Bất cứ khi nào nhiệt độ có sự sụt giảm đột ngột, cơ thể chúng ta đều sẽ phản ứng lại theo nhiều cách, bao gồm cả các triệu chứng khó chịu do có nhiều cơ quan trong cơ thể "khá nhạy cảm" với biến động nhiệt độ thấp hơn.
Dưới đây là 5 cơ quan chính trong cơ thể cần được "chăm sóc" và "ủ ấm" đúng cách vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp hơn:
Hạ nhiệt độ sẽ khiến các vi mạch ở lớp hạ bì của da co lại, làm giảm nguồn dinh dưỡng do máu cung cấp cho da. Đồng thời, nhiệt độ của da sẽ giảm đi cùng với đó là độ ẩm, độ ẩm trong không khí giảm xuống cũng khiến da dễ bị mất nước hơn. Ngoài ra, việc tiếp xúc của da với gió lạnh lặp đi lặp lại trong thời gian dài có thể gây tổn thương, mẩn ngứa, bong tróc, thậm chí chảy máu do nứt nẻ nghiêm trọng.
Đọc thêm:
+ 8 cách phòng ngừa bệnh viêm da cơ địa bùng phát trong mùa lạnh
+ 3 thói quen hầu như ai cũng làm vào mùa lạnh có thể gây ngộ độc, đột quỵ
Cách bệnh về da mùa lạnh phổ biến thường gồm da khô, da nứt nẻ, mề đay do lạnh, bong tróc da, nứt gót chân, viêm da cơ địa mùa lạnh, bệnh Raynaud.
Lời khuyên: Để bảo vệ da cơ thể vào mùa lạnh, bạn có thể thực hiện các bước sau đây:
- Bảo vệ các phần cơ thể bị hở khi ra ngoài vào mùa lạnh, bao gồm tai, cổ, đầu, bàn tay, bàn chân,... bằng tất, găng tay, khăn quàng cổ, mũ ấm, bịt tai.
- Dưỡng ẩm: Hãy sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên để giữ ẩm cho da, nhất là sau khi tắm.
- Hạn chế tắm nước nóng: Nước nóng có thể làm khô da, vì vậy hãy tắm với nước ấm để giữ ẩm cho da.
- Uống đủ nước: Uống đủ nước mỗi ngày giúp da không bị khô.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Nếu không khí trong nhà quá khô, máy tạo độ ẩm có thể giúp cân bằng độ ẩm, tốt cho da.
- Chăm sóc da nhẹ nhàng: Tránh sử dụng xà phòng có tính tẩy mạnh, chọn sản phẩm dịu nhẹ cho da và hạn chế chà xát mạnh khi tắm hoặc lau khô cơ thể.
Khi nhiệt độ giảm vào mùa đông, để chống lạnh, một lượng máu lớn sẽ chảy đến các vùng ngoại vi của cơ thể và tứ chi, làm giảm lượng máu tới hệ tiêu hóa và do đó làm giảm chức năng của đường tiêu hóa, bao gồm cả dạ dày. Hơn nữa, vào mùa đông, nhiều người vẫn thích ăn đồ lạnh, đồ cay, thậm chí ăn luân phiên đồ nóng lạnh. Điều này dễ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, gây loét dạ dày hoặc trào ngược dịch vị.
Lời khuyên: Khi thời tiết lạnh, chế độ ăn của người bệnh dạ dày nên là các món ấm, mềm, dễ tiêu hóa để trung hòa axit trong dạ dày, từ đó ngăn ngừa tình trạng "bào mòn" niêm mạc dạ dày, đặc biệt là ở người sẵn có bệnh dạ dày như viêm loét dạ dày.
Điều này đồng nghĩa với việc nên hạn chế thực phẩm cay nóng và có tính axit cao bởi các thực phẩm này có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về dạ dày. Tương tự, cần hạn chế đồ uống chứa caffeine và cồn bởi nó có thể kích thích tiết axit dạ dày, gây kích ứng niêm mạc và dẫn đến đau dạ dày.
Ngoài ra, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm thường thay đổi lớn vào mùa đông. Những người mắc bệnh viêm dạ dày mãn tính nên đặc biệt chú ý giữ ấm dạ dày, bổ sung quần áo kịp thời đủ ấm và đắp chăn khi ngủ vào ban đêm, đặc biệt là vùng xung quanh bụng để tránh bị cảm lạnh có thể gây đau bụng hoặc làm nặng thêm bệnh cũ do nhiễm khí hàn.
Nhiệt độ vào mùa đông thay đổi liên tục, nhiệt độ và độ ẩm không khí thường xuyên dao động, hít phải không khí lạnh khô vào khí quản hoặc phổi dễ gây ra các triệu chứng như ho khan, co thắt phế quản, nghiêm trọng có thể dẫn tới suy hô hấp và đe dọa tới tính mạng.
Lời khuyên:
- Giữ ấm vùng cổ họng và vùng lưng ngực khi thời tiết lạnh bằng cách đeo khẩu trang, khăn quàng cổ khi ra ngoài và tránh tới những nơi công cộng có hệ thống thông gió kém để tránh bị cảm lạnh. Khi ra ngoài trong tiết trời lạnh, hãy hít thở qua khăn ấm hoặc khẩu trang để không khí được làm ấm trước khi vào phổi.
- Nên uống nhiều nước, ít nhất 2 lít mỗi ngày để làm ẩm phổi, tránh tình trạng hệ thống hô hấp bị khô quá mức.
- Không hút thuốc lá: Thuốc lá làm tăng nguy cơ viêm phổi và các vấn đề về đường hô hấp khác, đặc biệt vào mùa lạnh, khi mà đường hô hấp dễ bị kích ứng và mầm bệnh có điều kiện phát triển mạnh hơn.
- Tập thể dục thường xuyên ít nhất 150 phút cường độ vừa phải mỗi tuần, bao gồm cả các bài tập thở giúp cải thiện chức năng hô hấp và tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Bổ sung đủ vitamin và khoáng chất, đặc biệt là những thực phẩm giàu vitamin C và E, giúp tăng cường hệ miễn dịch.
- Tránh các khu vực có không khí ô nhiễm hoặc khói bụi, đặc biệt là khi chất lượng không khí kém vào sáng sớm hay đêm muộn mùa đông.
- Tiêm vaccine cúm hàng năm và vaccine viêm phổi theo khuyến cáo của bác sĩ để giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan đến phổi.
Mùa đông là đỉnh điểm của nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim với số ca mắc gia tăng. Nhiệt độ thấp vào mùa đông kích thích dây thần kinh ngoại biên và co mạch, tăng sức cản mạch máu, tăng huyết áp, đẩy nhanh nhịp tim, gây co thắt động mạch vành, dễ khiến máu đông lại. Từ đó hình thành các cục máu đông (huyết khối) và gây ra các bệnh nghiêm trọng như tắc mạch não, nhồi máu cơ tim.
Lời khuyên:
- Khi ra ngoài trời vào mùa lạnh nên giữ ấm đầu, tay, chân, vùng ngực, đồng thời quàng khăn, đội mũ, đeo găng tay và đi tất (đặc biệt những người mắc bệnh tim mạch, mạch máu não cần chú ý giữ ấm hơn).
- Ngâm chân bằng nước ấm trước khi đi ngủ để thúc đẩy quá trình lưu thông máu ở chân.
- Hoạt động thể chất giúp tăng cường tuần hoàn máu và cải thiện sức khỏe tim mạch nhưng cần tránh tập vào thời điểm nhiệt độ ngoài trời xuống thấp như sáng sớm hay đêm muộn. Thay vào đó vào mùa đông nên ưu tiên các bài tập trong nhà.
- Chế độ ăn nhiều trái cây và rau củ tươi giàu chất chống oxy hóa cùng nhiều vitamin và khoáng chất, ăn các loại cá béo giàu omega-3 tốt cho trái tim. Đồng thời cần hạn chế các thực phẩm chiên rán, nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa gây bất lợi cho lượng cholesterol và huyết áp.
- Hạn chế tiêu thụ rượu bia và caffein quá mức có thể gây căng thẳng cho huyết áp và nhịp tim, đặc biệt là người nhạy cảm với cồn hoặc caffein.
- Kiểm tra huyết áp đều đặn nếu đang mắc bệnh, bởi huyết áp thường tăng lên khi trời lạnh, vì vậy cần theo dõi sát sao để kịp thời phát hiện các bất thường. Đồng thời cần chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ và tuân theo lời khuyên của bác sĩ về việc bảo vệ tim mạch cũng như đơn thuốc.
- Uống đủ nước giúp duy trì sự lưu thông máu tốt và ngăn chặn huyết khối.
Khi thời tiết lạnh, cơ thể sẽ giảm lưu lượng máu đến các cơ quan ngoại vi và các khớp để duy trì nhiệt độ của cơ thể. Do đó, sự cung cấp dưỡng chất và oxy đến các khớp giảm đi, khiến khớp dễ trở nên cứng và đau nhức hơn. Hơn nữa, thời tiết lạnh cũng khiến cho dịch khớp trở nên đặc hơn, giảm khả năng bôi trơn, làm tăng ma sát và gây khó khăn trong việc di chuyển.
Ngoài ra, cơ bắp thường co lại trong thời tiết lạnh, điều này có thể gây căng thẳng lên khớp và dễ dẫn đến tổn thương. Vì những lý do này, người có vấn đề về khớp thường cảm thấy đau nhức nhiều hơn trong mùa lạnh.
Lời khuyên:
- Giữ ấm vùng khớp bằng quần áo ấm, bao tay, tất chân và áo khoác. Nếu cần ra ngoài, hãy giữ ấm cơ thể đúng cách và hạn chế ở bên ngoài quá lâu.
- Tập thể dục thường xuyên giúp khớp linh hoạt hơn và giảm cảm giác cứng khớp cũng như giúp kiểm soát cân nặng, tránh gây áp lực lên khớp quá nhiều do thừa cân. Tăng cường cơ xung quanh khớp giúp hỗ trợ và bảo vệ khớp bằng cách bài tập rèn luyện sức mạnh và sức bền.
- Cần lưu ý không làm việc nặng hoặc tập luyện quá mức có thể làm tổn thương khớp.
- Bổ sung thực phẩm giàu omega-3, chất chống oxy hóa và vitamin, giúp giảm viêm và tăng cường sức khỏe xương khớp.
- Uống đủ nước giúp các khớp có độ nhờn, tránh khô khớp ảnh hưởng tới vận động.
Có thể thấy rằng việc giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh không chỉ để chúng ta cảm thấy thoải mái mà còn để bảo vệ sức khỏe. Các cơ quan như da, phổi, dạ dày và tim mạch đều cần được chăm sóc đặc biệt để hoạt động tốt và tránh bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh giá. Bằng cách áp dụng những biện pháp giữ ấm đúng cách và có lối sống lành mạnh, cơ thể sẽ tránh khỏi nhiều nguy cơ bệnh tật và duy trì sức khỏe tốt trong suốt mùa đông.
Nguồn dịch: Heho Health