Khi nào cần đi khám mắt? Khám mắt giúp phát hiện các dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm

Khi nào cần đi khám mắt? Khám mắt giúp phát hiện các dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm
Khám mắt tổng thể giúp chúng ta nắm bắt được tình trạng của đôi mắt. Từ đó đưa ra các phương pháp chăm sóc và bảo vệ mắt phù hợp. Bên cạnh đó, khám mắt còn giúp nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu bệnh nguy hiểm để điều trị kịp thời

Kết quả đo khám thị lực, giúp bạn phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn bên trong đôi mắt. Chẳng hạn như đôi mắt hiện tại có đang bị điều tiết nhiều không. Có xuất hiện tật khúc xạ hay bị khô mắt hay không. Đặc biệt là võng mạc có gặp vấn đề gì bất ổn không?

Tất cả những câu hỏi sẽ được trả lời khi có kết quả khám mắt. Để từ đó đưa ra phương hướng điều trị phù hợp giúp bảo vệ thị lực cho đôi mắt của bạn.

1. Khi nào thì nên khám mắt?

Thực tế thì, bất cứ ai cũng nên tiến hành khám mắt định kỳ. Ít nhất là mỗi năm 1 lần với những người có đôi mắt khoẻ mạnh. Còn với người được chẩn đoán mắc tật khúc xạ như cận thị, cần được khám mắt 6 tháng 1 lần để kiểm soát tăng độ. Việc khám thị lực là vô cùng cần thiết khi mắt bạn xuất hiện các triệu chứng dưới đây.

- Mắt mờ, khô, mỏi, thị lực bị suy giảm. Nguyên nhân gây ra vấn đề này có thể là do bạn tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại. Hoặc khi bạn ngồi đọc sách quá lâu khiến đôi mắt không được nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng có thể là do mắt mắc tật khúc xạ hoặc thuỷ tinh thể có vấn đề.

Khi nào cần đi khám mắt? Khám mắt giúp phát hiện các dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm - Ảnh 1.

Khi nào thì nên khám mắt để bảo vệ sức khỏe của mắt một cách tối đa - Ảnh: Internet

- Mắt bị ngứa, có thể do khô mắt gây nên hoặc là dấu hiệu của tình trạng viêm nhiễm như viêm bờ mi, mọc chắp, lẹo...

- Kết mạc mắt có màu đỏ thường là dấu hiệu của bệnh viêm kết mạc. Khi có dấu hiệu này bạn cần đến ngay cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được thăm khám và điều trị.

- Bị loá mắt, nhìn một thành hai. Đây là những dấu hiệu của các bệnh tiềm ẩn nguy hiểm như đục thuỷ tinh thể, võng mạc tiểu đường, lác...Do đó, nếu mắt xuất hiện các vấn đề trên cần được thăm khám ngay để điều trị kịp thời.

2. Khám mắt định kỳ giúp phát hiện các dấu hiệu bệnh nguy hiểm

Khám mắt định kỳ là vô cùng cần thiết, bởi đây là cách tốt nhất giúp bạn phát hiện các dấu hiệu bệnh nguy hiểm như cận thị, tăng nhãn áp, võng mạc đái tháo đường... Bên cạnh đó, việc kiểm tra mắt còn giúp phát hiện ra các bệnh toàn thân khác như tiểu đường cao huyết áp.

Theo thời gian, thị lực sẽ thay đổi. Chính vì thế, việc kiểm tra mắt định kỳ giúp phát hiện sớm các bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp. Đối với những người có tiền sử gia đình bị mắc các bệnh về mắt thì việc kiểm tra định kỳ càng quan trọng hơn. Điều này giúp các bác sĩ theo dõi tình trạng mắt thường xuyên để có hướng điều trị tích cực giúp giảm bớt các ảnh hưởng xấu đến thị lực.

2.1. Giúp phát hiện tật khúc xạ

Trẻ em, lứa tuổi học đường, nhân viên văn phòng... là những đối tượng có nguy cơ cao mắc tật khúc xạ. Khám mắt định kỳ giúp phát hiện sớm các nguy cơ mắc bệnh. Từ đó giúp ngăn chặn và điều trị kịp thời các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Bên cạnh đó, giúp ngăn ngừa nguy cơ tổn thương thị giác dẫn đến mất hẳn thị lực.

Khi nào cần đi khám mắt? Khám mắt giúp phát hiện các dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm - Ảnh 2.

Khám mắt định kỳ giúp phát hiện tật khúc xạ - Ảnh: Internet

Thực tế thì, chúng ta rất khó để phát hiện ra tật khúc xạ ở trẻ nhỏ. Bởi các bé chưa ý thức được rằng việc nhìn mờ là dấu hiệu cho thấy đôi mắt không bình thường. Chẳng hạn như với tật cận thị, đa số các trường hợp chỉ được phát hiện khi trẻ đã bắt đầu đi học và không nhìn rõ chữ. Vì thế việc khám mắt định kỳ từ khi trẻ được 3 tuổi là rất cần thiết. Nhất là với các trường hợp gia đình có tiền sử mắc cận thị hoặc các bệnh về mắt.

Thông thường các trường hợp cận thị phát triển mạnh khi trẻ đến tuổi dậy thì. Tuy nhiên nó có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào. Cùng với sự phát triển của cơ thể thì tình trạng cận thị sẽ nặng lên.Tình trạng này có thể tiến triển đến tận 25 - 30 tuổi mới ổn định. Do đó, khám thị lực định kỳ giúp bạn phát hiện sớm nhất các dấu hiệu cận thị.

2.2. Giúp phát hiện dấu hiệu bệnh lý đáy mắt

Hiện nay, các bệnh lý đáy mắt như võng mạc đái tháo đường, võng mạc cao huyết áp, tắc động tĩnh mạch võng mạc, thoái hoá điểm vàng... ngày một gia tăng. Những bệnh này rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu bởi chưa có dấu hiệu rõ ràng. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mất thị lực và mù loà vĩnh viễn.

Các bệnh lý đáy mắt khiến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị suy giảm nghiêm trọng. Người bệnh thường gặp không ít khó khăn, năng lực bị hạn chế. Thậm chí có những trường hợp còn mất khả năng tự chủ cuộc sống, trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội.

Đối tượng có nguy cơ cao mắt bệnh lý đáy mắt thường là người cao tuổi. Những người mắc bệnh nội khoa như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch... Những người mắc tật khúc xạ nặng hoặc từng bị chấn thương vùng mặt nghiêm trọng.

Mỗi một độ tuổi nhất định đều có khả năng đối diện với nguy cơ mắc bệnh về mắt riêng biệt. Do đó, việc khám mắt định kỳ tại địa chỉ uy tín là điều cần thiết giúp phát hiện dấu hiệu và nguy cơ mắc bệnh. Để từ đó có phương pháp điều trị sớm, tránh tình trạng tổn thương nghiêm trọng hơn.

Khi nào cần đi khám mắt? Khám mắt giúp phát hiện các dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm - Ảnh 3.

Khám mắt định kỳ giúp phát hiện bệnh lý đáy mắt - Ảnh: Internet

3. Nên khám mắt định kỳ bao lâu một lần?

Dù là với trẻ em hay người trưởng thành thì việc duy trì khám mắt đều đặn là rất cần thiết. Điều này giúp bạn theo dõi sức khoẻ và chăm sóc mắt hiệu quả hơn. Đồng thời có biện pháp can thiệp kịp thời khi gặp các vấn đề về mắt.

- Với trẻ em dưới 3 tuổi, phụ huynh nên đưa bé đến bệnh viện mắt để kiểm tra các tật thường gặp như mắt lác, nhược thị, cận thị bẩm sinh... Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra loại trừ các bệnh hiếm gặp ở trẻ như đục thuỷ tinh thể bẩm sinh, u nguyên bào võng mạc.

- Với trẻ em ở độ tuổi vị thành niên, cần tiến hành kiễm tra mắt 2 lần/năm. Có thể tiến hành trong những lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ hoặc khi đo kính mắt với trẻ bị tật khúc xạ.

- Với người trưởng thành và người cao tuổi nên khám mắt 1 lần/ năm. Đồng thời, theo dõi tiến trình thay đổi thị giác thường xuyên. Từ 40 tuổi trở lên cần tiến hành kiểm tra mắt tổng quát và tái khám sau đó.


Tác giả: HT