Khi nào có thể tự điều trị cảm lạnh tại nhà?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Khi nào có thể tự điều trị cảm lạnh tại nhà?
Cảm lạnh là căn bệnh phổ biến và thường được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, để điều trị cảm lạnh tại nhà hiệu quả, bệnh nhân cần phải lưu ý một số vấn đề.

Cảm lạnh là căn bệnh phổ biến và thường được điều trị tại nhà. Nhưng liệu có phải tất cả các trường hợp đều có thể tự điều trị cảm lạnh tại nhà hay không?

1. Các biện pháp khắc phục và điều trị cảm lạnh tại nhà

Các triệu chứng của bệnh cảm lạnh thường thuyên giảm sau từ 7 đến 10 ngày. Do không quá nghiêm trọng nên bệnh cảm lạnh thường được điều trị tại nhà. Các biện pháp khắc phục tại nhà tuy không có khả năng chữa trị dứt điểm căn bệnh cảm lạnh, nhưng chúng lại giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn nhờ làm giảm các triệu chứng. Các phương pháp hỗ trợ điều trị cảm lạnh tại nhà bao gồm:

- Uống thật nhiều chất lỏng để tránh mất nước. Bệnh nhân có thể sử dụng các loại nước như nước lọc, trà thảo mộc, trà xanh, nước trái cây…

- Tránh sử dụng các loại đồ uống nhiều đường hoặc có chứa cồn như: bia, ruợu, soda…

- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều đạm, trái cây và rau củ quả.

- Vệ sinh khoang mũi bằng nước ấm, nước muối. Việc này sẽ giúp bệnh nhân hít thở dễ dàng hơn và ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập trở lại.

- Vệ sinh thân thể bằng nước ấm và tránh để mồ hôi thấm ngược vào cơ thể khi điều trị cảm lạnh tại nhà.

- Tăng cường độ ẩm trong không khí và giữ không gian sống luôn sạch sẽ, thoáng mát. Bởi độ ẩm phù hợp có thể làm giảm các triệu chứng như nghẹt mũi, ho và đau họng.

- Súc miệng bằng nước muối để làm giảm tình trạng đau rát họng. Ngoài ra, bệnh nhân cảm lạnh cũng có thể súc miệng với dung dịch gồm muối, chanh và mật ong.

2. Khi nào có thể điều trị cảm lạnh tại nhà?

Nếu bệnh nhẹ, người mệt mỏi, sổ mũi được điều trị tích cực bằng các phương pháp tại nhà thì người bệnh không cần quá lo lắng. Tuy nhiên nếu các triệu chứng cảm lạnh kéo dài trên 2 tuần thì cần đến bệnh viện để điều trị. Đối với trẻ em và người đang mang thai không nên tự ý điều trị. 

Một số dấu hiệu cho thấy bệnh nhân cần đến bệnh viện để điều trị cảm lạnh bao gồm:

- Sốt cao và kéo dài.

- Khó thở và tức ngực.

- Thường xuyên có cảm giác buồn nôn, chất nôn có máu, mật xanh và các chất lạ khác.

- Xuất hiện các cơn đau đầu dữ dội.

- Không thể nuốt thức ăn do đau rát ở cổ họng.

- Phát ban.

- Ho nhiều và không có dấu hiệu thuyên giảm.

- Nghẹt mũi nghiêm trọng gây khó thở hoặc chảy máu bên trong khoang mũi.

3. Các biện pháp hạn chế sự lây lan của bệnh cảm lạnh

Bên cạnh điều trị, việc tránh để cảm lạnh lây lan cho người thân cũng là điều cần quan tâm. Để thực hiện được điều này, người mắc bệnh cảm lạnh nên thực hiện tốt các yêu cầu sau:

- Rửa tay thường xuyên

Bàn tay là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với các vi rút hoặc vi khuẩn nguy hại. Do đó, rửa tay thường xuyên là biện pháp đơn giản nhất để ngăn chặn vi khuẩn phát tán. Thời gian rửa tay được khuyến nghị là khoảng 20 giây, với nước sạch và xà phòng diệt khuẩn. Ngoài ra, một số loại nước khử trùng tay có chứa cồn cũng là một lựa chọn không tồi.

- Tăng cường sức đề kháng

Hệ miễn dịch khỏe mạnh được xem là yếu tố tiên quyết để chống lại vi khuẩn gây bệnh. Bệnh nhân có sức đề kháng tốt thường có thời gian hồi phục nhanh hơn so với những người khác. Chế độ dinh dưỡng và tập luyện là những biện pháp hiệu quả nhất để tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, giảm căng thẳng và thuốc lá cũng là cách để có hệ miễn thống miễn dịch khỏe mạnh.

- Tránh chia sẻ vi trùng trong quá trình điều trị cảm lạnh tại nhà

Bệnh nhân cảm lạnh nên sử dụng các đồ dùng cá nhân riêng để tránh chia sẻ vi trùng. Đặc biệt là các vật dụng như cốc, chén, đũa và khăn giấy. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên hạn chế hoặc tránh đến những nơi đông người. Nếu phải đến những khu vực này thì việc sử dụng khẩu trang là điều cần thiết.

Cảm lạnh là căn bệnh không quá nghiêm trọng, bạn hoàn toàn có thể tự điều trị cảm lạnh tại nhà. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể gây ra các biến chứng nếu không được chăm sóc đúng cách. Do đó, bệnh nhân nên chú ý theo dõi bệnh tình nhất là khi điều trị cảm lạnh tại nhà.


Tác giả: Thùy Dung