Khi nào cần phẫu thuật chữa gai cột sống?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Khi nào cần phẫu thuật chữa gai cột sống?
Phẫu thuật chữa gai cột sống là một biện pháp hữu hiệu nhưng không phải lúc nào cũng nên sử dụng cho bệnh nhân.

Gai cột sống (hay còn gọi là Spondylosis) là căn bệnh thoái hóa cột sống. Bệnh này xuất hiện khi các phần xương mọc ra (gai xương) ngoài và hai bên cột sống. Đây là kết quả của quá trình phát triển của các đĩa sụn, đốt sống, chấn thương, dây chằng quanh khớp hay sự lắng đọng canxi.

Gai xương là các điểm lồi nhô ra hoặc mỏm xương tại các khớp. Sự hình thành của chúng tới từ các cản trở của xương và tổn thương bề mặt của khớp, dẫn tới các cơn đau nhức cho bệnh nhân. Mọi bộ phận cột sống đều có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bệnh. Trong đó, các vùng dễ chịu tác động nhất là thắt lưng và cổ.

Gai cột sống khiến người mắc gặp khó khăn trong hoạt động đời thường. Các cơn đau dai dẳng ở các vùng vai, thắt lưng hoặc cổ do gai tiếp xúc với dây thần kinh. Các xương đốt sống bị gai tác động làm cử động bị hạn chế, lây lan cơn đau xuống cánh tay, tay chân bị tê.

1. Khi nào cần phẫu thuật chữa gai cột sống?

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp chữa bệnh gai cột sống khác nhau. Mỗi phương pháp sẽ có ưu điểm, nhược điểm khác nhau. Tùy vào từng bệnh nhân, triệu chứng bệnh mà sẽ có cách chữa bệnh khác nhau. Trong đó, được nhiều người tin tưởng nhất là cách phẫu thuật chữa gai cột sống.

Dẫu vậy, có phải phẫu thuật chữa gai cột sống hiệu quả với mọi trường hợp?

Thực tế, phương pháp phẫu thuật chữa gai cột sống chỉ được chỉ định như lựa chọn cuối cùng cho bệnh nhân. Không phải bệnh nhân nào cũng nên sử dụng phương pháp này vì những nhược điểm của nó.

Để sử dụng phương pháp này, bệnh nhân cần có sự xuất hiện của một vài trường hợp dưới đây:

- Thoái hóa cột sống thắt lưng nặng tới mức bị teo cơ, chân tê yếu.

- Thoái hóa cột sống làm tủy sống bị chèn ép.

- Cột sống bị biến dạng vì chấn thương hoặc thoái hóa trong thời gian dài.

- Thoát vị đĩa đệm, rễ thần kinh bị chèn ép.

- Cơn đau kéo dài mà không thể điều trị triệt để.

Trước khi nghĩ tới việc phẫu thuật chữa gai cột sống, bệnh nhân cần kiểm tra tình hình sức khỏe của mình. Ở thể nhẹ của bệnh, quá trình phát triển của gai xương không gây đau cho cơ thể. Chỉ khi gai chèn ép vào xương khớp, các mô, dây thần kinh, dây chằng xung quanh thì bệnh nhân mới cảm thấy đau.

Lúc này, bệnh nhân có thể tính toán sử dụng các phương pháp điều trị khác phù hợp hơn phương pháp phẫu thuật như dùng thuốc Tây y, thuốc Đông y, vật lý trị liệu,…

Chỉ khi các cơn đau lặp lại và ngày càng nặng thêm, hạn chế việc cận động thì bệnh nhân mới nên nghĩ tới việc phẫu thuật. Quyết định này cần sự cân nhắc kỹ càng về mọi mặt (chi phí, người phẫu thuật, điều kiện cơ sở vật chất…) vì sự phức tạp của phương pháp yêu cầu rất cao để thực hiện.

2. Tái phát bệnh có cần phải phẫu thuật lại?

Một nguyên nhân khác khiến các chuyên gia y tế khuyên bệnh nhân không nên vội dùng phương pháp phẫu thuật chữa gai cột sống là vì khả năng tái phát bệnh khá cao. Điều này càng dễ xảy ra hơn với các bệnh nhân không có chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học.

Phẫu thuật chỉ có thể loại bỏ gai xương gây ra bệnh chứ không thể loại triệt để nguyên nhân dẫn tới bệnh gai cột sống. Vậy nên, phẫu thuật xong, các gai sẽ lại tiếp tục chu trình phát triển như trước khi được loại bỏ.

Nếu không may rơi vào trường hợp bệnh tái phát, bệnh nhân không nên sợ hãi mà tiếp tục phẫu thuật ngay. Bệnh nhân cần bình tĩnh, kiểm tra lại sức khỏe tổng thể và xin lời khuyên của bác sĩ. Căn bệnh này không chỉ có mỗi phương pháp phẫu thuật chữa gai cột sống mới đem lại hiệu quả.

Tốt nhất, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân càn nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe bản thân. Các thói quen xấu, không tốt cho sức khỏe nên tránh xa. Thói quen khám bệnh định kì mỗi 6 tháng nên duy trì để kiểm soát sức khỏe. Có như vậy, bệnh nhân mới có thể phát hiện bệnh kịp thời và tìm phương pháp chữa bệnh thích hợp thay vì lo lắng để rồi phẫu thuật gấp.


Tác giả: Quang Anh