Máu khó đông (Hemophilia) là bệnh rối loạn đông máu di truyền do thiếu hụt các yếu tố đông máu VIII và IX. Bệnh thường gây đau đớn và có thể khiến bệnh nhân "chảy máu đến chết" nếu không được điều trị kịp thời. Do vậy việc chăm sóc và điều trị cho người mắc bệnh này cần được quan tâm, chú ý đúng mức.
Vậy nếu không may mắc bệnh thì bệnh nhân cần làm gì để khắc phục bệnh máu khó đông, ngăn không cho bệnh nặng lên?
1. Tập thể dục nhẹ nhàng
Không ít người nghĩ rằng khi bị bệnh máu khó đông thì không nên tập thể dục chút nào. Tuy nhiên đây là một quan điểm sai lầm. Tập thể dục rất quan trọng đối với bệnh nhân bị máu khó đông vì sự vận động sẽ giúp cho các cơ chắc chắn hơn, khỏe mạnh hơn để bảo vệ các khớp, giảm thiểu chảy máu trong khớp.
Tuy vậy, người bệnh máu khó đông cần lưu ý không nên tập những môn thể dục có cường độ cao như bóng đá và đấm bốc. Bởi những môn thể thao sức mạnh này có thể khiến bạn gặp chấn thương và gây chảy máu bên trong hoặc bên ngoài cơ thể, gây phản tác dụng. Thay vào đó, người bệnh nên tập những bài thể dục nhẹ nhàng, vừa sức. Chú ý khi tập luyện thể dục thể thao nên có những miếng đệm lót ở những vị trí dễ xảy ra trầy xước như khuỷu tay, đầu gối.
Người bị máu khó đông nên tập những bài thể dục nhẹ nhàng (Ảnh: Internet)
2. Chăm sóc, vệ sinh răng miệng cẩn thận
Người bị máu khó đông cần chú ý cẩn trọng khi vệ sinh răng miệng vì đó là cơ quan rất dễ bị chảy máu. Để tránh chảy máu chân răng bạn cần tránh ăn các thức ăn cứng, nhọn, nên tách xương, vỏ, càng, vảy trước khi cho bệnh nhân ăn cua, tôm, cá. Nếu người bệnh máu khó đông phải nhổ răng thì nên đến bác sĩ nha khoa và thông báo cho bác sĩ biết tình trạng bệnh để có hướng xử trí thích hợp.
Ngoài ra, cần chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ, kiểm tra định kỳ đề phòng những viêm nhiễm ở miệng, giảm thiểu tối đa chảy máu do răng miệng.
Người bị máu khó đông nên cẩn trọng khi vệ sinh răng miệng (Ảnh: Internet)
3. Thận trọng khi dùng thuốc
Những người mắc bệnh máu khó đông cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc. Tránh dùng các thuốc có thể gây chảy máu như aspirin, histamine. Một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc chống đông máu... có thể ảnh hưởng đến sự đông máu và cầm máu của người bệnh. Do vậy tốt nhất là mỗi khi sử dụng thuốc gì, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ.
Người bệnh không được tự ý sử dụng các loại thuốc (Ảnh: Internet)
4. Mang theo các loại thuốc khi đi du lịch
Điều tối quan trọng đối với người mắc bệnh máu khó đông là phải luôn mang theo các loại thuốc hỗ trợ đông máu khi đi chơi xa hoặc đi du lịch. Nên có số điện thoại, địa chỉ liên hệ với bác sĩ địa phương để được hướng dẫn cách kiểm soát bệnh trong trường hợp bạn bị chấn thương gây chảy máu.
Các thuốc hỗ trợ đông máu là vật bất ly thân của bệnh nhân máu khó đông (Ảnh: Internet)
5. Đến bệnh viện ngay khi vết thương không thể cầm máu
Việc chăm sóc và có sự can thiệp y tế kịp thời, càng sớm càng tốt là vô cùng quan trọng với bệnh nhân bị máu khó đông. Thậm chí dù chỉ là một vết thương nhỏ thì họ cũng cần phải được kiểm tra ngay lập tức để tránh tình trạng chảy máu không ngừng gây mất máu quá nhiều. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh máu khó đông có thể tử vong do mất máu đến chết.
Tổng hợp