Khó thở là một trong các tình trạng phổ biến ở phụ nữ có thai. Các nghiên cứu cho thấy rằng, khoảng 60-70% phụ nữ gặp phải tình trạng khó thở khi mang thai.
Trong phần lớn các trường hợp, khó thở khi mang thai chỉ là khó thở nhẹ và không phải là một vấn đề nghiêm trọng hay nguy hiểm cho mẹ và bé. Tuy nhiên, đôi lúc tình trạng khó thở khi mang thai cũng có thể là dấu hiệu cho những bệnh lý nghiêm trọng cần được can thiệp sớm.
Do vậy, hiểu được nguyên nhân gây khó thở khi mang thai qua từng giai đoạn cũng như cách xử trí đúng đắn là điều mà các thai phụ và người nhà nên đặc biệt chú ý.
Trong tam cá nguyệt thứ nhất
Mọi người thường cho rằng, chỉ khi thai nhi đã lớn mới có thể khiến cho người mẹ bị khó thở. Nhưng trên thực tế lại không hề hiếm gặp các trường hợp khó thở khi mang thai ngay từ tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ.
Nguyên nhân gây khó thở khi mang thai trong giai đoạn này được cho là do sự biến đổi nồng độ của các hormone gây ra, trong đó chủ yếu đề cập đến vai trò của hormone progesterol. Người ta thấy rằng, sự biến đổi nồng độ hormone progesterol có tác dụng kích thích hoạt động hô hấp. Điều này làm cho phụ nữ mang thai thở với tần số nhanh hơn và cảm thấy mình đang bị khó thở.
Bên cạnh đó, sự thay đổi cấu trúc của cơ hoành (cơ hô hấp chính của cơ thể) cũng có thể là một yếu tố đóng góp vai trò trong cơ chế xuất hiện khó thở ở thai phụ. Trong tam cá nguyệt thứ nhất, cấu trúc của cơ hoành có thể bị giãn ra thêm đến 4cm so với bình thường. Do vậy làm cho thai phụ khó có thể thở sâu và đầy đủ hơn.
Trong tam cá nguyệt thứ 2
Tình trạng khó thở khi mang thai trong tam cá nguyệt thứ 2 trở nên rõ ràng hơn đáng kể so với tam cá nguyệt thứ nhất. Điều này là do kích thước thai nhi sẽ bắt đầu tăng nhanh kể từ tam cá nguyệt thứ 2.
Khi thai nhi lớn lên sẽ đồng nghĩa với việc cần được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng nhiều hơn. Vì vậy khối lượng tuần hoàn và tần suất hoạt động tim của thai phụ cũng sẽ tăng theo để có thể đáp ứng được nhu cầu của thai nhi trong giai đoạn này. Chính điều này đã tạo nên gánh nặng lớn hơn cho tim và khiến thai phụ cảm thấy bị khó thở.
Hơn nữa, kích thước buồng tử cung sẽ tăng lên cùng với sự lớn lên của thai nhi. Nó khiến cho các tạng trong ổ bụng của thai phụ bị đẩy lên cao và chèn ép vào phía dưới cơ hoành, hạn chế hoạt động của cơ hoành. Vì vậy cũng góp phần khiến khó thở khi mang thai tăng lên so với ở tam cá nguyệt thứ nhất.
Đọc thêm:
+ Mang thai tháng thứ 5 bụng vẫn nhỏ có sao không? Nên làm gì nếu bụng mẹ bầu nhỏ?
+ Bà bầu bị tiêu chảy 3 tháng cuối có nguy hiểm không?
Trong tam cá nguyệt thứ 3
Đây là giai đoạn mà em bé đã hoàn thiện các cấu trúc và sẽ tăng nhanh về khối lượng, kích thước cũng như xoay thai để chuẩn bị cho chuyển dạ.
Sự lớn lên nhanh chóng của thai nhi làm trầm trọng thêm gánh nặng cho tim và sự chèn ép lên cơ hoành so với ở tam cá nguyệt thứ 2. Do đó thường là giai đoạn mà thai phụ cảm thấy khó thở xảy ra thường xuyên nhất và cũng nặng nề nhất.
Đồng thời, khi thai nhi xoay trong buồng tử cung thì đầu em bé có thể ở ngay phía dưới của cơ hoành. Nên cũng làm hạn chế sự vận động của cơ hoành và khiến tình trạng khó thở tăng lên.
Bên cạnh những nguyên nhân do thai kỳ, khó thở khi mang thai còn có thể gây ra bởi các nguyên nhân bệnh lý không liên quan đến thai kỳ. Trong những trường hợp này, khó thở khi mang thai là một dấu hiệu nghiêm trọng và cần được xử lý sớm để tránh nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Những nguyên nhân không do thai kỳ gây khó thở có thể kể đến như:
Hen phế quản
Hen phế quản là bệnh lý hô hấp mãn tính, biểu hiện đặc trưng bởi triệu chứng khó thở. Sự thay đổi của cơ thể trong quá trình mang thai có thể khiến việc kiểm soát hen khó khăn hơn và các cơn hen cấp cũng thường xuyên xảy ra hơn. Vì vậy, hen phế quản được xem là một trong các nguyên nhân gây khó thở khi mang thai khá thường gặp.
Bệnh tim mạch
Gánh nặng lên hệ thống tim mạch bị gia tăng trong quá trình mang thai. Điều này có thể làm xuất hiện các bệnh lý tim mạch mới hoặc làm nặng nề hơn các tình trạng bệnh lý sẵn có, chẳng hạn như suy tim, hở van tim,... Những vấn đề tim mạch này xảy ra đều sẽ biểu hiện bằng các triệu chứng đặc trưng khác nhau, trong đó bao gồm cả khó thở.
Thuyên tắc phổi
Thai phụ là đối tượng có nguy cơ hình thành huyết khối cao hơn so với người bình thường. Khi cục máu đông hình thành, di chuyển trong lòng mạch và bị mắc kẹt lại ở mạch máu của phổi sẽ gây ra hiện tượng thuyên tắc phổi. Đây là một tình trạng cấp cứu, thai phụ thường thấy đau ngực đột ngột, khó thở dữ dội, ho,...
Như đã nói, khó thở khi mang thai không phải hề hiếm gặp, mà ngược lại nó còn rất phổ biến trên thực tế. Tình trạng xảy ra thường khiến cho thai phụ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, tâm lý lo lắng cho sức khỏe của bản thân và của thai nhi.
Tuy nhiên, việc xác định khó thở khi mang thai có nguy hiểm hay không sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như nguyên nhân gây khó thở, mức độ khó thở,...
Nếu khó thở bị gây ra bởi các nguyên nhân do sự thay đổi của thai kỳ thì vấn đề này sẽ không quá nghiêm trọng. Khó thở sẽ tăng dần theo tuổi thai nhưng ít khi ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và em bé. Khó thở khi mang thai gây do các nguyên nhân này cũng thường sẽ tự thoái lui và hết hẳn sau khi thai phụ chuyển dạ sinh em bé.
Còn trong trường hợp bị khó thở do các bệnh lý như bệnh tim mạch, hen suyễn,... thì thai phụ cần phải thông báo cho bác sĩ ngay lập tức. Các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để đánh giá mức độ khó thở, xác định nguyên nhân,... Bởi khó thở khi mang thai do các nguyên nhân bệnh lý nếu không được phát hiện kịp thời sẽ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Nếu thai phụ bị khó thở không do các nguyên nhân bệnh lý, họ sẽ ít khi cần đến các biện pháp điều trị tích cực. Những gì mà họ cần làm là các thay đổi thói quen trong sinh hoạt để hạn chế đến mức thấp khả năng xuất hiện khó thở và các ảnh hưởng của khó thở lên chất lượng cuộc sống.
- Nghỉ ngơi nhiều hơn
Khó thở khi mang thai khiến cơ thể thai phụ không đáp ứng được nhu cầu oxy cho các hoạt động mạnh hay gắng sức. Việc cố gắng thực hiện những hoạt động như vậy khiến thai phụ mệt mỏi và khó thở nhiều hơn. Do đó, các thai phụ được khuyên rằng cần tăng cường nghỉ ngơi và chỉ nên vận động nhẹ nhàng nếu bị khó thở khi mang thai.
- Tư thế ngủ thích hợp
Thực hiện tư thế ngủ đầu cao (thêm gối vào phần lưng trên, nâng cao đầu giường), và nằm nghiêng sang trái sẽ làm giảm sự chèn ép của tử cung lên cơ hoành và động mạch chủ bụng. Điều này giúp hoạt động hô hấp trở nên dễ dàng hơn và máu dễ lưu thông hơn.
- Luyện tập các kỹ thuật hít thở
Những bài tập hít thở có thể giúp thai phụ hô hấp hiệu quả hơn, từ đó làm giảm biểu hiện khó thở khi mang thai. Do đó, thai phụ có thể tham khảo từ các bác sĩ của mình để được hướng dẫn về những kỹ thuật hít thở hiệu quả và cách thực hiện chính xác nhất.
- Cố gắng giữ tâm lý thoải mái
Tâm lý cũng là một yếu tố ảnh hưởng nhiều đến cảm nhận của các thai phụ về ảnh hưởng do tình trạng khó thở gây ra. Tâm lý tiêu cực có thể khiến thai phụ cảm thấy cơn khó thở nghiêm trọng hơn so với mức độ của nó, điều này gây ra hậu quả không tốt. Vì vậy, các thai phụ cần cố gắng giữ tâm lý thoải mái nhất và biết rằng tình trạng khó thở của bản thân sẽ nhanh chóng tự biến mất sau khi sinh.
Đây là một câu hỏi được rất nhiều thai phụ quan tâm. Xác định được thời điểm khó thở khi mang thai nên đến gặp bác sĩ tạo điều kiện cho chẩn đoán và can thiệp kịp thời, tránh xảy ra những hậu quả xấu cho cả mẹ và bé.
- Thai phụ mới bị xuất hiện khó thở lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu mang thai.
- Khó thở nhiều, tăng nhanh và nặng nề quá mức.
- Khó thở đột ngột, dữ dội.
- Khó thở đi kèm với đau ngực.
- Khó thở kèm theo khò khè, ho khạc đờm.
- Có biểu hiện môi, đầu ngón tay tím tái,...
- Tim đập nhanh.
- Cảm giác lo lắng, hốt hoảng.
Có thể thấy rằng, khó thở khi mang thai là một tình trạng rất phổ biến trên thực tế, có thể gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dù trong hầu hết các trường hợp thường không gây nguy hiểm gì, nhưng các thai phụ vẫn cần chú ý theo dõi, phát hiện kịp thời những tình trạng cần can thiệp sớm để tránh gây hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và bé.
Nguồn tham khảo:
1. Causes of shortness of breath during pregnancy
2. Shortness of breath during pregnancy