Lá lốt (miền Nam gọi là lá lốp) là cây thân thảo đa niên, có tên khoa học Piper sarmentosum, thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae, bao gồm các loài như trầu không, hồ tiêu). Cây lá lốt thường mọc ở những vùng tự nhiên, đất ẩm ướt.
Lá lốt không chỉ là gia vị cho các món ăn thơm ngon mà còn được biết đến là vị thuốc tốt cho sức khỏe.
Đau nhức xương khớp là tên gọi chỉ chung tình trạng xương/khớp bị đau nhức, tê buốt hay cứng khớp,... Tình trạng này thường gặp ở cổ tay, cổ chân, các khớp ngón tay, đầu gối,... Mức độ đau nhức xương khớp từ nhẹ tới nặng, phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra là do bệnh lý hay chỉ do không giữ ấm đúng cách.
Về chứng đau nhức xương khớp khi trời lạnh thì cả Y học cổ truyền và Y học hiện đại đều có những cách giải thích khác nhau:
- Theo Y học cổ truyền thì yếu tố hàn thấp (lạnh ẩm) sau khi xâm nhập tới cơ thể sẽ gây nên những chứng bệnh liên quan tới đường hô hấp và hệ xương - khớp, đặc biệt là đối với người già.
- Theo Y học hiện đại giải thích thì: khi thời tiết trở lạnh không khí ẩm thấp sẽ tiếp xúc và đi vào cơ thể thông qua các lỗ chân lông ở da. Khí lạnh này khiến các mạch máu bị co lại, lúc này lượng máu được đem đi nuôi dưỡng xương/khớp, nuôi dưỡng các bao hoạt dịch hay sụn khớp bị giảm lại, từ đó gây ra các cơn đau nhức.
Điều này cần đặc biệt lưu ý đối với người cao tuổi. Ở người cao tuổi mạch máu đã không còn đàn hồi tốt nên rất dễ bị tác động bởi nguyên do thời tiết. Hơn nữa do dịch khớp bị suy giảm nên các hoạt động của xương khớp sẽ gặp trở ngại lớn. Chính vì thế mà những cơn đau cũng dễ gặp hơn.
Y học hiện đại cũng cho biết rằng, thực chất cảm giác bị đau nhức xương khớp chính là do bệnh lý gây ra. Cơn đau đến từ những tổn thương hay viêm tại vùng khớp và tại bao hoạt dịch. Còn yếu tố về thời tiết, về trời lạnh hay ẩm thấp chỉ là một yếu tố khởi phát của bệnh, làm rõ hơn các biểu hiện hay tăng thêm về tần suất cơn đau.
Nhiều bài thuốc dân gian truyền miệng liên quan tới lá lốt giúp chữa đau nhức xương khớp nói chung và khi trời lạnh nói riêng. Lá lốt có vị nồng nhẹ và thơm rất đặc trưng, theo Đông Y, đây là cây có tính ấm, vị cay thích hợp để chống hàn.
Còn theo Y học hiện đại thì lá lốt có beta-caryophylen và benzyl axetat nên có tính kháng khuẩn giúp hỗ trợ chống viêm và giảm đau, trong đó có đau nhức xương khớp.
Theo TS. bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Đức Quang chia sẻ, có một số bài thuốc lá lốt trong đau nhức xương khớp, tay chân như sau:
- Bài thuốc 1
+ Chuẩn bị: lá lốt, rễ bưởi bung, rễ cây vòi voi, rễ cỏ xước (tất cả là nguyên liệu tươi).
+ Thực hiện: Đem tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị rửa sạch, đem thái mỏng rồi sao vàng. Sau đó lấy 15g khô mỗi vị đem sắc với 600ml nước, đun tới khi hỗn hợp cô đặc lại còn khoảng 200ml thì đem uống. Chia làm 3 lần trong ngày. Uống liên tục trong 7 ngày.
- Bài thuốc 2
+ Chuẩn bị lá lốt phơi khô từ 5 - 10g hoặc 15 - 30g lá tươi rửa sạch.
+ Thực hiện: Đem sắc lá lốt với nước tới khi nước cô lại còn khoảng 1/2 bát ăn cơm thì dừng, uống trong ngày khi còn ấm. Tốt nhất nên uống sau bữa tối. Uống liên tục trong 10 ngày.
+ Chuẩn bị: 12g rễ lá lốt, 12g dây chìa vôi, 12g cây cỏ xước, 12g hoàng lực, 12g độc lực, 12g đơn gối hạc, 12g hạt xích hoa xà.
+ Thực hiện: Đem tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị, rửa sạch, sắc 1 thang một ngày, chia thành 2 - 3 lần uống. Nên uống khi còn ấm.
+ Chuẩn bị: 30g lá lốt già (có đủ thân, lá và rễ) đem rửa sạch và để cho ráo nước.
+ Thực hiện: Đun sôi 30g lá lốt với 1 lít nước khoảng 10 phút. Sau đó cho ra thau, pha với nước ấm để ngâm chân, tay tới khi nguội hẳn. Bạn có thể thêm một vài hạt muối vào nước âm chân để tăng thêm hiệu quả. Nên ngậm vào buổi tối trước khi đi ngủ để khí huyết lưu thông, giúp người bị đau nhức xương khớp ngủ ngon hơn.
Nên ngâm chân bằng lá lốt liên tục trong ít nhất 2 tuần.
Một số bài thuốc dân gian cũng cho biết lá lốt ngâm rượu giúp hỗ trợ giảm đau nhức nhờ việc xoa bóp các khớp hay vùng chân, tay bị nhức.
+ Chuẩn bị: cây lá lốt già có thân, lá và rễ đem rửa thật sạch, ráo nước; rượu trắng
+ Thực hiện: Cắt nhỏ các nguyên liệu đã chuẩn bị rồi ngâm vào phần rượu trắng đã chuẩn bị. Nên ngâm lá lốt trong rượu khoảng 1 tháng rồi sử dụng phần rượu ngâm này xoa bóp các vùng khớp đang bị đau nhức. Nên thực hiện xoa bóp từ 2 - 3 lần/ngày để giảm đau được hiệu quả.
Thực tế thì những bài thuốc chữa đau nhức xương khớp bằng lá lốt đều có ưu điểm là đơn giản, nguyên liệu giá rẻ và dễ thực hiện. Tuy nhiên đây là các bài thuốc dân gian truyền miệng nên người bệnh cần thận trọng khi sử dụng bởi các bài thuốc này chưa được chứng minh là có hiệu quả đối với tất các các bệnh nhân. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc thầy thuốc để có chỉ dẫn phù hợp.
Ngoài ra, các bài thuốc này chỉ mang tính hỗ trợ tạm thời, không thay thế các phương pháp điều trị; đặc biệt là đối với người bệnh mãn tính, có các biến chứng nghiêm trọng thì cần tuân thủ đúng theo đơn điều trị của bác sĩ, không được tự ý bỏ thuốc, thay thế bằng các bài thuốc dân gian này.
Bên cạnh đó, không nên lạm dụng tăng số lượng lá lốt sử dụng vì có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Người bị nhiệt miệng, táo bón hay đang bị nóng trong người cũng không nên sử dụng lá lốt.
Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ thì người bệnh cần:
- Hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ xuống quá thấp, đặc biệt là sáng sớm và đêm muộn
- Giữ ấm cho cơ thể, phòng ngủ
- Khi các khớp đau nhức có thể kết hợp với xoa bóp, massage với tinh dầu hoặc chườm nóng
- Nghỉ ngơi đầy đủ, không vận động mạnh khi đang bị đau nhức khớp, nếu muộn tập, nên vận động nhẹ nhàng như yoga
- Với người bị đau nhức xương khớp chưa xác định nguyên nhân cần thăm khám bác sĩ sớm để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh là gì và có phương pháp điều trị phù hợp.