Khi nào nên cắt trĩ? Làm thế nào để không phải cắt trĩ?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Khi nào nên cắt trĩ? Làm thế nào để không phải cắt trĩ?
Khi nào nên cắt trĩ chắc chắn là câu hỏi của rất nhiều bệnh nhân bị mắc trĩ, bởi vì phương pháp này không thể áp dụng tùy tiện lên bất cứ ai. Hãy tìm hiểu thông tin chi tiết qua bài viết sau đây.

Bệnh trĩ đã và đang trở thành căn bệnh không còn xa lạ với chúng ta hiện nay. Ngày càng có nhiều phương pháp để đối phó với chúng. Cắt trĩ là một cách giúp loại bỏ những búi trĩ chỉ trong một lần và ngăn nguy cơ tái phát.

Tuy nhiên, không phải ai muốn phẫu thuật cắt trĩ cũng được và không phải trường hợp nào cũng cần cắt búi trĩ. Người bệnh cần vừa hiểu rõ điều kiện cắt trĩ và tình trạng sức khỏe của mình để lựa chọn cách điều trị trĩ phù hợp. Vậy khi nào nên cắt trĩ mới là hợp lý? Tất cả sẽ được chia sẻ trong bài viết dưới đây.

1. Khi nào người bệnh nên cắt trĩ?

Nguyên nhân hình thành bệnh trĩ là do các đám rối tĩnh mạch trĩ ở hậu môn giãn nở quá mức. Về mặt khoa học, đám rối tĩnh mạch này là cơ chế hoàn toàn bình thường của con người. Chúng tạo thành lớp đệm ở hậu môn giúp cho việc đào thải chất thải của cơ thể được tự chủ. Vì vậy, khi người bệnh bị trĩ, cần phải tìm cách giữ lại đám rối tĩnh mạch này nếu bệnh chưa quá nặng.

Bệnh trĩ nội được chia ra bốn cấp độ, tùy theo cấp độ sẽ quyết định khi nào nên cắt trĩ:

- Cấp I: Bệnh trĩ chảy máu, nhưng không to lên. Các búi trĩ khá to nhưng không nhô ra ngoài hậu môn.

- Cấp II: Bệnh trĩ tự nhô ra và co vào (Có thể chảy máu hoặc không). Chúng nhô ra ngoài hậu môn qua một số hoạt động như đi đại tiện và tự co lại khi kết thúc.

- Cấp III: Bệnh trĩ không thể tự co lại mà phải can thiệp bằng ngón tay.

- Cấp IV: Bệnh trĩ hoàn toàn không co vào trong được. Trĩ độ IV cũng bao gồm trĩ huyết khối (Chứa các cục máu đông) hoặc kéo phần lớn niêm mạc trực tràng ra khỏi hậu môn.

Ở đây, khi điều trị trĩ, các bác sĩ chỉ chỉ định thời điểm nên cắt trĩ với trĩ ngoại ( trĩ luôn luôn nhô ra ngoài), trĩ nội độ ba và độ bốn, trĩ hỗn hợp, trĩ vòng kèm theo một số biểu hiện nguy hiểm như sau:

- Sa nghẹt: hiện tượng búi trĩ sa xuống làm nghẹt một phần hoặc toàn bộ chu vi hậu môn, gây đau đớn, nhiễm trùng.

- Tắc mạch: tắc tĩnh mạch gây đau, nổi cục cứng, bệnh nhân chỉ dám ngồi bằng một mông.

- Nhiễm trùng: gây cảm giác ngứa ngáy, nóng rát, bị loét trong hậu môn.

Nếu các bác sĩ chẩn đoán bạn bị một trong các loại trĩ hoặc bạn bị một trong các dấu hiệu trên thì khi đó bạn nên cắt trĩ.

2. Cách phòng ngừa để không phải cắt trĩ

Để phòng tránh khả năng mắc bệnh trĩ và lo lắng về câu hỏi khi nào nên cắt trĩ, chúng ta có thể ngăn ngừa bằng những cách sau:

- Ăn thực phẩm giàu chất xơ: thêm trái cây, ngũ cốc và rau củ vào khẩu phần ăn. Khoảng 30-40 gram chất xơ mỗi ngày là phù hợp

- Cung cấp cho cơ thể nhiều chất lỏng: nước khoáng, nước ép hoa quả,... sẽ giúp phân mềm và dễ đi qua hậu môn

- Tránh căng thẳng: căng thẳng sẽ làm tĩnh mạch giãn ra quá mức gây bệnh trĩ

- Tập thể dục: vận động sẽ giúp tránh táo bón và áp lực trong tĩnh mạch

- Không ngồi lâu: Ngồi lâu làm tăng áp lực lên tĩnh mạch gây giãn

- Đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu: tránh nhịn lâu vì phân sẽ tích tụ cứng lại, các cơ hậu môn phải làm việc vất vả hơn gây trĩ

Trĩ là một bệnh khá phổ biến hiện nay, nhưng về cơ bản bệnh này không quá khó phòng tránh và khó chữa. 

Khi điều trị bệnh trĩ, chỉ khi nào bệnh trĩ của bạn nặng tới một mức độ nhất định thì các bác sĩ mới quyết định cho bạn cắt trĩ. Với những chia sẻ về các trường hợp cụ thể để người bệnh hiểu rõ khi nào nên cắt trĩ trong bài viết trên, hi vọng các bạn sẽ hiểu rõ về căn bệnh này và yên tâm chữa trị nó sớm nhất có thể. 



Tác giả: Nguyễn Thị An