Khi nào nên sử dụng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Khi nào nên sử dụng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng?
Điều trị viêm mũi dị ứng bằng thuốc là một trong các phương pháp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng chỉ thật sự đạt hiệu quả cao khi sử dụng đúng thuốc và đúng thời điểm.

1. Các loại thuốc điều trị viêm mũi dị ứng

Hiện nay, sử dụng thuốc để điều trị viêm mũi dị ứng là lựa chọn được rất nhiều bác sĩ và bệnh nhân ưu tiên sử dụng. Bởi điều trị viêm mũi dị ứng bằng thuốc có rất nhiều ưu điểm như thuốc có tác dụng nhanh trong đẩy lui các triệu chứng của bệnh và rất dễ dàng trong sử dụng.

Những loại thuốc điều trị viêm mũi dị ứng được sử dụng chủ yếu hiện nay bao gồm:

- Các thuốc kháng Histamin: Thuốc làm giảm sự giải phóng histamin, giảm đáp ứng của cơ thể với Histamin (chất được sinh ra nhiều khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, thúc đẩy phản ứng dị ứng xảy ra) do đó làm giảm các biểu hiện của bệnh.

- Các thuốc gây co mạch: Thuốc điều trị viêm mũi dị ứng thuộc nhóm thuốc gây co mạch có tác dụng làm co mạch, giảm dịch tiết trong đường hô hấp, giảm phù nề đường hô hấp.

- Các thuốc corticoid: Thường được sử dụng cho các trường hợp nặng, làm giảm tình trạng viêm nhiễm, ức chế đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với dị nguyên gây dị ứng.

2. Khi nào nên sử dụng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng?

Mặc dù có nhiều ưu điểm khác nhau khi sử dụng, tuy nhiên việc sử dụng các loại thuốc điều trị viêm mũi dị ứng cần phải rất thận trọng. Bởi quá lạm dụng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng có thể gây lờn thuốc, gia tăng nguy cơ mắc tác dụng phụ, và các loại thuốc chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng và biểu hiện của bệnh chứ không giải quyết nguyên nhân gây bệnh,...

Vì vậy, ưu tiên đầu tiên khi điều trị cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng không phải là sử dụng thuốc mà là điều trị bảo tồn bệnh nhân bằng các phương pháp không sử dụng thuốc như thay đổi môi trường sống hoặc lao động, loại bỏ sự tiếp xúc với dị nguyên, vệ sinh đường hô hấp sạch sẽ,...

Chỉ khi các điều trị bảo tồn không sử dụng thuốc sử dụng đơn độc thất bại hoặc các triệu chứng do bệnh gây nên trầm trọng và ảnh hường nhiều, bệnh nhân mới được khuyến khích sử dụng điều trị viêm mũi dị ứng bằng thuốc.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị viêm mũi dị ứng bằng thuốc, bệnh nhân vẫn phải phối hợp với điều trị không sử dụng thuốc, tránh tiếp xúc dị nguyên,... để đề phòng bệnh tái phát.

3. Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng

Như đã nói, khi bệnh nhân sử dụng các loại thuốc điều trị viêm mũi dị ứng, mặc dù có thể kiểm soát được bệnh nhờ tác dụng của thuốc tuy nhiên điều này cũng khiến bệnh nhân phải đối mặt với các nguy cơ tác dụng phụ có thể xảy ra.

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra trên bệnh nhân khi sử dụng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng có thể kể đến như:

- Thuốc kháng Histamin: Khô miệng, chóng mặt, buồn nôn, bồn chồn, ủ rũ, bí tiểu, mắt mờ,...

- Thuốc co mạch: Gây tăng huyết áp, nhịp tim nhanh,...

- Thuốc corticoid: Do được sử dụng bằng đường hít nên chủ yếu gây nên các tác dụng phụ tại chỗ như dễ bị viêm nhiễm tại chỗ hơn, mỏng da, niêm mạc,... Nếu dùng lâu dài hoặc liều cao có thể gây nên tác dụng phụ toàn thân như viêm loét dạ dày-tá tràng, suy giảm miễn dịch,...

Vì vậy để đảm bảo an toàn khi sử dụng các thuốc điều trị viêm mũi dị ứng, tránh tác dụng phụ bệnh nhân cần sử dụng thuốc đúng liều, đúng chỉ dẫn của bác sĩ và cần thông báo kịp thời với bác sĩ điều trị về những bất thường mà bản thân gặp phải để có thể xử lý kịp thời.

Có thể thấy rằng, thuốc điều trị viêm mũi dị ứng mặc dù có hiệu quả tốt, nhưng để phát huy tối đa hiệu quả của thuốc và an toàn khi sử dụng, việc sử dụng thuốc đúng thời điểm là vô cùng quan trọng.


Tác giả: QN