Khám và điều trị sốt xuất huyết sớm để bảo vệ sức khỏe

Khám và điều trị sốt xuất huyết sớm để bảo vệ sức khỏe
Tiến hành các xét nghiệm phát hiện bệnh trong 3 ngày đầu tiên kể từ khi xuất hiện các triệu chứng giúp việc khám và điều trị sốt xuất huyết được chính xác và có hiệu quả cao.

1. Khám và điều trị sốt xuất huyết ở đâu?

Hiện nay, việc khám và điều trị sốt xuất huyết đã được phổ cập đến bệnh viện tuyến quận, huyện. Vì vậy, khi xuất hiện các biểu hiện đầu tiên, bệnh nhân được nghi sốt xuất huyết, đặc biệt là trong mùa dịch, không nên quá lo lắng, đổ dồn lên khám ở các bệnh viện tuyến trên, gây ra tình trạng quá tải và thường trực nguy cơ lây nhiễm chéo các loại bệnh khác.

Ngoài ra, khi có các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân cần được đưa tới khám tại các cơ sở y tế gần nhất trong thời gian sớm nhất có thể. Trong quá trình khám và điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện tuyến cơ sở, nếu có các dấu hiệu bất thường và không thể xử lí được, bệnh nhân mới phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên theo chỉ định của bác sĩ.

2. Khi nào tiến hành khám và điều trị sốt xuất huyết

Trong khám và điều trị sốt xuất huyết hiện nay, để phát hiện bệnh, bệnh nhân thường phải trải qua 1 trong 2 xét nghiệm để chuẩn đoán virus Dengue, đó là xét nghiệm NS1 để xác định sốt xuất huyết (có kết quả chính xác nhất trong 3 ngày đầu); và xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán Dengue (có kết quả chính xác nhất từ ngày thứ 6-7 trở đi).

Như vậy, việc thực hiện các xét nghiệm để phát hiện bệnh sốt xuất huyết trong ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh thường khó có được kết quả chính xác.

Nhằm phát hiện dấu hiệu của bệnh sớm để có biện pháp khám và điều trị sốt xuất huyết kịp thời, cần lưu ý các biểu hiện sau: Trong 1-3 ngày đầu, bệnh nhân thường sốt cao (trên 39 độ) không rõ nguyên nhân, kèm theo đó là cảm giác chán ăn, mệt mỏi, đau đầu, đau nhức hai hốc mắt, đau mỏi cơ bắp, buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, phát ban,...

Các dấu hiệu trên cần được phát hiện sớm trong 3 ngày đầu của bệnh để tiến hành điều trị các triệu chứng. Đối với các trường hợp bệnh nhẹ, trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể được điều trị ngoại trú tại nhà theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu không được khám và điều trị sốt xuất huyết kịp thời, từ ngày thứ 4 trở đi là giai đoạn bệnh lui sốt nhưng lại có nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong giai đoạn này, bệnh nhân cần tiến hành theo dõi các biểu hiện lạ liên tục và nhập viện ngay khi có các triệu chứng như: rối loạn nhịp tim, huyết áp, tay chân lạnh, người vật vã, li bì,...

Ảnh 3.

Các dấu hiệu sốt xuất huyết thường gặp (Ảnh: Internet)

Đây là giai đoạn hết sức nhạy cảm của bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, trong thời gian này, bệnh nhân thường phải tiến hành các xét nghiệm kiểm tra hàng ngày để theo dõi và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường trong máu.

Ngoài ra, khi bệnh nhân có các dấu hiệu như bỏ ăn, mất nước, nôn nhiều,... cần đưa bệnh nhân tới các bệnh viện tuyến cơ sở để bác sĩ cân nhắc việc truyền dịch. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

3. Khám và điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện tuyến trên

Trong thời gian cao điểm của mùa dịch (tháng 7 đến tháng 11), các bệnh viện tuyến trên là nơi tiến hành khám và điều trị sốt xuất huyết đối với các ca bệnh nặng. Bệnh nhân sốt xuất huyết ở đây thường là các trường hợp bệnh đã hoặc có nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết nội tạng, tràn dịch màng phổi, đông máu, suy đa tạng,...

Đối với các trường hợp này, bệnh nhân cần được chăm sóc y tế đặc biệt với trang thiết bị hiện đại và sự giám sát chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa. Việc khám và điều trị bệnh sốt xuất huyết ở thể nặng được tiến hành càng sớm thì càng có hiệu quả cao và hạn chế được các mối nguy hiểm.


Tác giả: Thảo Ngân