Thời tiết thay đổi, khiến nhiều trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe. Trong đó sốt là triệu chứng thường gặp. Khi trẻ bị sốt thường mệt mỏi nên hay quấy khóc khiến các bậc cha mẹ rất lo lắng. Nhiều người làm rất nhiều biện pháp bằng mọi cách để con hạ sốt. Vậy điều này có nên hay không? Và khi trẻ bị sốt cần xử trí ra sao cho đúng?
Về vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai.
PV: Thưa bác sĩ, trước tiên bác sĩ hãy cho biết cách hiểu đúng khi trẻ bị sốt? Đó là triệu chứng hay là bệnh?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Cần xác định rõ sốt cao là triệu chứng, biểu hiện chứ không phải bệnh. Sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể, tức là cứ khi nào có tác nhân gây bệnh thì cơ thể sốt để tiêu diệt virus, vi trùng. Như vậy, sốt lại là phản ứng tốt của cơ thể khi không may bị cách bệnh nhiễm trùng. Dĩ nhiên không ai muốn bị sốt, nhưng khi cơ thể bị virus, vi trùng tấn công thì phản ứng sốt là bình thường không chỉ ở trẻ con mà người lớn cũng vậy.
PV: Khi nào thì các phụ huynh nên để trẻ tự hết sốt mà không cần tìm cách hạ sốt hay đưa đến bệnh viện thưa bác sĩ?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Nếu sốt không gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của cơ thể. Cụ thể, nếu sốt không làm em bé quá mệt, không làm em bé bứt rứt, khó chịu, không làm em bé chán ăn thì người ta không cần chữa mà để tự nhiên. Những đợt sốt nhẹ như vậy nhiều khi sẽ làm bệnh nhiễm trùng nhanh khỏi.
PV: Vậy khi trẻ bị sốt cao dẫn đến co giật có cần làm điện não đồ hay không?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Cũng có một số trường hợp khi sốt quá cao có thể làm em bé bứt rứt, khó chịu, quấy khóc nhiều, một số trẻ còn bị khô mồm miệng, không ăn được nên làm cho gia đình rất lo lắng. Đặc biệt nhiều trẻ bị co giật khi sốt cao, mặt mũi tím tái thậm chí bất tỉnh. Nhưng nếu khi khám, người thầy thuốc thấy co giật chỉ do sốt cao, thời gian ngắn chỉ khoảng 5-10 giây hoặc vài chục giây thì có thể coi là co giật lành tính.
Trước khi, khi trẻ bị co giật người ta sợ hại não và người ta làm rất nhiều xét nghiệm, điện não đồ theo dõi trẻ và cho uống thuốc. Song hiện nay có thể khẳng định nếu trẻ chỉ co giật do sốt cao, sau một thời gian theo dõi hầu như không ảnh hưởng gì đến não, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Do vậy tất cả các bác sĩ nhi khoa, bác sĩ thần kinh trên thế giới khuyến cáo: không cần cho trẻ điện não đồ. Đôi khi làm điện não đồ chỉ làm cho phụ huynh thêm lo sợ. Bây giờ người ta cũng quyết định không điện não đồ ngay sau cơn giật. Và thực tế cũng không có loại thuốc phòng được co giật do sốt cao.
PV: Vậy khi nào chúng ta nên dùng thuốc hạ sốt cho trẻ thưa Bác sĩ?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Khi thấy 38,5 độ C là người ta định nghĩa là sốt cao và lúc đó mới cho thuốc hạ sốt. Có những trẻ ở nhiệt độ đó đã bị co giật nên có phụ huynh cho rằng nên uống hạ sốt lúc chưa đến 38,5 độ C đề phòng co giật. Tuy nhiên, điều này không có ý nghĩa gì cả.
PV: Phụ huynh cần chăm sóc trẻ như thế nào khi bị sốt thưa bác sĩ?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Một số chăm sóc cho trẻ bị sốt bây giờ khác so với trước. Tôi lại quay lại vấn đề, nếu sốt không làm cho trẻ quấy khóc, chán ăn, bứt rứt, mệt mỏi và chưa đến 38,5 độ C thì không dùng thuốc hạ sốt.
Thuốc hạ sốt hiện có 2 loại là là Pracetamol hoặc Ibubrofen. Hai thuốc này hạ sốt tương đương nhau. Tuy nhiên ở các nước châu Á người ta khuyến cáo dùng Pracetamol trước, vì những ngày đầu rất khó biết trẻ sốt thông thường hay sốt xuất huyết, thậm chí xét nghiệm ngày đầu tiên cũng không hiện kết quả. Trong khi không thể biết một em bé có phải sốt do virus thông thường hay sốt xuất huyết thì cách tốt nhất là dùng Pracetamol. Bởi nếu trẻ mắc sốt xuất huyết mà uống Ibubrofen thì rất hại có thể làm cho bệnh nặng thêm. Những thuốc này người dân có thể mua ở các hiệu thuốc, cứ uống theo liều lượng, tuổi ghi trên nhãn hoặc tư vấn của bác sĩ.
Ngoài ra, các bố mẹ cũng nên lưu ý một số cách xử trí khi trẻ bị sốt như sau:
Phụ huynh cũng nên chườm ấm bằng khăn mềm hoặc lau người trẻ bằng khăm ấm không nên quá 10 phút/giờ và chỉ áp dụng nếu trẻ bị sốt cao, sốt ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ.
Việc bù nước đầy đủ cho trẻ cũng rất quan trọng. Phụ huynh nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước: nước hoa quả, nước súp, oresol.. Khi được cung cấp đủ nước, thông thường cứ cách 4 tiếng trẻ đi tiểu 1 lần.
PV: Khoảng cách giữa các lần uống thuốc như thế nào? Và có nên uống xen kẽ các loại thuốc hay không thưa Bác sĩ?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Với paracetamol, khoảng cách dùng từ 4-6 tiếng, trong khi inbulfen là 6-8 tiếng. Tuyệt đối không dùng xen kẽ 2 loại thuốc này vì nhiều lý do:
- Thứ nhất, cần giảm nhiệt độ không khác gì so với chỉ dùng một mình Ibuprofen.
- Thứ 2, khoảng cách và liều dùng của 2 thuốc khác dễ nhầm lẫn liều và khoảng cách dùng giữa 2 thuốc nên dễ gây ngộ độc hoặc không có tác dụng.
- Thứ 3, khi bị dị ứng thuốc thì không biết dị ứng với thuốc nào nên đành phải dừng cả 2 thuốc kết cục là sau đó không dùng được thuốc hạ sốt nào cả.
Khi cho trẻ uống hạ sốt cũng lưu ý tránh bọc kín quá, nên để trẻ mặc đồ thông thoáng, không đắp chăn, mở thoáng cửa. Dù thời tiết là mùa đông, khi trẻ sốt, phụ huynh cũng nên nới lỏng quần áo cho trẻ.
PV: Vậy khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Các vị phụ huynh nên đưa con tới bác sĩ với các trẻ có nguy cơ sau:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi
- Không kiểm soát được nhiệt độ (dù đã cho uống thuốc mà vẫn không hạ sốt)
- Khi nghi ngờ trẻ bị mất nước do nôn, tiêu chảy (mắt trũng, khóc không nước mắt)
- Đã đưa trẻ đi khám nhưng tình trạng không cải thiện hoặc xuất hiện các triệu chứng mới.
PV: Vâng, xin cảm ơn bác sĩ./.