Khi nào bạn cần phải bổ sung kẽm cho cơ thể?

Khi nào bạn cần phải bổ sung kẽm cho cơ thể?
Kẽm là khoáng chất cần thiết cho nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau. Việc bổ sung kẽm cho cơ thể cần tuân thủ nguyên tắc, liều lượng, đối tượng hợp lý. Việc bổ sung tùy tiện có thể gây ra một số hậu quả, đặc biệt là đối với bà bầu.

Một chế độ dinh dưỡng đa dạng sẽ bổ sung đủ lượng kẽm mà cơ thể cần. Tuy nhiên, không phải ai cũng đáp ứng đủ nhu cầu kẽm thông qua chế độ ăn uống. Trong trường hợp đó, việc sử dụng các sản phẩm để bổ sung kẽm cho cơ thể là lựa chọn cần thiết.

Những đối tượng cần bổ sung kẽm cho cơ thể

Kẽm là khoáng chất có vai trò quan trọng đối với nhiều hoạt động bên trong cơ thể. Do đó, khi cơ thể thiếu hụt kẽm, các hoạt động này cũng sẽ phần nào bị ảnh hưởng. Thiếu hụt kẽm không phải là một tình trạng quá phổ biến. Tuy nhiên, một số đối tượng vẫn có nguy cơ cao đối mặt với tình trạng này và cần thường xuyên bổ sung kẽm cho cơ thể. Cụ thể như sau:

1. Người ăn chay thường xuyên

Kẽm trong thực phẩm phần lớn sẽ được tìm thấy ở các loại thịt hoặc thuỷ, hải sản. Phần còn lại sẽ nằm ở các loại đậu, hạt và các loại rau có màu xanh đậm. Do đó, người ăn chay sẽ có nguy cơ thiếu hụt kẽm nếu chế độ ăn uống kém đa dạng.

2. Những người mắc một số bệnh lý về tiêu hoá

Rối loạn tiêu hóa, viêm ruột và hội chứng ruột ngắn là những đối tượng thường bị thiếu hụt kẽm. Bởi khả năng hấp thụ của cơ thể họ sẽ kém hơn rất nhiều so với người bình thường. Ngoài ra, một số bệnh lý như loét miệng hay bệnh thận cũng gây ra các tác động tương tự.

3. Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú

Đây là những đối tượng có nhu cầu cao về hàm lượng kẽm và cần bổ sung kẽm cho cơ thể thường xuyên. Đặc biệt là những phụ nữ có lượng kẽm dự trữ lúc bắt đầu mang thai thấp.

4. Trẻ trên 7 tháng tuổi

Trước 7 tháng tuổi, hàm lượng kẽm cung cấp cho trẻ hoàn toàn là từ sữa mẹ. Tuy nhiên, sau thời gian này, sữa mẹ sẽ không còn đáp ứng đủ lượng kẽm mà trẻ cần. Bởi hàm lượng kẽm trong sữa mẹ sẽ có xu hướng giảm dần theo thời gian. Do đó, các bà mẹ cần tự bổ sung kẽm cho cơ thể để hạn chế tình trạng suy giảm kẽm.

Ngoài ra, ở độ tuổi này, trẻ cũng có thể bắt đầu chế độ ăn dặm. Để đảm bảo lượng kẽm cho cơ thể, bố mẹ nên cho trẻ ăn thêm các thực phẩm giàu kẽm.

5. Những người mắc bệnh hồng huyết cầu hình lưỡi liềm

Hồng huyết cầu hình lưỡi liềm có thể làm giảm khả năng hấp thụ kẽm của cơ thể. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hơn 60% bệnh nhân mắc căn bệnh này có mức độ kẽm thấp. Đặc biệt, tỷ lệ kẽm còn thấp hơn đối với những bệnh nhân nhỏ tuổi.

6. Nam giới ở độ tuổi trưởng thành

Kẽm có mối quan hệ mật thiết với sức khoẻ và sinh lý của cánh mày râu. Bởi ở mỗi lần xuất tinh, cơ thể nam giới sẽ phải tiêu thụ ít nhất 5mg kẽm. Do đó, việc thiếu hụt kẽm có thể làm giảm tần suất quan hệ và chất lượng của tinh trùng. Nghiêm trọng hơn, lượng kẽm trong cơ thể thấp còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh. Do đó, đây cũng là đối tượng cần phải thường xuyên bổ sung kẽm cho cơ thể.

Lời khuyên khi bổ sung kẽm

Bạn có thể bổ sung kẽm cho cơ thể thông qua rất nhiều nguồn khác nhau, như các loại thực phẩm và dược phẩm. Đối với thực phẩm chứa kẽm, bạn có thể sử dụng trong chế độ ăn uống hàng ngày. Bởi chúng là các nguồn cung cấp kẽm an toàn và cần thiết cho nhu cầu của cơ thể.

Ngược lại, các sản phẩm dược phẩm bổ sung kẽm chỉ nên được sử dụng trong một số trường hợp. Bởi về bản chất, chúng cũng là các loại thuốc tân dược. Do đó, việc sử dụng các loại thuốc phải được sự chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.

Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc này trong các trường hợp cơ thể thiếu hụt kẽm. Tuy nhiên, các trường hợp thiếu hụt kẽm lại rất khó nhận biết thông qua các biểu hiện bên ngoài. Vì vậy, rất nhiều người vì lầm tưởng cơ thể thiếu hụt mà tự ý sử dụng loại thuốc này. Hậu quả là thuốc gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người sử dụng do xảy ra tác dụng phụ.

Không phải đối tượng nào cũng nên bổ sung kẽm cho cơ thể bằng dược phẩm. Do đó, nếu bạn có ý định bổ sung kẽm cho cơ thể theo cách này, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để tránh hậu quả đáng tiếc.


Tác giả: Thùy Dung