Hỏi: Chị Nguyễn Thị Hồng Vân 40 tuổi - Lạng Sơn hỏi rằng , cách đây mấy năm chị bị ngã xe máy và giãn dây chằng cổ tay. Mỗi khi trời rét chị thấy đau chỗ đó và mong bác sĩ tư vấn xem chị có thể dùng thuốc gì cho hết đau.
Cần phải đi khám chuyên khoa cơ xương khớp để xác định nguyên nhân gây ra đau cổ tay (Ảnh: Internet)
Bác sĩ trả lời: TS.BS. Phạm Quang Thuận chia sẻ rằng, trước hết cần trao đổi với bạn một số vấn đề: Đầu tiên đó là không rõ sau khi xảy ra chấn thương bạn có đi khám và được chẩn đoán chính xác là giãn dây chằng cổ tay không? Và nếu có thì tổn thương ở độ nào? Bạn đã điều trị chưa và có triệt để không?
Nếu bị đau do giãn dây chằng và "đợt này trời rét" chị mới thấy đau nên cần làm rõ xem có phải đau do tổn thương giãn dây chằng từ lúc chấn thương gây ra hay không vì như chị nói thì chấn thương xảy ra cách đây đã mấy năm rồi.
Điều thứ 2 đó là bác sĩ không rõ tính chất đau của bạn là gì? Khi đau có bị liên tục cả khi nghỉ hay chỉ đau khi vận động khớp? Đau như vậy có kèm sưng nề, nóng vùng khớp hay không… điều này cần chắc chắn để loại trừ các tình trạng viêm khớp khác.
Trong trường hợp nếu chị bị đau do giãn dây chằng thì về nguyên tắc có thể điều trị như sau:
Trước hết là các biện không dùng thuốc: Khi đó chị cần cố định tương đối khớp cổ tay bằng cách băng chun, nịt hoặc nẹp cố định; bên cạnh đó phải hạn chế vận động khớp, đặc biệt là các vận động bê xách nặng; Chị cũng có thể áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu như siêu âm, điện phân, sóng ngắn, từ trường…
Về trường hợp cần dùng thuốc: Thì điều này sẽ tùy mức độ đau có thể sử dụng các thuốc như thuốc dùng ngoài gồm các thuốc có thể kể tới như salonpas gel, salonpas dán, các thuốc giảm đau kháng viêm như voltaren emugel, fastum gel…
Với các loại thuốc uống để giảm đau thì chị có thể dùng paracetamol hoặc thuốc giảm đau phối hợp paracetamol với các thuốc khác như codein, tramadon, ibuprofen (bởi những thuốc này sẽ có tác dụng giảm đau mạnh hơn) và chỉ dùng trong trường hợp đau nhiều.
Bị đau tay do giãn dây chằng cần cố định tương đối khớp cổ tay (Ảnh: Internet)
Tiếp theo đó là các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, voltaren, celecoxib, arcoxia, mobic… thì chị cũng có thể sử dụng trong trường hợp này. Bên cạnh đó chị có thể sử dụng các thuốc bổ trợ thuộc nhóm collagen týp I sẽ có tác dụng phục hồi gân cơ dây chằng tổn thương.
Bạn cần chú ý các thuốc bổ khớp như glucosamine sẽ ít có tác dụng đối với những tổn thương loại này. Bác sĩ cũng lưu ý rằng, các loại thuốc khi dùng chị cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để phòng, tránh hoặc hạn chế các bất lợi do thuốc gây nên.
Nhưng theo bác sĩ thì trong trường hợp của bạn, cần phải đi khám chuyên khoa cơ xương khớp để xác định chính xác nguyên nhân gây ra đau cổ tay của bạn là gì để từ đó bác sĩ sẽ tư vấn, kê đơn cho bạn cách dùng thuốc chính xác nhất.
Tổng hợp