Hỏi: Chào bác sĩ!
Năm nay tôi 43 tuổi, gần đây cơ thể cảm thấy không bình thường như thường xuyên bị sốt, vàng da. Tôi nghi mình mắc bệnh về gan.
Khi đi siêu âm bác sĩ chẩn đoán tôi bị lá lách to bất thường và nói nên phẫu thuật để tránh việc có thể chấn thương vỡ lá lách.
Xin hỏi bác sĩ bệnh lá lách to bất thường có nguy hiểm không? Có thể chữa khỏi bằng cách khác ngoài phẫu thuật không?
Tôi xin cảm ơn.
Vũ Văn Vịnh (vu***75@gmail.com)
Chuyên gia giải đáp:
Chào bạn,
Với thắc mắc của bạn, chuyên gia của chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Lá lách là một cơ quan nhỏ nằm ngay dưới lồng xương sườn trên bên trái. Ngoài vai trò thành viên của hệ huyết học, lách còn là một bộ phận của hệ thống miễn dịch, tạo ra kháng thể chống lại các vi khuẩn, ký sinh trùng, virut khi chúng đột nhập cơ thể.
Lá lách tổng hợp kháng thể ở tủy trắng và lọc bỏ vi khuẩn và tế bào hồng cầu đã bị bao bọc bởi kháng thể qua quá trình lọc máu và tuần hoàn bạch huyết. Một nghiên cứu khoa học xuất bản năm 2009 trên chuột đã phát hiện ra rằng lá lách chứa một nửa tổng số bạch cầu đơn nhân của toàn cơ thể trong tủy đỏ.
Những bạch cầu đơn nhân này, sau khi đi chuyển đến các mô bị tổn thương (ví du như tim), sẽ chuyển biến thành tế bào đuôi gai và đại thực bào trong khi làm lành các mô này. Lá lách là trung tâm hoạt động của hệ thống thực bào bạch cầu đơn nhân và có thể coi như là một hạch bạch huyết lớn, vì khi không hoạt động, khả năng kháng thể với một số bệnh nhiễm trùng bị suy giảm đáng kể.
Lá lách là một cơ quan nhỏ nằm ngay dưới lồng xương sườn trên bên trái (Ảnh: Internet)
Lá lách to bất thường to ra khi cơ thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, một số bệnh gan, bệnh về máu,... Lá lách to có thể gây ra: đau hay đầy bụng trên bên trái có thể lây lan sang vai trái, thiếu máu, mệt mỏi, thường xuyên bị nhiễm khuẩn, dễ chảy máu. Nếu lách to gây biến chứng nghiêm trọng điều trị nội khoa không kết quả có thể phẫu thuật cắt bỏ lá lách (cắt lách) là một lựa chọn.
Có rất nhiều lý do khiến bác sỹ khuyên bạn nên cắt bỏ lá lách. Những lý do này bao gồm:
- Lá lách bị phá hủy do một chấn thương
- Phì đại lá lách
- Các rối loạn về máu hiếm gặp
- Lá lách bị phì đại hoặc bị thoát vị do chấn thương
- Ung thư hoặc u nang lớn ở lá lách
- Nhiễm trùng
- Các rối loạn về máu
Lá lách to bất thường to ra khi cơ thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, một số bệnh gan, bệnh về máu,... (Ảnh: Internet)
Bạn có thể sẽ phải cắt bỏ lá lách nếu bạn có các rối loạn về máu nghiêm trọng và không đáp ứng với điều trị. Các rối loạn về máu có thể bao gồm:
- Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm
- Thiếu máu do tan máu
- Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát
- Bệnh đa hồng cầu nguyên phát
- Phì đại lá lách
-Nhiễm virus ví dụ như bạch cầu đơn nhân hoặc nhiễm vi khuẩn, như giang mai có thể dẫn đến tình trạng phì đại lá lách.
Ngoài phương pháp phẫu thuật như được tư vấn từ bác sĩ, đôi khi, bạn có thể xạ trị cũng có thể được chỉ định. Tuy nhiên, cần phải dựa trên nguyên nhân gây lá lách to bất thường là do bệnh về máu hay bệnh về gan, hoặc do sốt rét...
Y học gọi lách là mồ chôn hồng cầu. Vì trong những bệnh mà hồng cầu bị vỡ nhiều thì lách sẽ to ra. Nếu bị sốt rét thì sau khi điều trị khỏi sốt rét lách sẽ co nhỏ lại. Nếu bị bệnh về máu như Thalasemia mà lách quá to thì nên phẫu thuật cắt lách phòng khi tai nạn ngã dễ gây vỡ lách sẽ nguy hiểm tính mạng.
Một số trường hợp có những bệnh nhân cắt lách vẫn khỏe mạnh và tuổi thọ được kéo dài sau cắt lách vài chục năm. Tuy nhiên cần định kỳ mỗi tháng khám và điều trị thải sắt. Tóm lại, bạn không nên quá bi quan, hãy đi khám sớm tại chuyên khoa huyết học để được tư vấn lựa chọn cách điều trị phù hợp. Chúc bạn mau lành bệnh.