Kỹ thuật xét nghiệm đờm chẩn đoán viêm phế quản

Kỹ thuật xét nghiệm đờm chẩn đoán viêm phế quản
Xét nghiệm đờm chẩn đoán viêm phế quản và phân biệt với bệnh nhân mắc lao phổi là biện pháp rất cơ bản, kỹ thuật đơn giản, cho kết quả nhanh, rẻ tiền nên rất phù hợp với các nước đang phát triển như Việt Nam ta.

1. Xét nghiệm đờm chẩn đoán viêm phế quản

Xét nghiệm đờm chẩn đoán viêm phế quản đạt chất lượng là khi kỹ thuật đáp ứng đủ các yếu tố sau:

Người bệnh được súc miệng bằng nước lọc trước khi tiến hành lấy đờm.

Bệnh nhân phải hít thở sâu 3 lần: hít hơi vào thật sâu, nín thở vài giây và thở ra chầm chậm.

Hít hơi vào thật sâu, ho mạnh cho đến khi có đờm trong miệng, rồi nhẹ nhàng nhổ hết đờm vào trong lọ.

Tùy thuộc vào thể trạng cũng như các dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân mà các Bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định xét nghiệm đờm chẩn đoán viêm phế quản theo phương pháp nào nhưng thông thường nhất là soi đờm tìm vi khuẩn. Soi đờm tìm vi khuẩn là soi trực tiếp đờm dưới kính hiển vi để tìm ra chủng vi khuẩn hay virus gây bệnh.

Kỹ thuật xét nghiệm đờm chẩn đoán viêm phế quản - Ảnh 2.

Xét nghiệm đờm chuẩn đoán viêm phế quản - Ảnh minh họa

Để tăng độ chính xác trong xét nghiệm đờm chẩn đoán viêm phế quản, đờm của người bệnh phải được lấy nhiều mẫu và trong 3 ngày liên tiếp, vào lúc sáng sớm chưa ăn uống (ngoại trừ nước lọc) và không dùng dung dịch súc miệng.

2. Kỹ thuật xét nghiệm đờm đang được áp dụng

2.1. Thuần nhất đờm

Đối với những trường hợp ít vi khuẩn thì việc xét nghiệm sẽ khó thấy, lúc này các kỹ thuật viên thực hiện xét nghiệm đờm chẩn đoán viêm phế quản sẽ tiến hành thuần nhất đờm, dùng một lượng đờm lớn để tìm trực khuẩn lao hay các vi khuẩn gây viêm phế quản. Các phương pháp tiến hành xét nghiệm đờm chẩn đoán viêm phế quản dựa trên nguyên tắc làm cho đờm lỏng ra bằng cách để tự tiêu tan ở nhiệt độ 37°c trong thời gian từ 5 - 6 ngày.

Để rút ngắn thời gian hơn, các Kỹ thuật viên Xét nghiệm có thể sử dụng NaOH 0,5% làm tan các tổ chức trong đờm mà vẫn giữ nguyên hình trực khuẩn Koch. Sau khi đờm đã được hóa lỏng chúng sẽ được cho vào máy li tâm lắng đọng lại và đi nhuộm màu vi khuẩn để tìm nguyên nhân gây viêm phế quản. Điều này đặc biệt quan trọng trong trường hợp bệnh nhân bị viêm phế quản nhưng không đáp ứng với thuốc kháng sinh.

Tuy nhiên, xét nghiệm đờm chẩn đoán viêm phế quản bằng phương pháp thuần nhất cũng gặp phải nhiều khó khăn như:

Ở một số bệnh nhân đờm khạc ra ít và không phải lúc nào cũng có trực khuẩn, cá biệt một số bệnh nhân không khạc ra đờm được hoặc chì nuốt đờm.

Kỹ thuật không bảo đảm, nhuộm không thấy vi khuẩn, không nhận định được vi khuẩn.

Thử đi thử lại nhiều lần, 5, 6 ngày khiến quá trình điều trị mất thời gian, bệnh nhân phải chờ đợi vô cùng mệt mỏi.

2.2. Cấy môi trường

Cấy môi trường là một trong những kỹ thuật xét nghiệm đờm chẩn đoán viêm phế quản ở những bệnh nhân ít đờm hoặc lượng vi khuẩn có trong đờm không nhiều. Cũng có những trường hợp người ta tìm thấy rất nhiều vi khuẩn kháng thuốc mà trên lâm sàng hay x quang không thấy xuất hiện.

Kỹ thuật xét nghiệm đờm chẩn đoán viêm phế quản - Ảnh 4.

Viêm phế quản - Ảnh minh họa

Trước khi nuôi cấy đờm để làm xét nghiệm đờm chẩn đoán viêm phế quản người ta cần tiến hành thuần nhất đờm, đồng thời loại bỏ đi những tạp chất có lẫn trong mẫu bệnh phẩm của người bệnh. Một số loại hóa chất có thể được sử dụng như acid oxalic 5%, acid sulfuric 6%,...Sau đó ly tâm đờm rồi lấy chất lắng để cấy vào môi trường đã được chuẩn bị sẵn.

Môi trường nuôi cấy để xét nghiệm đờm chẩn đoán viêm phế quản thường sử dụng trên thực tế là môi trường đặc biệt, thường dùng môi trường Petragnani, Sauton, Middlebrook 7H10, Dubos, nhất là Lowenstein,...

Phương pháp này có nhược điểm là 50% các trường hợp vi khuẩn mọc ra rất chậm, người bệnh phải chờ đợi lâu mới có kết quả.

Lựa chọn phương pháp nào để xét nghiệm đờm chẩn đoán viêm phế quản sẽ phụ thuộc rất nhiều vào số lượng đờm, tình trạng lâm sàng của người bệnh đó.


Tác giả: Phạm Thị Mai