Khi nào cần xạ trị ung thư thực quản?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Khi nào cần xạ trị ung thư thực quản?
Hiện nay, điều trị ung thư thực quản cần phối hợp nhiều chuyên ngành bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Tuy nhiên không phải ai cũng biết khi nào thì bệnh nhân cần xạ trị ung thư thực quản.

Ung thư thực quản thuộc loại Ung thư có diễn biến xấu nhất trong các U của nội tạng do nó thường đã ở giai đoạn tiến triển rộng khi phát hiện được trên lâm sàng. Bệnh thường gặp ở nam giới với độ tuổi trên 40. 

Nhìn chung mọi trường hợp bệnh nhân mắc bệnh ung thư thực quản khi phát hiện ra đều cần được điều trị tích cực ngay. Việc điều trị thường là tích hợp các biện pháp như: phẫu thuật sớm, chiếu xạ, hoá chất,... Trong đó phương pháp xạ trị là sử dụng các chùm tia có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư.

1. Xạ trị ung thư thực quản như thế nào?

Để xạ trị ung thư thực quản, bác sĩ dùng 1 chùm tia có năng lượng cao (thường là tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư bằng 3 cách chủ yếu là chiếu tia từ bên ngoài, dùng thỏi phóng xạ nhỏ cắm vào các hốc tự nhiên trong cơ thể. và tiêm các thuốc có đồng vị phóng xạ.

Một ống nhựa có thể được đặt vào trong thực quản để gìữ cho thực quản mở trong khi chiếu xạ. Thủ thuật này được gọi là đặt ống trong lòng thực quản và nong. Hai phương pháp chính được sử dụng khi xạ trị ung thư thực quản là:

– Xạ trị bên ngoài: đây là loại điều trị tập trung bức xạ từ bên ngoài cơ thể, và thường được sử dụng để chữa bệnh ung thư thực quản. Quá trình điều trị bằng xạ trị không gây đau đớn, và chỉ kéo dài vài phút. Thông thường, phương pháp điều trị bức xạ được thực hiện 5 ngày một tuần, và kéo dài trong vài tuần.

– Xạ trị áp sát: với phương pháp điều trị này, bác sĩ sử dụng ống nội soi ở cổ họng để đặt chất phóng xạ tiếp cận gần với khối ung thư.

Xạ trị áp sát thường được sử dụng cho bệnh nhân ung thư thực quản ở giai đoạn tiến triển để thu nhỏ khối u, giúp bệnh nhân nuốt dễ dàng hơn. Kỹ thuật này không thể sử dụng để điều trị một khu vực lớn, vì vậy đây được xem là một biện pháp giảm nhẹ triệu chứng, chứ không phải phương pháp chữa trị.

2. Khi nào cần xạ trị ung thư thực quản

Sau khi được chẩn đoán ung thư thực quản, và xác định giai đoạn bệnh. hồ sơ bệnh án của bệnh nhân sẽ được đưa vào thảo luận trong buổi hội chẩn của các bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất. Hai cơ sở chính để quyết định điều trị là tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân và giai đoạn (mức độ phát triển) của bệnh. 

Xạ trị ung thư thực quản thường được chỉ định cho các trường hợp sau:

- Là phương án điều trị chủ đạo trong một số trường hợp, thường kết hợp song song với điều trị hóa chất (hóa xạ trị đồng thời). Đây là phác đồ thường được dành cho những bệnh nhân ung thư thực quản không thể phẫu thuật do tình trạng bệnh hoặc thể trạng kém hoặc có chống chỉ định phẫu thuật khác từ bác sĩ.

- Xạ trị ung thư thực quản trước phẫu thuật với mục đích giảm kích thước khối u, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phẫu thuật (xạ trị bổ trợ trước phẫu thuật).

- Xạ trị sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt triệt để những tế bào ung thư còn sót lại tại vị trí u và vùng lân cận, củng cố thêm kết quả của cuộc phẫu thuật (xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật).

- Xạ trị giúp cải thiện các triệu chứng của ung thư thực quản giai đoạn muộn như đau ngực, chảy máu ... (Xạ trị triệu chứng).

Ngoài ra, chỉ định điều trị ung thư thực quản còn phụ thuộc vào vị trí tổn thương. Với ung thư thực quản 1/3 trên thường được chỉ định hóa - xạ triệt căn do can thiệp ngoại khoa vùng này rất khó khăn. Đối với trường hợp bệnh nhân ung thư thực quản 1/3 giữa và dưới thì hóa – xạ tiền phẫu kết hợp trong đó phẫu thuật là ưu tiên hàng đầu. 

Hiện nay, các kỹ thuật xạ trị hiện đại như xạ trị điều biến liều (IMRT) hay xạ trị quay điều biến thể tích (VMAT) giúp kiểm soát u tốt hơn trong khi hạn chế tác dụng phụ trên mô lành, đặc biệt trong trường hợp ung thư thực quản ở 1 phần 3 trên của thực quản.


Tác giả: Thúy Nga