Kombucha là một loại thức uống lên men được làm bằng cách thêm vi khuẩn và men vào hỗn hợp trà đen hoặc trà xanh và đường.
Kombucha có thể mang lại những lợi ích tương tự như trà xanh và được cho là có khả năng phòng ngừa một số bệnh lý như tiểu đường và ung thư. Kombucha cũng chứa men vi sinh, có lợi cho hệ vi sinh vật đường ruột.
Các thành phần cơ bản trong kombucha là men, đường và trà. Hỗn hợp được ủ khoảng một tuần hoặc 10 đến 12 ngày. Trong thời gian đó, vi khuẩn và axit hình thành trong đồ uống, cũng như một lượng nhỏ men rượu. Quá trình này được gọi là quá trình lên men và nó tương tự như sự lên men của dưa cải bắp, kim chi, hoặc cách biến sữa thành sữa chua.
Những vi khuẩn và axit này tạo thành một lớp màng trên chất lỏng được gọi là SCOBY (thuộc địa cộng sinh của vi khuẩn và nấm men). SCOBY có thể được nuôi tiếp để làm thành các đợt kombucha mới.
Vi khuẩn Kombucha bao gồm vi khuẩn axit lactic, có thể hoạt động như một loại vi khuẩn có lợi. Kombucha cũng chứa một lượng vitamin B lành mạnh.
Đọc thêm:
- Bạn đã biết 10 tác dụng của sữa chua không đường đối với sức khỏe này chưa?
- Uống nước lá tía tô giải nhiệt, đẹp da nhưng cần lưu ý tác dụng phụ
Một số nghiên cứu cho thấy rằng vi khuẩn sinh học, chẳng hạn như vi khuẩn trong kombucha, có nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người, cụ thể:
Kombucha cũng giống như các loại thực phẩm lên men khác, rất giàu men vi sinh tốt cho sức khỏe đường ruột.
Một nghiên cứu năm 2014 (1) đã kiểm tra các thành phần vi sinh vật của kombucha và xác định được "quần thể lactobacillus nổi bật" trong thức uống này. Lactobacillus là một loại lợi khuẩn phổ biến, vì thế nên kombucha có thể ổn định đường tiêu hóa và giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và viêm nhiễm. Hơn nữa, các loại thực phẩm giàu men vi sinh như kombucha có thể cải thiện hội chứng ruột kích thích, bệnh viêm ruột, đầy hơi và táo bón.
Hệ thống tiêu hóa và hệ thống miễn dịch gắn bó chặt chẽ với nhau, do đó, khi đường ruột khỏe mạnh sẽ giúp cải thiện hệ miễn dịch, niêm mạc ruột tạo ra các kháng thể giúp bảo vệ cơ thể.
Viêm mãn tính có liên quan đến mọi tình trạng sức khỏe, bao gồm bệnh tim, tiểu đường, viêm khớp, dị ứng và các bệnh về đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Kombucha được cho là có tác dụng hỗ trợ giảm viêm nhờ chất chống oxy hóa polyphenol.
Ngoài ra, kombucha có nhiều lợi khuẩn tốt cho đường ruột nên có thể hỗ trợ giảm viêm trong đường ruột.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng kombucha có thể hỗ trợ ngăn ngừa một số loại ung thư do có nồng độ cao polyphenol trong trà và chất chống oxy hóa.
Theo một nghiên cứu (2) (3), kombucha ức chế sự hình thành mạch, đó là sự phát triển của các mạch máu mới. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng ung thư tuyến tiền liệt phụ thuộc vào sự hình thành mạch, nghĩa là các tế bào máu mới có thể nuôi dưỡng và góp phần vào sự phát triển của các khối u này. Bằng cách ức chế sự hình thành mạch, các nhà nghiên cứu kết luận rằng kombucha có thể ngăn chặn sự phát triển và lây lan các tế bào ung thư tuyến tiền liệt.
Kombucha được cho là có tác dụng cải thiện sức khỏe tim mạch nhờ khả năng cải thiện và cân bằng mức cholesterol. Theo một nghiên cứu năm 2015 (4), những con chuột dùng kombucha có mức cholesterol LDL ("có hại") thấp hơn và mức cholesterol HDL ("có lợi") cao hơn. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh tác dụng này ở người.
Ngoài ra, để bảo vệ và phòng ngừa bệnh tim mạch, mọi người nên tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh có nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc kết hợp tập thể dục.
Kombucha có thể cải thiện sức khỏe của gan nhờ khả năng giải độc cơ thể. Trong một nghiên cứu, những con chuột dùng kombucha, mức độ các chất phản ứng axit thiobarbituric trong gan của chúng giảm. Hợp chất hữu cơ này là thước đo mức độ tổn thương của tế bào và mô.
Uống kombucha cũng có thể có lợi cho những người bị kháng insulin hoặc tiểu đường. Vì trong kombucha có chứa trà xanh, có thể ức chế α-amylase, một loại protein trong tuyến tụy chịu trách nhiệm về mức glucose sau ăn cao hơn.
Hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy kombucha có hiệu quả trong việc giảm lượng đường trong máu ở người nhưng Kombucha có tác dụng chữa bệnh cho chuột mắc bệnh tiểu đường sau 30 ngày, đồng thời cải thiện chức năng gan và thận của chúng (5).
Ngoài các lợi ích trên, trà kombucha còn hữu ích trong việc duy trì cân nặng, tăng cường trao đổi chất, tốt cho tinh thần,...
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng kombucha, mọi người nên lưu ý một số vấn đề như:
- Trà Kombucha có thể gây khó chịu cho dạ dày và phản ứng dị ứng ở một số người. Do đó, nên thử trà với một lượng nhỏ để xem phản ứng của cơ thể.
- Nếu để kombucha lên men quá lâu hoặc nhiễm khuẩn do trong quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe chẳng hạn như ngộ độc. Vì vậy, khi tự chế biến hoặc mua bên ngoài, nên đảm bảo đồ dùng và nguyên liệu sạch sẽ, đạt tiêu chuẩn.
Để pha chế đồ uống này tại nhà, mọi người cần các nguyên liệu và dụng cụ như trà mồi (nước trà đã lên men), bình thủy tinh được tiệt trùng với nước sôi, vải che. Bạn có thể mua sẵn bộ giống để chế biến dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Sau đó, bạn hãm trà với nước sôi và lọc bã rồi cho vào bình thủy tinh, thêm đường vào rồi khuấy đều cho tan. Đến khi bình nước trà đã nguội thì bạn cho SCOBY và trà mồi vào bình. Để kombucha ở nhiệt độ phòng, trong một tuần hoặc 10 đến 12 ngày là có thể sử dụng. Gắn một miếng vải lên miệng lọ bằng thun, thay vì đậy nắp, để SCOBY có thể thở được.
Lưu ý, nếu thấy trên mặt trà xuất hiện những đốm có màu đen, xanh, cam, trắng,... kèm theo sợi thì khả năng trà đã nhiễm nấm mốc. Lúc này bạn không nên uống trà vì có thể bị ngộ độc.
Nhìn chung, có nhiều nghiên cứu về tác dụng của Kombucha đối với sức khỏe nhưng dữ liệu vẫn còn hạn chế, các nghiên cứu trên người còn ít. Tuy nhiên, kombucha vẫn đem lại những lợi ích nhất định đối với sức khỏe nếu như sử dụng đúng cách. Mọi người có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên môn khi sử dụng loại đồ uống này, nhất là đối với phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
Nguồn tham khảo: 10 Potential Health Benefits of Kombucha