Bệnh hen phế quản có thể là một trong những nguyên nhân gây lo lắng và trầm cảm. Bên cạnh đó, sự lo lắng cũng sẽ khiến bệnh hen phế quản trở nên trầm trọng hơn. Vậy làm thế nào để kiểm soát tâm trạng khi điều trị bệnh hen phế quản?
Khò khè và ho không phải là triệu chứng duy nhất của căn bệnh hen phế quản. Tăng cân và mất ngủ cũng là một trong những triệu chứng đi kèm với căn bệnh này. Tuy nhiên, tăng cân và mất ngủ lại là nhưng dấu hiệu khá phổ biến của căn bệnh trầm cảm.
Năm 2012, tạp chí International Journal of Epidemiology đã tiến hành một nghiên cứu liên quan đến điều này. Kết quả cho thấy bệnh nhân hen phế quản có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn so với người bình thường. Tháng 9/2015, một nghiên cứu tương tự cũng được công bố trên tạp chí The Journal of Allergy and Clinical Immunology. Nghiên cứu này cho biết, người bệnh hen phế quản thường có xu hướng lạm dụng albuterol trong thuốc hít. Nguyên nhân của vấn đề này được cho là bắt nguồn từ vấn đề trầm cảm ở bệnh nhân.
Không phải tất cả bệnh nhân hen phế quản đều thường xuyên cảm thấy lo lắng hay bị trầm cảm. Nhưng mối liên hệ giữa trầm cảm và hen phế quản lại tương đối rõ ràng. Trầm cảm tiềm ẩn có thể khiến cho các triệu chứng của bệnh hen phế quản nghiêm trọng hơn. Trong quá trình điều trị bệnh hen phế quản, tâm trạng và cảm xúc của bệnh nhân có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sau này.
Kiếm soát tâm trạng khi điều trị bệnh hen phế quản là điều quan trọng song song cùng phác độ điều trị. Điều này cần được thực hiện ngay khi bệnh nhân nhận được kết quả chẩn đoán, bởi sự lo lắng quá mức của bệnh nhân chính là nguyên nhân khiến bệnh trầm trọng hơn. Thậm chí, bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở và tức ngực do quá hoảng loạn.
Để kiểm soát tâm trạng khi điều trị bệnh hen phế quản, duy trì tâm lý ổn định, bệnh nhân có thể thực hiện một số biện pháp sau:
- Tránh xa những chất có thể kích thích các triệu chứng của bệnh hen phế quản. Khi kết hợp với sự hoảng loạn, các chất này sẽ khiến cơn hen trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, việc hạn chế tiếp xúc với các chất gây kích thích là điều vô cùng quan trọng.
- Chú ý đến các biểu hiện trên cơ thể: Những người bị bệnh hen phế quản thường bị tức ngực hoặc thở nông. Khi bệnh nhân cảm thấy lo lắng, các triệu chứng này sẽ có xu hướng tăng và mất kiểm soát. Trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được yêu cầu sử dụng máy đo lưu lượng đỉnh để theo dõi chức năng của phổi.
- Cố gắng vượt qua những suy nghĩ tiêu cực của bản thân: Lo lắng và suy nghĩ tiêu cực là biểu hiện tâm lý thường gặp ở bệnh nhân hen phế quản. Chính những suy nghĩ tiêu cực này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm. Do đó, để tránh ảnh hưởng đến việc điều trị, bệnh nhân cần sớm gạt bỏ các suy nghĩ này.
- Nói chuyện với các chuyên gia, bác sĩ tâm lý: Nếu không thể tự loại bỏ suy nghĩ tiêu cực, bệnh nhân nên nói chuyện với chuyên gia tâm lý. Các chuyên gia có thể trị liệu cho bệnh nhân bằng các liệu pháp hành vi nhận thức. Loại trị liệu này sẽ giúp bệnh nhân điều chỉnh lại suy nghĩ và chống lại các ý nghĩ tiêu cực. Đồng thời, khi bệnh nhân kiểm soát được tâm trạng, các cơn hen phế quản cũng sẽ được cải thiện.
- Lập kế hoạch chăm sóc và đối phó với bệnh hen phế quản: Không chỉ bệnh nhân, người chăm sóc cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự lo lắng và căng thẳng. Do đó, việc lập kế hoạch để đối phó với hen phế quản là điều vô cùng cần thiết, bởi nó sẽ giúp bệnh nhân và người chăm sóc chủ động hơn trong quá trình điều trị.
Trong bản kế hoạch này, người chăm sóc có thể liệt kê các vấn đề như: triệu chứng, các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng, sự tiến triển của bệnh tình, thông tin liên hệ của bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất…
Kiểm soát tốt tâm lý bệnh nhân có thể giúp quá trình điều trị hen phế quản thuận lợi hơn. Vì vậy, người nhà hãy thường xuyên nói chuyện và động viên bệnh nhân trong thời gian điều trị nhé!