Khi nào cần hóa trị ung thư thực quản?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Khi nào cần hóa trị ung thư thực quản?
Hóa trị ung thư thực quản là phương pháp sử dụng thuốc nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị có thể giúp phá hủy tế bào ung thư ở nhiều nơi cùng lúc, tuy nhiên không phải lúc nào bệnh nhân cũng được chỉ định phương pháp điều trị này.

Hoá trị ung thư thực quản là một phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ác tính. Bác sĩ có thể chỉ định dùng một loại thuốc hoặc kết hợp nhiều loại thuốc trong khi điều trị cho bệnh nhân. Phương pháp hoá trị ung thư thực quản có thể áp dụng một mình hoặc kết hợp với xạ trị trước phẫu thuật nhằm mục đích thu nhỏ khối u. Bên cạnh đó, hóa trị sau phẫu thuật được dùng để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại. Ngoài ra, hoá trị ung thư thực quản cũng được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân không thể phẫu thuật hoặc nếu khối u tái phát sau phẫu thuật và sau xạ trị.

Hầu hết các loại thuốc điều trị ung thư thực quản đều dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch, một số ít khác dùng bằng được uống. Hoá trị ung thư thực quản là một phương pháp điều trị toàn thân, nghĩa là thuốc theo dòng máu đến tất cả các tế bào ung thư trong cơ thể. 

Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc theo từng chu kì một, tức là cứ sau một thời gian dùng thuốc sẽ đến một thời gian nghỉ. Nhiều bệnh nhân khi áp dụng hoá trị ung thư thực quản chỉ cần điều trị ngoại trú hoặc đến phòng mạch của bác sĩ hay điều trị tại nhà. Tuy nhiên, tùy theo loại thuốc, tình trạng bệnh nhân hoặc theo kế hoạch điều trị mà đôi khi bệnh nhân cũng cần nhập viện để thực hiện hóa trị ung thư thực quản.

1. Khi nào cần hóa trị ung thư thực quản?

Trong điều trị ung thư thực quản, hóa trị sẽ được chỉ định khi:

- Hóa trị trước phẫu thuật: Thường được kết hợp với xạ trị nhằm thu nhỏ kích thước khối u, giúp cuộc phẫu thuật trở nên dễ dàng hơn. Việc hóa trị ung thư thực quản trước khi phẫu thuật có ưu điểm là có thể ngay lập tức có thể bắt đầu tiêu diệt các tế bào ung thư và ngăn chặn di căn sang bộ phận khác, đồng thời làm giảm kích thước của khối u, cho phép phẫu thuật tiến hành dễ dàng hơn. 

- Hóa trị sau phẫu thuật: Trong một số trường hợp, điều trị hóa chất giúp tiêu diệt hết nốt những tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật, những tế bào không thể phát hiện được bằng mắt thường hay qua các xét nghiệm chụp chiếu.

- Hóa trị ung thư thực quản ở bệnh nhân giai đoạn cuối nhằm cải thiện triệu chứng, đẩy lùi và kiểm soát bệnh tạm thời, giúp kéo dài thêm cuộc sống của người bệnh.

Một phác đồ hóa trị ung thư thực quản thường gồm một số lần truyền hoặc uống thuốc nhất định trong một khoảng thời gian. Bệnh nhân có thể được chỉ định một loại thuốc hoặc kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau cùng lúc

2. Một số lưu ý về tác dụng không mong muốn của hóa trị ung thư thực quản

Do tác động tới cả các tế bào ung thư và tế bào lành, hóa chất có thể làm tổn thương những tế bào khỏe mạnh bình thường của cơ thể, đặc biệt là những tế bào thường xuyên nhân lên như các tế bào tái tạo máu tại tủy xương, các tế bào bao phủ niêm mạc miệng, đường tiêu hóa... 

Một số tác dụng không mong muốn của việc hóa trị ung thư thực quản có thể gặp là:

- Buồn nôn và nôn, chán ăn, mệt mỏi, viêm niêm mạc miệng.

- Rụng tóc.

- Hội chứng bàn tay - bàn chân: thường bắt đầu bằng các dấu hiệu đỏ da lòng bàn tay, bàn chân, sau đó tiến triển thành cảm giác tê bì, nóng rát. Thậm chí bong tróc da, móng bàn tay - chân.

- Tăng nguy cơ chảy máu (rối loạn đông cầm máu do giảm tiểu cầu).

Bệnh nhân cần giữ liên lạc với bác sĩ trong suốt thời gian hóa trị ung thư thực quản, thông báo cho bác sĩ ngay khi xuất hiện các dấu hiệu khiến bạn nghi ngờ liên quan tới tác dụng phụ của thuốc. Nếu không được can thiệp kịp thời, một số độc tính có thể tiến triển nặng dẫn đến buộc phải trì hoãn liệu trình, ảnh hưởng đến các kết quả điều trị của bệnh ung thư. Hầu hết các tác dụng không mong muốn sẽ cải thiện dần sau khi kết thúc quá trình hóa trị ung thư thực quản. 


Tác giả: Thúy Nga