Khi nào thì trẻ bị viêm phế quản và viêm tiểu phế quản?

Khi nào thì trẻ bị viêm phế quản và viêm tiểu phế quản?
Viêm phế quản và viêm tiểu phế quản dễ chẩn đoán nhầm do các triệu chứng khá giống nhau. Tuy nhiên, phương pháp điều trị 2 bệnh lý này khác nhau nên việc chẩn đoán chính xác bệnh là điều cần thiết để giúp quá trình điều trị hiệu quả.

Viêm phế quản và viêm tiểu phế quản ở trẻ em đều là những rối loạn đường dẫn khí của phổi. Cả hai tình trạng đều gây viêm, nhưng ảnh hưởng đến các vùng khác nhau của phổi. Sự khác biệt chính giữa hai bệnh này là viêm phế quản liên quan đến tình trạng viêm đường dẫn khí dẫn đến khí quản, trong khi viêm tiểu phế quản liên quan đến tình trạng viêm các đường dẫn khí nhỏ phân nhánh ra khỏi phế quản, được gọi là tiểu phế quản.

Ngoài ra, viêm tiểu phế quản thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trong khi viêm phế quản là một bệnh nhiễm trùng phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi.

2 bệnh có một số triệu chứng tương đồng nhưng không giống nhau hoàn toàn. Triển vọng và phương pháp điều trị là khác nhau. Do đó, chẩn đoán chính xác bệnh sẽ giúp quá trình điều trị hiệu quả, có hướng xử lý phù hợp phòng tránh các biến chứng.

Vậy khi nào trẻ bị viêm phế quản và viêm tiểu phế quản? Cần làm gì khi trẻ bị 2 bệnh lý này?

1. Làm thế nào để chẩn đoán viêm phế quản và viêm tiểu phế quản?

Thông thường, để có những chẩn đoán ban đầu, người ta sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng. Tuỳ vào từng loại bệnh, bác sĩ sẽ tiếp tục đưa ra những chỉ định kiểm tra chuyên sâu hơn. Đối với viêm phế quản và viêm tiểu phế quản, triệu chứng bệnh là một trong những cơ sở để đưa ra chẩn đoán.

Viêm phế quản và viêm tiểu phế quản có triệu chứng bệnh khá giống nhau như:

- Ho

- Sốt

- Ớn lạnh

- Đau họng

- Nghẹt mũi

- Đau đầu hoặc đau nhức cơ thể

- Mệt mỏi

- Thở khò khè và khó thở

Khi nào thì trẻ bị viêm phế quản và viêm tiểu phế quản? - Ảnh 2.

Ho, nghẹt mũi, sốt nhẹ, thở khò khè là triệu chứng ở cả viêm phế quản và viêm tiểu phế quản (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

-  RSV ở trẻ sơ sinh nguy hiểm như thế nào?

Trẻ bị sổ mũi kéo dài, mãi không khỏi cha mẹ nên làm gì?

Tuy nhiên, trẻ bị ho do viêm phế quản có thể kèm theo chất nhầy có màu từ trong đến vàng, xám hoặc xanh lục. Các cơn ho này có thể khiến trẻ bị tức ngực.

Nếu trẻ bị ho do viêm tiểu phế quản, thường sẽ là ho khan. Các triệu chứng viêm tiểu phế quản có xu hướng bắt đầu giống như cảm lạnh thông thường, ho, sốt nhẹ và sổ mũi nhưng các triệu chứng sẽ nặng hơn khi bệnh đạt đến đỉnh điểm và bắt đầu cải thiện.

Ở hầu hết trẻ em, viêm tiểu phế quản kéo dài khoảng một tuần đến 10 ngày và bệnh cải thiện trong vòng hai đến ba tuần.

Mặc dù có thể dựa vào triệu chứng, nhưng nếu xác định bệnh thông qua những triệu chứng này có thể không chính xác hoàn toàn, từ đó dẫn tới việc điều trị không đúng cách. Vì vậy, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám.

Bên cạnh việc xem xét triệu chứng, bác sĩ có thể đo nồng độ oxy và lắng nghe âm thanh ở ngực. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể thực hiện xét nghiệm máu và chụp X-quang ngực để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, ngoáy mũi để xét nghiệm hợp bào hô hấp đối với trường hợp nghi viêm tiểu phế quản, ...

2. Nguyên nhân gây viêm phế quản và viêm tiểu phế quản ở trẻ em giống nhau không?

Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, viêm tiểu phế quản xảy ra phổ biến nhất ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân thường là do virus. Virus hợp bào hô hấp (RSV) là virus lây nhiễm phổ biến nhất gây ra viêm tiểu phế quản. Mặc dù bệnh có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong năm nhưng phổ biến nhất là vào những tháng mùa đông.

Khi nào thì trẻ bị viêm phế quản và viêm tiểu phế quản? - Ảnh 3.

Virus là nguyên nhân phổ biến gây ra viêm phế quản và viêm tiểu phế quản (Ảnh: Internet)

Nguyên nhân gây ra viêm phế quản cấp tính được cho là virus gây ra, chủ yếu là virus cúm và cảm lạnh. Còn viêm phế quản mãn tính thường phát triển theo thời gian do tiếp xúc với khói thuốc hoặc tiếp xúc với các chất kích thích môi trường, chẳng hạn như khói nhiên liệu sinh khối hoặc ô nhiễm không khí.

Một số loại vi khuẩn như phế cầu khuẩn, ho gà, ... cũng có thể gây viêm phế quản nhưng ít phổ biến hơn.

3. Điều trị viêm phế quản và viêm tiểu phế quản như nào?

Viêm phế quản và viêm tiểu phế quản có hướng điều trị khác nhau. Do đó, việc chẩn đoán chính xác bệnh là điều cần thiết để giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả.

Phương pháp điều trị viêm phế quản: Tuỳ vào tình trạng bệnh, bác sĩ có thể đưa ra những phương pháp điều trị như:

- Dùng thuốc kháng sinh nhưng chỉ dùng trong trường hợp điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Nếu trẻ không bị nhiễm trùng thì kháng sinh không có tác dụng điều trị bệnh.

- Điều trị triệu chứng, chẳng hạn bác sĩ sẽ kê các loại thuốc để làm giảm sốt, ho, nghẹt mũi, loãng đờm, ...

- Các loại thuốc như steroid có thể làm giảm viêm đối với các tình trạng khác như hen suyễn

Khi nào thì trẻ bị viêm phế quản và viêm tiểu phế quản? - Ảnh 4.

Điều trị theo chỉ định từ bác sĩ và kết hợp với chế độ chăm sóc phù hợp sẽ giúp chữa viêm phế quản và viêm tiểu phế quản hiệu quả (Ảnh: Internet)

Phương pháp điều trị viêm tiểu phế quản: Nếu trẻ bị viêm tiểu phế quản nhẹ, bác sĩ có thể kê thuốc và chỉ định điều trị tại nhà như thuốc giảm ho, thuốc kháng histamin, thuốc co mạch, long đờm, ...

Bên cạnh đó, cha mẹ cần:

- Vệ sinh mũi thường xuyên cho con với nước muối sinh lý

- Cho trẻ uống nhiều nước

- Chia thành các bữa ăn nhỏ để trẻ ăn uống dễ dàng hơn

Đối với những trường hợp nặng cần đến bệnh viện điều trị theo phác đồ từ bác sĩ.

Lưu Ý, các loại thuốc điều trị viêm phế quản và viêm tiểu phế quản cần sử dụng đúng theo chỉ định từ bác sĩ. Không tự ý mua thuốc hoặc sử dụng không đủ liệu trình.

Ngoài ra, trong quá trình điều trị viêm phế quản và viêm tiểu phế quản, cha mẹ nên bổ sung cho con đầy đủ vitamin và khoáng chất bằng chế độ ăn uống đầy đủ, tránh xa các tác nhân gây kích thích như khói thuốc, bụi bẩn, ... Nếu cần bổ sung thêm thực phẩm chức năng, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

4. Làm thế nào để phòng ngừa viêm phế quản và viêm tiểu phế quản?

Viêm phế quản và viêm tiểu phế quản là bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn gây ra. Vì vậy, để phòng ngừa 2 bệnh lý này, cha mẹ nên thực hiện một số biện pháp sau:

- Khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng, không cho tay lên mắt, mũi, miệng.

- Xây dựng chế độ ăn uống của con một cách cân bằng như cho trẻ ăn nhiều rau củ quả giàu vitamin, sữa, trứng, uống nhiều nước, … để tăng cường sức đề kháng của trẻ.

- Tiêm chủng đầy đủ cho con

- Không cho con tiếp xúc với khói thuốc, khi gia đình có người hút thuốc nên dành một khu vực riêng hoặc tốt nhất là cai thuốc.

- Giữ khoảng cách cho trẻ với những trẻ có dấu hiệu bị bệnh

- Nếu con bạn có dấu hiệu bị bệnh, nên cho con cách ly tại nhà, dạy con khi ho hoặc hắt hơi nên dùng khăn giấy che miệng và bỏ vào sọt rác ngay sau đó.

- Làm sạch và khử trùng bề mặt và đồ vật mà mọi người thường xuyên chạm vào, chẳng hạn như đồ chơi và tay nắm cửa để ngăn ngừa virus, vi khuẩn phát triển, gây bệnh.

Nhìn chung, viêm phế quản và viêm tiểu phế quản ở trẻ không quá nguy hiểm khi điều trị kịp thời. Vì vậy, khi có dấu hiệu bệnh, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán chính xác bệnh và có hướng điều trị phù hợp.

Nguồn tham khảo:

1. What are the differences between bronchiolitis and bronchitis?

2. Bronchiolitis vs. Bronchitis


Tác giả: Vân Anh