Kinh nghiệm phòng tránh bệnh thoát vị đĩa đệm cho dân văn phòng không phải ai cũng biết

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Kinh nghiệm phòng tránh bệnh thoát vị đĩa đệm cho dân văn phòng không phải ai cũng biết
Bệnh thoát vị đĩa đệm là một trong những nỗi lo sợ hàng đầu về sức khỏe đối với dân văn phòng. Vậy làm thế nào để phòng tránh căn bệnh này? Những kinh nghiệm sống còn sau đây sẽ giúp bạn!

1. Ngồi đúng tư thế giúp ngăn chặn bệnh thoát vị đĩa đệm ở dân văn phòng

Thống kê cho thấy có khoảng 85% dân văn phòng cho biết họ thường xuyên gặp vấn đề đau nhức lưng và vùng cổ vai gáy. Bệnh thoát vị đĩa đệm cũng nằm trong số những bệnh thường gặp hàng đầu ở người làm việc văn phòng lâu năm. 

Đặc thù công việc của những người làm việc văn phòng là phải ngồi liên tục hàng giờ liền với những thao tác giống nhau, lặp đi lặp lại nên tư thế ngồi làm việc ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe xương khớp.

Để không phải gặp rắc rối với những dấu hiệu thoát vị đĩa đệm như đau nhức thắt lưng, mỏi cổ, vai gáy, rối loạn cảm giác…, ngay từ bây giờ, bạn hãy sửa đổi lại tư thế ngồi làm việc của mình sao cho đúng và khoa học nhất. Ngồi đúng tư thế sẽ giúp bảo vệ tốt cho đĩa đệm cột sống của bạn, giảm áp lực lên cột sống và phòng bệnh thoát vị đĩa đệm hiệu quả.

- Điều chỉnh độ cao của ghế cho phù hợp với bàn làm việc và tầm mắt khi nhìn vào máy tính.

- Khi ngồi nên giữ lưng thẳng, chân để một góc hơn 90 độ, 2 bàn chân tiếp xúc hoàn toàn với mặt sàn, không nhón chân hay duỗi chân quá lâu cũng ảnh hưởng không tốt đến cột sống.

- Nên ngồi ghế có phần tựa lưng, đặt 1 chiếc gối nhỏ mềm ở phần hõm lưng và tựa nhẹ vào ghế khi cảm thấy mỏi.

- Khoảng cách tốt nhất từ mắt tới màn hình máy tình khi làm việc là 50cm và điều chỉnh sao cho tầm nhìn của mắt vuông góc với màn hình.

- Để phòng tránh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, hãy đảm bảo rằng bạn để hai phần cẳng tay hoàn toàn trên bàn làm việc, sao cho hai cổ tay linh hoạt, không tì mạnh vào bàn phím.

2. Thiết lập chế độ dinh dưỡng giúp phòng bệnh thoát vị đĩa đệm

Các chuyên gia sức khỏe luôn khuyên rằng mỗi chúng ta đều cần chú ý hơn tới chế độ dinh dưỡng của bản thân để đảm bảo sức khỏe hàng ngày. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, vì vậy, đừng để đến khi mắc bệnh rồi mới lo lắng tìm hiểu thoát vị đĩa đệm nên ăn gì, thoát vị đĩa đệm cột sống ăn gì tốt. 

Ngay từ bây giờ, hãy xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho sức khỏe và nếu có một số biểu hiện nghi ngờ là dấu hiệu thoát vị đĩa đệm, hãy tích cực bổ sung các nhóm chất tốt cho cơ xương khớp sau đây vào thực đơn hàng ngày:

- Sữa và các chế phẩm từ sữa giàu vitamin D, đạm, chất béo có lợi,…

- Các loại rau có màu xanh thẫm vừa giàu canxi, vừa giàu vitamin và khoáng chất: rau cải xanh, súp lơ, rau bina,…

- Thực phẩm giàu canxi: các loại cá nhỏ (loại ăn được cả xương), cá biển, xương heo, sườn sụn…

- Thực phẩm giàu vitamin C: trái cây họ cam, cà chua,…

- Thực phẩm giàu acid béo omega-3: cá ngừ, cá thu, cá hồi, ngũ cốc nguyên hạt, đậu tương…

Ngoài việc tìm hiểu thoát vị đĩa đệm nên ăn gì, ăn gì để phòng bệnh hiệu quả, chúng ta cũng cần lưu ý tránh xa các loại thực phẩm có hại cho sức khỏe như: rượu bia, chất kích thích, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, hút thuốc lá và cũng không nên ăn quá nhiều đồ ăn cay nóng rất hại cho dạ dày.

3. Tăng cường vận động thể dục thể thao hợp lý

Đặc điểm chung của hầu hết những người làm việc văn phòng là ít vận động, thậm chí lười vận động. Lười vận động không chỉ dễ gây bệnh thoát vị đĩa đệm mà nó còn là con đường rất ngắn dẫn tới hàng loạt vấn đề về sức khỏe như: bệnh tim mạch, huyết áp, máu nhiễm mỡ, thừa cân béo phì,…

Để cải thiện sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, hãy chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày với những bài tập vừa sức để cơ bắp được hoạt động đúng với chức năng của nó, đồng thời giúp xương khớp của chúng ta linh hoạt hơn, đẩy lùi nguy cơ thoái hóa trẻ tuổi.

Với dân văn phòng, hãy tranh thủ biến khoảng thời gian trước hoặc sau giờ làm thành khung giờ vận động ngoài trời để rèn luyện sức khỏe. Bạn có thể đăng ký các lớp tập yoga, aerobic, tập gym hay đơn giản là chạy bộ tại công viên gần nhà. 

Bên cạnh đó, trong thời gian làm việc, không nên ngồi liên tục 8h mỗi ngày mà hãy biết cách tạo ra các khoảng thời gian thư giãn, vận động tại chỗ hoặc trong văn phòng khoảng 5 - 10' sau mỗi 45' - 1h ngồi làm liên tục. Việc vận động thư giãn giữa giờ sẽ giúp bạn bớt căng thẳng, mệt mỏi và giảm áp lực đáng kể đang đè nặng lên cột sống.

Thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày, tăng cường vận động chính là một trong những "chìa khóa vàng" giúp dân văn phòng ngăn chặn bệnh xương khớp nói chung, bệnh thoát vị đĩa đệm nói riêng vô cùng hiệu quả. 

Ngoài ra, chúng ta cũng cần quan tâm đúng cách tới sức khỏe bằng việc thăm khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt chú ý khi có những dấu hiệu thoát vị đĩa đệm, bạn hãy thăm khám ngay để được chẩn đoán và có hướng điều trị càng sớm càng tốt nhé!


Tác giả: Hoàng Trang