạnh đột ngột, chuyển mùa từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại), mỗi đợt kéo dài từ một tuần đến vài tuần, mỗi năm có khi xảy ra ho đến 5 - 6 lần. Tính chất của đờm thường có màu trắng, lỏng hoặc đặc quánh, đôi khi có bọt.
Bệnh càng kéo dài, gây ho càng nhiều, đờm ngày càng đặc hơn và đổi màu (thường là màu vàng). Khối lượng đờm do ho, khạc ra trong một ngày/đêm có khi lên tới 100ml hoặc hơn thế nữa. Những tháng sau, năm sau ho ngày càng tăng lên và số lượng đờm cũng tăng dần lên và bệnh cũng càng nặng hơn.
Mỗi đợt ho sẽ kéo dài hơn vài tuần và số lần ho cũng tăng lên một cách đáng kể. Ở giai đoạn muộn hơn có khó thở.
Lúc đầu người bệnh chỉ mới cảm thấy nặng ngực, dần dần là khó thở thực sự làm cho người bệnh luôn thiếu dưỡng khí gây nên mệt mỏi, sụt cân, ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác của cơ thể, nhất là hệ tuần hoàn và hệ thần kinh trung ương (tim đập nhanh, mệt mỏi, buồn ngủ…).
Đó là bệnh gây nên rối loạn hô hấp, tuần hoàn và ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Bệnh rất dễ tái phát nhất là mỗi lần thời tiết chuyển mùa, nóng lạnh đột ngột, ẩm ướt, mưa nhiều…
Viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi thường có 2 loại: loại lành tính và loại ác tính. Loại lành tính chỉ xảy ra ở phần thân của các phế quản lớn (khí quản, phế quản gốc, thùy và phân thùy) nếu hiện tượng viêm nhẹ, ít khi gây suy hô hấp, loại viêm phế quản mạn lành tính chiếm tỉ lệ cao nhất (khoảng 90%).
Loại ác tính chiếm tỉ lệ thấp hơn rất nhiều (khoảng 10%) thường xảy ra ở các tiểu phế quản và nhưng gây nên hội chứng tắc nghẽn đường hô hấp dẫn đến suy thở và rất dễ dẫn đến tâm phế mạn.
Tập thể dục thường xuyên để điều hòa nhịp thở
Để phòng tái phát bệnh viêm phế quản mạn tính, nhà ở cần thông thoáng để tránh hiện tượng khói bếp ứ đọng nhiều giờ, không khí luôn được lưu thông. Cần cải thiện môi trường sống từ nhà ở cho đến môi trường xung quanh, làm sao để sạch nhà, sạch đường, sạch phố.
Nếu chưa có điều kiện dùng bếp ga, bếp điện, bếp từ, cần cải thiện việc dùng bếp than, củi, rơm rạ bằng cách dùng loại bếp ít khói.
Người nghiện thuốc cần phải bỏ càng sớm càng tốt. Cần tập thể dục thường xuyên để điều hòa nhịp thở như: hít thở, đi bộ. Tránh lạnh đột ngột, khi thời tiết chuyển mùa, nhất mưa nhiều, lạnh cần giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ, ngực.