Từ xa xưa, kinh giới không chỉ được sử dụng như một loại rau gia vị hay trà thảo mộc mà còn được tận dụng làm thành vị thuốc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý. Mặc dù chưa có nhiều thử nghiệm chứng minh tác dụng của loại cây này nhưng tinh dầu của kinh giới đã được đánh giá có hoạt tính kháng khuẩn.
Kinh giới có nhiều tên gọi như tịnh giới, tả tô, kinh giới tuệ, thử minh, khương giới, … thuộc họ Hoa môi.
Kinh giới là một loại cây thân thảo có chiều cao từ 30 - 50cm với lá dày, lá chét hình bầu dục, lông nhung mềm mỏng, hạt hình quả mọng thuôn dài màu nâu, phần lá mọc đối nhau, xẻ sâu từ 3 đến 5 thùy, hoa nhỏ có màu tím nhạt và mọc thành từng bông riêng lẻ.
Loại cây này thường mọc ở những vùng đồi núi, đất bỏ hoang, bờ sông hoặc trong rừng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người trồng kinh giới trong vườn như một loại rau.
Lá kinh giới được sử dụng như loại rau thơm nhưng hầu hết các bộ phận của cây đều được sử dụng để làm vị thuốc.
Các cuộc điều tra về hóa chất thực vật trước đây cho thấy flavonoid là thành phần chính trong cây kinh giới. Ngoài ra, phenylpropanoid, terpenoid, phytosterol, glycoside cyanogen, tinh dầu (1,8%) cũng là thành phần hóa học chính trong loại cây này.
Đọc thêm:
- Hướng dẫn cách khắc phục chứng ra mồ hôi tay chân bằng lá lốt
- Tác dụng của nước diệp lục đối với sức khỏe
Theo Đông Y, kinh giới có tính ấm, cay, có nhiều công dụng như hỗ trợ điều trị cảm mạo, sốt, cúm, nhức đầu, hoa mắt, phong thấp, đau xương, đau mình, viêm họng, nôn mửa, sởi, lở ngứa, mụn nhọt, …
Theo một số nghiên cứu (1), tinh dầu của kinh giới gây ức chế mạnh đối với hệ thần kinh trung ương, có tác dụng giảm đau đáng kể và có tác dụng kháng khuẩn.
Các nghiên cứu dược lý về chiết xuất và hợp chất tinh khiết từ kinh giới cho thấy cây có tác dụng kháng virus, kháng khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa và bảo vệ cơ tim thiếu máu cục bộ, cũng như các lợi ích khác, chẳng hạn như bảo vệ chống lại bệnh Alzheimer, giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.
Kinh giới được dùng trong nhiều bài thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh lý, chẳng hạn:
- Bài thuốc chữa cảm mạo, nhức đầu, nôn mửa:
+ Chuẩn bị: Kinh giới ( bao gồm cả lá, cành, hoa), tía tô, hương nhu, ngải cứu, hoắc hương. Tất cả đều 10g.
+ Thực hiện: Đun sôi với 300ml nước, chia làm 2 lần, uống trong ngày.
- Bài thuốc hỗ trợ điều trị mụn nhọt, thanh nhiệt, giải độc
+ Chuẩn bị: Kinh giới sao vàng hoặc kinh giới tươi
+ Thực hiện: Bạn có thể sắc kinh giới sao vàng nên uống trong ngày hoặc đun kinh giới tươi để làm nước tắm.
- Bài thuốc hỗ trợ cầm máu
+ Chuẩn bị: kinh giới phơi khô, tán thành bột rồi để dùng dần
+ Thực hiện: Mỗi lần nên dùng khoảng 8g kinh giới đun với nước, chia làm 2 đến 3 lần uống/ngày.
- Bài thuốc hỗ trợ điều trị ho
+ Chuẩn bị: kinh giới, địa cốt bì, tang diệp, tang bạch bì, với hàm lượng 12g. 8g tử tô, bán hạ chế và 4g trần bì.
+ Thực hiện: Đun sôi tất cả các nguyên liệu trên rồi uống trong ngày.
- Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng
+ Chuẩn bị: 8g hoa kinh giới, hoa húng quế, bạc hà và 12g lá cối xay, hoa cứt lợn.
+ Thực hiện: Sắc tất cả các nguyên liệu trên rồi chia ra làm 2 lần, uống trong ngày.
Mặc dù có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, nhưng khi sử dụng kinh giới, mọi người nên lưu ý một số vấn đề như:
- Những người có chứng biểu hư tự thường ra mồ hôi, tỳ yếu hay đại tiện lỏng nên thận trọng khi sử dụng kinh giới.
- Kinh giới tuệ có dược lý mạnh hơn nên không dùng cho những trường hợp vết thương đã có chảy mủ, không dùng điều trị bệnh sởi cho trẻ em.
- Khi áp dụng các bài thuốc từ kinh giới nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc thầy thuốc Đông y, tránh tình trạng dùng không đúng bệnh, quá liều lượng.
- Bài thuốc từ kinh giới chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, không thay thế được các chỉ định của bác sĩ trong điều trị bệnh lý.
Nguồn tham khảo: Elsholtzia: phytochemistry and biological activities