Có khá nhiều sự khác biệt giữa hai thể bệnh đái tháo đường. Theo thống kê, trong số những người mắc bệnh đái tháo đường, có khoảng 5% bị đái tháo đường tuýp 1, trong khi đái tháo đường tuýp 2 chiếm đến 95%.
Những khác biệt này xuất phát từ nguyên nhân của bệnh, triệu chứng và cách quản lý. Bệnh cũng ảnh hưởng đến cơ thể theo những cách khác nhau.
Bệnh đái tháo đường tuýp 1: Tình trạng này thường được gọi là bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin hoặc là bệnh đái tháo đường khởi phát ở trẻ vị thành niên, bởi vì bệnh có thể bắt đầu từ thời thơ ấu.
Đây là một bệnh tự miễn dịch, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể xác định nhầm các tế bào tụy sản xuất insulin như một “tác nhân ngoại lai” và do đó cơ thể tấn công các tế bào tụy. Vì các tế bào tụy bị hủy hoại, cơ thể bị thiếu chất insulin được sinh ra.
Bệnh đái tháo đường utýp 2: Thường được biết đến như là bệnh đái tháo đường khởi phát ở người trưởng thành, nhưng vẫn có khả năng ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em.
Nói chung, thể bệnh này là phổ biến ở người trung niên và người cao tuổi. Những người bị chứng béo phì và lối sống thiếu hoạt động có nguy cơ cao hơn đối với bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Để phòng ngừa ĐTĐ, người bệnh cần thường xuyên tập thể dục.
Cơ chế bệnh sinh chính của đái tháo đường tuýp 2 là do tình trạng kháng insulin. Trong tình trạng kháng insulin, gan, cơ và các tế bào mỡ giảm khả năng sử dụng insulin, tác động này làm cản trở mang glucose vào trong các tế bào của cơ thể.
Do đó, cơ thể cần nhiều insulin hơn để thu nhận glucose vào trong tế bào. Tuyến tụy cố gắng đáp ứng nhu cầu bằng cách gia tăng sản xuất thêm insulin.
Qua thời gian, tuyến tụy không đáp ứng được đầy đủ sản xuất insulin, khi có sự gia tăng mức đường trong máu. Khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, bạn cần phải điều trị bổ sung để khống chế tốt bệnh đái tháo đường.
Sự khác biệt giữa đái tháo đường týp 1 và utýp 2 chủ yếu nằm trong nguyên nhân. Bệnh đái tháo đường tuýp 1 được gây ra khi các tế bào tụy bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch dẫn đến sản xuất insulin giảm.
Trong bệnh đái tháo đường tuýp 2, tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin để điều tiết lượng đường thừa sau khi ăn.
Di truyền học: Đối với tuýp 1, di truyền học là một yếu tố hiếm gặp vì bệnh nhân cần phải có được các yếu tố nguy cơ từ cả cha và mẹ của họ. Ngược lại, di truyền học đóng một vai trò quan trọng hơn trong tuýp 2.
Tác dụng trên cơ thể: Tuýp 1 gây ra bởi một cuộc tấn công tự miễn dịch trong khi tuýp 2 liên quan đến lối sống không hoạt động, lão hóa, béo phì và chế độ ăn uống thừa mứa.
Khí hậu: Lạnh được cho là yếu tố kích hoạt cho bệnh đái tháo đường týp 1. Týp 2 có liên quan đến lượng vitamin D thấp được sản xuất bởi cơ thể khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Chế độ ăn kiêng: Chế độ ăn uống trong giai đoạn sơ sinh có thể có ảnh hưởng ở tuýp 1. Ở tuýp 2, béo phì và chế độ ăn có đường cao là nguyên nhân chính.
Các triệu chứng thông thường của bệnh đái tháo đường tuýp 1 bao gồm tăng khát nước, đi tiểu thường xuyên, đói và giảm cân không mong muốn cùng với sự mệt mỏi, yếu đuối, khó chịu, thay đổi tâm trạng và thị lực giảm.
Đối với trẻ em, có tình trạng làm ướt giường khi ngủ mà trước đây không bắt gặp dấu hiệu này. Đối với nữ giới, nhiễm nấm âm đạo thường xuyên có thể là một dấu hiệu nghi ngờ đái tháo đường tuýp 1.
Giai đoạn khởi đầu của đái tháo đường tuýp 2 rất kín đáo làm mọi người ít quan tâm và dễ bỏ sót trong chẩn đoán.
Khi bệnh sang giai đoạn đường máu tăng cao, có thể xuất hiện một số triệu chứng bao gồm tăng khát đi kèm tăng tần suất đi tiểu. Giảm cân nặng mặc dù gia tăng cơn đói đi kèm với thị lực mờ và mệt mỏi là một dấu hiệu nghi ngờ.
Các triệu chứng khác bao gồm nhiễm trùng thường xuyên, các vết loét lành lại rất chậm và xuất hiện các viền da màu tối.
Trong cả hai thể, duy trì một chế độ ăn uống tốt và tập thể dục thường xuyên là rất quan trọng. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 là tuýp 1 đòi hỏi phải dùng liều bổ sung insulin thường xuyên.
Những bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 phải được theo dõi mức đường trong máu nhiều lần mỗi ngày và dùng liều insulin cho phù hợp.
Đối với tuýp 2, thuốc uống có thể được sử dụng để làm tăng sản xuất insulin và ngăn ngừa kháng insulin.
Chỉ khi sản xuất insulin không đáp ứng đủ thì sẽ cần liều insulin bổ sung. Những bệnh nhân đái đường tuýp 2 cần phải kiểm tra mức đường trong máu một hoặc hai lần mỗi ngày.
Bệnh đái tháo đường tuýp 1: Cho đến nay, chưa có phương pháp đặc hiệu nào để phòng ngừa tuýp 1, nhưng các nghiên cứu vẫn tiếp tục nhằm tìm ra biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Bệnh đái tháo đường tuýp 2: Có thể ngăn ngừa bằng cách lựa chọn lối sống lành mạnh. Việc tiêu thụ thực phẩm lành mạnh có nhiều chất xơ và ít calo như trái cây là điều cần thiết.
Tập thể dục thường xuyên hoặc vận động cơ thể vừa phải trong 30 phút mỗi ngày cũng sẽ giúp ích. Trọng lượng cần phải được giữ trong một phạm vi khỏe mạnh bằng các phương pháp khác nhau.
Trong cả hai thể, bệnh nhân đều có nguy cơ gia tăng đối với một loạt các biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe. Mặc dù có những quản lý riêng cho từng thể, nhưng cả hai thể bệnh này đều có thể dẫn đến suy thận và giảm thị lực.
Bệnh đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với đột quỵ, bệnh tim và bệnh mạch chi dưới.
Cần luôn nhớ rằng không có sự khác biệt giữa bệnh đái tháo đường týp 1 và tuýp 2 đối với nguy cơ sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng thể nói chung.
Phòng và quản lý tốt bệnh đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 vẫn là chiến lược tối ưu hiện nay đối với hai thể bệnh lý không lây nhiễm này.