Khi nào cần điều trị cảm lạnh? Những dấu hiệu nguy hiểm cần nhập viện ngay

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Khi nào cần điều trị cảm lạnh? Những dấu hiệu nguy hiểm cần nhập viện ngay
Bệnh cảm lạnh là căn bệnh phổ biến và thường kết thúc sau khoảng 2 tuần điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn sẽ cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ để điều trị cảm lạnh.

Bệnh cảm lạnh là căn bệnh không quá nghiêm trọng và thường được điều trị tại nhà. Dù vậy, trong một số trường hợp, cảm lạnh vẫn có thể kèm theo các triệu chứng bất thường cảnh báo bệnh tiến triển nặng, có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Những triệu chứng nguy hiểm cần điều trị ngay:

1. Khó thở hoặc tức ngực

Khó thở và tức ngực không phải là hiện tượng phổ biến của căn bệnh cảm lạnh. Đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề liên quan đến tim mạch, hen suyễn và viêm phổi. Do đó, khi cảm lạnh đi kèm với các triệu chứng này, bạn nên đến gặp các bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị cảm lạnh.

2. Hiện tượng sốt kéo dài

Sốt là một triệu chứng thường gặp do bệnh cảm lạnh gây ra. Tuy nhiên, nếu sốt có xu hướng kéo dài thì đó lại là tình trạng đáng báo động. Bởi nó cho thấy bạn đang có nguy cơ của sự nhiễm trùng bên trong cơ thể. Khi này, việc điều trị cảm lạnh không nên được thực hiện tại nhà. Bạn nên đến các cơ sở y tế để tham khảo ý kiến của bác sĩ.

3. Tình trạng khó nuốt

Đau họng là một hiện tượng thường gặp do bệnh cảm lạnh gây ra. Tuy nhiên, nếu đau họng gây ảnh hưởng đến việc ăn uống thì đó lại là vấn đề nghiêm trọng. Bởi đó có thể là một trong những dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng hoặc chấn thương. Do đó, khi có hiện tượng khó nuốt do đau họng thì bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị cảm lạnh.  

4. Ho kéo dài

Cảm lạnh thường đi kèm với những cơn ho và một lượng đờm lớn ở cổ họng. Thông thường, các cơn ho do cảm lạnh thường không kéo dài quá 2 tuần. Do đó, bạn cần cẩn trọng với những cơn ho kéo dài không dứt. Bởi đó có thể là biểu hiện của các căn bệnh nghiêm trọng như viêm phế quản hoặc ho gà. Ngoài ra, các chất nhầy ở cổ họng cũng được có thể liên quan đến hen suyễn hay GERD (trào ngược dạ dày). Vì vậy, nếu tự điều trị cảm lạnh tại nhà mà cơn ho vẫn tiếp tục kéo dài từ 2 đến 3 tuần, bạn nên đến bệnh viện để làm các xét nghiệm. 

Các cơn ho được cho là bất thường thường có các biểu hiện sau:

- Ho ra các chất nhầy có màu vàng, xanh hoặc hồng kéo dài trên một tuần và kèm theo sốt.

Ho ra máu.

- Ho đi kèm với khó thở và khò khè .

- Ho kèm theo đổ mồ hôi đêm hoặc các cơn sốt vào ban đêm.

- Ho liên tục và phát ra tiếng rít khi cố gắng thở, đặc biệt là ở trẻ dưới 1 tuổi.

- Trẻ sơ sinh có các cơn ho kéo dài trong một vài giờ.

5. Đau đầu dữ dội, mơ hồ, mất nhận thức

Đau đầu hay thậm chí mà mất nhận thức là một vấn đề nghiêm trọng khi bị cảm lạnh. Đặc biệt là đau đầu kèm theo các hiện tượng như mất thị lực, khó phát âm… Trong trường hợp nhiễm trùng, đau đầu còn đi kèm với nôn mửa, tiêu chảy và co cứng cổ. Ngay cả khi không quá nghiêm trọng, việc điều trị cảm lạnh khi có triệu chứng đau đầu vẫn cần được thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ. Nhất là đối với các cơn đau đầu kéo dài trên 72 giờ đồng hồ.

6. Nghẹt mũi ở mức độ nặng

Hiện tượng nghẹt mũi là một vấn đề phổ biến do bệnh cảm lạnh gây ra. Tuy nhiên, nếu nghẹt mũi khiến bạn thấy đau đớn hoặc chảy máu thì đó là điều đáng lo ngại. Đặc biệt là khi tình trạng nghẹt mũi kéo dài hơn 10 ngày và đi kèm các dấu hiệu sau: 

- Sốt cao.

- Nước mũi có màu vàng hoặc màu xanh lá cây.

- Đau xoang nặng.

- Đau họng hoặc khó thở.

Khi này, bạn không nên tiếp tục điều trị cảm lạnh tại nhà hoặc tự ý mua thuốc uống, mà hãy gặp bác sĩ để trao đổi về vấn đề của mình.

7. Nôn mửa

Nôn mửa là một trong những dấu hiệu cho thấy sự bất thường của bệnh cảm lạnh. Nhất là khi trong chất nôn có máu, mật xanh và các chất lạ màu đen khác. Ngoài ra, nôn mửa còn có thể đi kèm với tình trạng tiêu chảy. Và cả 2 tình trạng này đều là dấu hiệu cho thấy bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để điều trị cảm lạnh.  

8. Đau dạ dày

Đau dạ dày không phải là triệu chứng phổ biến của bệnh cảm lạnh thông thường, Do đó, để chẩn đoán chính xác, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay khi có các biểu hiện như:

- Cơn đau âm ỉ và kéo dài hơn một tuần.

- Cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm trong khoảng 24 đến 48 giờ.

- Cơn đau trở nên nghiêm trọng hoặc xảy ra thường xuyên hơn.

- Đau dạ dày kết hợp với tình trạng đầy hơi kéo dài hơn 2 ngày.

- Đau dạ dày kèm theo các triệu chứng như sốt và sút cân.

- Đau dạ dày đi kèm cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu.

Trong một số trường hợp, sự trợ giúp của bác sĩ là điều cần thiết khi điều trị cảm lạnh bởi nếu gặp những dấu hiệu như bên trên thì chứng tỏ bệnh cảm lạnh của bạn đang tiến triển nặng và có thể để lại nhiều biến chứng nếu không điều trị kịp thời.


Tác giả: Thùy Dung