Khoảng 10% bệnh nhân mắc ung thư do di truyền, chuyên gia lý giải như thế nào?

Khoảng 10% bệnh nhân mắc ung thư do di truyền, chuyên gia lý giải như thế nào?
TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA cho biết, xét nghiệm gen là việc nên làm trong trường hợp gia đình có nhiều người cùng mắc một loại ung thư.

Hiện nay, tỉ lệ người mắc bệnh ung thư có xu hướng tăng nhanh và đáng báo động. Theo số liệu của Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế Globocan 2018, mỗi năm trên thế giới có khoảng 18,1 triệu ca mắc mới ung thư, trong đó có 9,6 ca bệnh nhân ung thư tử vong. Dự báo năm 2025 tăng lên 19,3 triệu ca mới. Đây là một điều rất đáng lo ngại.

Tại Việt Nam, theo Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư, năm 1990, ước tính cả nước có khoảng 70.000 ca ung thư, đến năm 2015 là 150.000 ca ung thư mới. Như vậy, sau 15 năm số bệnh nhân ung thư được phát hiện mới tăng gấp hơn 2 lần. Ước tính đến năm 2020, con số này sẽ khoảng 200.000. Tốc độ tăng bệnh nhân ung thư tại Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất thế giới.

Do tính chất di truyền nên trong một gia đình có thể có vài người cùng mắc một loại ung thư giống nhau và thường di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ước tính khoảng 10% các bệnh nhân bị ung thư nguyên nhân chính là do di truyền. Vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư có vai trò rất quan trọng, quyết định phần lớn đến kết quả điều trị.

Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA, Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím để giải đáp những thắc mắc đang được nhiều gia đình quan tâm về nguy cơ di truyền của căn bệnh ung thư.

Khoảng 10% bệnh nhân mắc ung thư do di truyền, chuyên gia lý giải như thế nào? - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA, Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím

Thưa Tiến sĩ, tại sao trong một số trường hợp, bệnh ung thư có thể di truyền từ thế này sang thế hệ khác?

TS. Nguyễn Hồng Vũ: Như chúng ta biết ung thư xuất hiện là do đột biến gen xảy ra ngẫu nhiên ở một hoặc vài tế bào của cơ thể dẫn đến mất cân bằng, mất kiểm soát trong việc điều hòa và phát triển của tế bào. Những thay đổi gen như vậy, xảy ra trong quá trình sống được gọi là đột biến soma, có thể phát sinh do hậu quả tự nhiên của quá trình lão hóa hoặc khi DNA của tế bào bị hư hỏng do các tác nhân gây đột biến trong môi trường như tia UV, chất phóng xạ, hóa chất độc hại, v.v... Phần lớn, các đột biến mắc trong quá trình sống này chỉ hiện diện trong một số tế bào của cơ thể và chúng không thể truyền từ cha mẹ sang con cái của họ được.

Tuy nhiên, trong một tỷ lệ nhỏ nếu những đột biến này xảy ra ở các tế bào mầm có vai trò tạo ra các tế bào sinh dục như tinh trùng hoặc trứng thì các đột biến có thể di truyền sang thế hệ sau. Nếu các đột biến này có vai trò trong việc hình thành và phát triển của ung thư thì người nhận các gen đột biến này từ cha mẹ sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn người bình thường.

Khoảng 10% bệnh nhân mắc ung thư do di truyền, chuyên gia lý giải như thế nào? - Ảnh 2.

Sự xuất hiện của ung thư có liên quan nhiều đến đột biến gen. Vậy theo tiến sĩ, những loại ung thư nào có tính di truyền cao?

TS. Nguyễn Hồng Vũ: Cho đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra một số đột biến gen có thể góp phần vào nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư của người, bao gồm:

- Ung thư vú

- Ung thư buồng trứng

- Ung thư đại trực tràng

- Ung thư tuyến tiền liệt

Nên làm gì nếu gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh ung thư?

TS. Nguyễn Hồng Vũ: Nếu thấy trong gia đình có nhiều người mắc cùng một loại ung thư (ví dụ như bà, mẹ và cô ruột cùng mắc ung thư vú trong một giai đoạn nào đó) thì nên đặt câu hỏi là: Liệu rằng có phải do gen đột biến nào đó đang ở trong gia đình của mình hay không? Và xét nghiệm gen là việc nên làm trong những trường hợp này. Nếu thật sự đang có một gen đột biến xấu di truyền trong gia đình của mình và mình đang mang gen đó thì có nghĩa là nguy cơ sẽ bị ung thư cao hơn bình thường.

Do vậy, người được xác định mang gen đột biến xấu cần được theo dõi kỹ hơn về sức khỏe, có những kế hoạch kiểm tra, sàng lọc ung thư sớm hơn và kỹ hơn người bình thường. Tùy vào từng loại đột biến và từng loại nguy cơ ung thư mà những người mang gen đột biến xấu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để có những kế hoạch cụ thể hơn.

Khoảng 10% bệnh nhân mắc ung thư do di truyền, chuyên gia lý giải như thế nào? - Ảnh 3.

Người được xác định mang gen đột biến xấu cần được theo dõi kỹ hơn về sức khỏe, có những kế hoạch kiểm tra, sàng lọc ung thư sớm hơn và kỹ hơn người bình thường. (Ảnh Internet)

Có quan điểm cho rằng: “Thói quen tốt sẽ viết lại gen di truyền”, tiến sĩ nghĩ sao về điều này?

TS. Nguyễn Hồng Vũ: Quan điểm này không hoàn toàn đúng. Khi một người nào đó đã nhận gen đột biến xấu từ cha hoặc mẹ thì gen đột biến này sẽ có trong tất cả các tế bào trong cơ thể của họ. Trình độ khoa học hiện nay không thể chỉnh sửa hay “viết lại” các gen “hư hỏng” này trong cơ thể để trở lại thành gen “nguyên vẹn” và thói quen tốt cũng không làm được điều đó.

Tuy nhiên, các thói quen tốt như thường xuyên tập thể dục, ngủ đủ giấc, ăn uống khoa học,… có thể giúp làm giảm nguy cơ bị ung thư so với người mang cùng loại đột biến gen nhưng có các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, v.v… vì các thói quen xấu này đều là các tác nhân làm tăng nguy ung thư.

Khoảng 10% bệnh nhân mắc ung thư do di truyền, chuyên gia lý giải như thế nào? - Ảnh 3.

Các thói quen tốt như thường xuyên tập thể dục, ăn uống khoa học, ngủ đủ giấc… có thể giúp làm giảm nguy cơ bị ung thư so với người mang cùng loại đột biến gen nhưng có các thói quen xấu. (Ảnh Internet)

Lời khuyên của tiến sĩ dành cho những người có nguy cơ cao mắc ung thư và những bệnh nhân đang điều trị ung thư là gì?

TS. Nguyễn Hồng Vũ: Với trình độ khoa học hiện đại ngày nay, ung thư không phải là dấu chấm hết. Một số loại ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư da, ung thư vú có tỉ lệ sống cao hơn 90% sau điều trị. Tuy nhiên, việc điều trị ung thư hiệu quả chỉ khi người bệnh được điều trị một cách đúng đắn.

Một trong những mối lo ngại lớn hiện nay ảnh hưởng đến người bệnh nhân đang điều trị ung thư là “thông tin xấu”, “thông tin giả khoa học” của những người lợi dụng sự sợ hãi của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để trục lợi. Các thông tin giả như thế đang lan tràn trên các trang mạng xã hội hoặc do truyền miệng, người bình dân thiếu các kiến thức khoa học đúng đắn sẽ dễ dàng bị lừa để từ bỏ các cách điều trị hợp lý, bỏ lỡ mất thời gian vàng để điều trị ung thư hiệu quả, dẫn đến tăng nguy cơ chết do bệnh ung thư phát triển nhanh sang giai đoạn muộn.

Vì thế, việc lựa chọn nguồn thông tin xác thực để tìm hiểu về bệnh cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp người bệnh có lựa chọn đúng để từ đó tăng tỉ lệ sống của người bệnh ung thư.

TS. Nguyễn Hồng Vũ,

Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA

Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím


Tác giả: Trang Lê