Khái quát về bệnh polyp dây thanh quản

Khái quát về bệnh polyp dây thanh quản
Polyp dây thanh quản là một dạng khối u lành tính khiến âm sắc giọng nói của người bệnh thay đổi. Bệnh tuy không gây nguy hiểm nhưng lại cản trở đến hoạt động giao tiếp người bệnh.

1. Polyp dây thanh quản là gì?

Polyp dây thanh là bệnh lý khá phổ biến ở mọi lứa tuổi tuy nhiên tỉ lệ mắc bệnh ở người lớn là cao hơn nhiều so với trẻ em và thanh thiếu niên. Khi bị mắc bệnh, giọng nói của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nếu không được chữa trị nhanh chóng có thể dẫn đến tình trạng khàn tiếng kéo dài.

Biểu hiện của bệnh là u nhỏ là bằng hạt gạo hoặc bằng hạt đậu xanh xuất hiện trong lòng thanh quản do vùng niêm mạc bị phù nề tổn thương bởi các tác nhân gây hại. U có màu hồng nhạt, lòng khối u mềm nhưng khi bị xơ cứng có màu trắng, polyp có thể có cuống hoặc không.

Polyp dây thanh không gây nguy hiểm gì cho bệnh nhân nhưng cần được điều trị vì căn bệnh này không thể tự khỏi, nó đặc biệt ảnh hưởng đến những người có công việc cần giọng nói như: ca sĩ, người dẫn chương trình, chính trị gia, giáo viên...

Khái quát về bệnh polyp dây thanh quản  - Ảnh 2.

Polyp dây thanh quản gây cản trở trong sinh hoạt giao tiếp. Ảnh: Internet

2. Nguyên nhân polyp dây thanh quản

Có nhiều nguyên nhân gây hình thành khối u polyp dây thanh nhưng trong đó có một số tác nhân chính thường thấy như:

Bệnh nhân bị cảm lạnh hoặc viêm họng cấp hay mãn tính không được điều trị dứt điểm, nên tình trạng bệnh cứ kéo dài và tái đi tái lại nhiều lần gây tổn thương thanh quản nghiêm trọng, làm hình thành polyp dây thanh.

Các thói quen xấu như hút thuốc lá, nghiện thuốc lá hoặc lạm dụng đồ uống có cồn sẽ gây kích thích tổn thương vùng họng và dây thanh.

Ở một số trường hợp u polyp còn xuất hiện ở phụ nữ có nội tiết tố thay đổi dẫn đến khí huyết lưu thông không ổn định mà lại làm công việc cần nói nhiều nói lớn hoặc quát tháo quá độ gây thương tổn dây thanh nghiêm trọng.

3. Triệu chứng thường thấy polyp dây thanh quản

Khi mắc phải u polyp, 2 dây thanh của người bệnh không khép lại được khiến độ rung dây thanh không đều gây ra hiện tượng khàn tiếng điển hình. Khi nói bệnh nhân cảm thấy bị hụt hơi, cảm thấy mệt và nặng nề khi nói. Bệnh nhân có thể kèm các cơn ho khan kéo dài và cảm thấy thở khó hơn bình thường.

Khái quát về bệnh polyp dây thanh quản  - Ảnh 3.

Khi phát hiện các dấu hiệu polyp dây thanh quản, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Ảnh: Internet

4. Chữa trị bệnh polyp dây thanh quản

Bệnh nhân khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào vùng họng nên chủ động đi đến cơ sở y chuyên khoa Tai Mũi Họng để được thăm khám và điều trị. Để điều trị bệnh polyp dây thanh phương pháp can thiệp mang lại hiệu quả cao là phẫu thuật cắt bỏ khối u polyp.

Một số phương pháp phẫu thuật cắt bỏ polyp dây thanh thường dùng như: cắt bỏ polyp thanh quản dưới kính hiển vi phẫu thuật, soi thanh quản trực tiếp hoặc gián tiếp cắt polyp, soi thanh quản treo... Sau khi phẫu thuật bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng các loại thuốc kháng sinh,  chống viêm để phòng tránh nhiễm khuẩn phù nề xảy ra.

Để quá trình điều trị bệnh polyp dây thanh quản được nhanh chóng bệnh nhân nên hạn chế nói chuyện, nói nhẹ kết hợp nghỉ ngơi và ăn uống thực phẩm mềm, uống nhiều nước kết hợp xông ấm vùng cổ bằng tinh dầu thảo dược...

5. Biện pháp phòng tránh polyp dây thanh quản

Để phòng tránh bệnh polyp dây thanh quản, bạn cần lưu ý các vấn đề sau:

- Cần chủ động giữ ấm vùng cổ khi thời tiết thay đổi, tránh nhiễm phải không khí lạnh.

- Tránh xa các đồ ăn quá cay, chua, nóng, lạnh để không gây kích ứng vùng họng.

- Tránh xa thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích có hại.

- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường bụi bẩn, ô nhiễm, hóa chất.

- Hạn chế nói to, quát lớn, nói liên tục trong một thời gian dài.

- Chủ động nâng cao sức đề kháng thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao để không mắc phải các bệnh viêm họng, cảm lạnh, giảm nguy cơ ảnh hưởng thanh quản.

Tác giả: Huyền Trang